Điểm số gây áp lực nặng nề với nhiều học sinh, thậm chí đã gây ra những hậu quả rất tiêu cực trong bối cảnh việc tư vấn tâm lý học đường còn bị bỏ ngỏ.
Áp lực đối với nhiều học sinh đã gây ra những hậu quả rất tiêu cực.
Mới đây nhất, vụ việc học sinh lớp 10 ở trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử ngay tại trường học đã khiến dư luận dậy sóng.
Theo đó, điểm trung bình của học sinh này là 8,9, còn một chút nữa là đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Học sinh này đã thất vọng về mình, hay nói đúng hơn là sợ bố mẹ thất vọng về mình đến mức phải chọn cái chết.
Đau lòng hơn, trường hợp của học sinh ở trường THPT Nguyễn Khuyến nói trên không phải cá biệt. Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành.
Nhìn lại sau nhiều năm cải cách nhằm giảm tải của ngành giáo dục, đến nay, áp lực điểm số và bệnh thành tích vẫn đang đè nặng lên nhiều học sinh và phụ huynh, thậm chí cả thầy cô giáo.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, điều đó cho thấy nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi thanh xuân nhất lại đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình. Do đó, bên cạnh những nỗ lực thay đổi tư tưởng từ gia đình, nhà trường và từ chính học sinh, hơn lúc nào hết rất cần sân chơi để giải tỏa tâm lý cho những người trẻ.
Luôn có những cách để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, nhưng căn cơ nhất là phải giải tỏa được "hòn đá tảng" mang tên áp lực thành tích đang đè nặng, khiến trẻ em quên cả niềm vui được chơi, bố mẹ quên việc làm điểm tựa tâm lý cho con, còn nhà trường quên sự sẻ chia, xoa dịu áp lực cho học trò. Việc chạy theo điểm số sẽ có thể tạo ra những con robot có bảng điểm đẹp nhưng dễ sa sút khi vấp phải thất bại trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.