(HNM) - Trong khi hàng trăm hộ dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn) đang mong nước sạch từng ngày, từng giờ thì Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và vùng ảnh hưởng môi trường (gọi tắt là dự án cấp nước sạch) lại thi công với tiến độ
Dân khát nước
Sau hơn hai năm thi công, trạm cấp nước sạch xã Nam Sơn vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Đỗ Hà
Mới chớm hè mà hơn 1.100 hộ dân các thôn Lai Sơn, Chấu và Nam Lý của xã Bắc Sơn (nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn) đã khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Lai Sơn cho biết, hầu hết các hộ dân trong thôn sử dụng giếng khơi, sợ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nhiều hộ cũng muốn xây bể lọc nước trước khi dùng nhưng không có tiền nên đành "nhắm mắt" dùng liều dù biết đây chưa phải là nước sạch. Cùng cảnh ngộ, ấy là gần 2 nghìn hộ dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn và thôn 2, xã Hồng Kỳ. Ông Phạm Văn Phúc, xóm 16, thôn Đông Hạ bức xúc: Nguồn nước sinh hoạt của gia đình tôi đều lấy từ chiếc giếng khơi nhiễm bẩn này. Mấy ngày vừa rồi có mưa, nước còn trong, chứ mấy tháng mùa đông nước lúc nào cũng nổi váng xanh, váng đỏ, biết là nước bẩn nhưng chưa có tiền xây bể lọc nên cứ phải dùng. "Hiện cả thôn Đông Hạ mong nước sạch từng ngày nhưng dự án cấp nước sạch khởi công đã lâu, đến nay vẫn chưa xong. Mỗi lần dân kiến nghị, đơn vị thi công lại cho công nhân lên làm theo kiểu đối phó, rồi đâu lại vào đấy" - ông Phạm Văn Phúc than thở.
Tại 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Kinh tế thuần nông, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (Bắc Sơn 39,7%; Nam Sơn 20,3%). Đã vậy nguồn nước sinh hoạt ở các xã này đều thiếu, nhất là các thôn trong vùng ảnh hưởng của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Tạ Hồng Thái cho biết, cả xã có 3.512 hộ thì mới chỉ có 5% sử dụng giếng khoan, 95% còn lại phải dùng nước giếng khơi, không qua xử lý, vì không có nguồn nước nào thay thế. Hằng năm, cứ vào mùa khô, cả xã lại thiếu nước sinh hoạt. "Chính quyền và người dân địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án cấp nước sạch nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc trong nhân dân" - ông Tạ Hồng Thái cho hay.
Dự án "rùa"
Nhân dân xã Nam Sơn sử dụng nước giếng khơi để sinh hoạt hằng ngày.
Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội)- Nguyễn Gia Anh cho biết: Dự án cấp nước sạch khởi công tháng 12-2008. Đây là công trình cấp nước cấp 4, chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội, có mục tiêu cung cấp nước phục vụ cho Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng môi trường của 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Ngoài xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, dự án còn xây dựng 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 3 xã trên. Mỗi hệ thống gồm các hạng mục: Giếng khoan; tuyến ống nước thô; trạm xử lý nước sinh hoạt; mạng lưới đường ống phân phối, dịch vụ và lắp đặt đồng hồ đến từng hộ dân, hệ thống điện phục vụ trạm xử lý nước. Tổng công suất của 3 trạm xử lý nước đạt 1.000m3/ngày-đêm.
Theo kế hoạch, thời gian thi công công trình là 120 ngày, nhưng đến nay đã trên 800 ngày kể từ ngày khởi công, mà cả 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt đều dở dang. Quan sát của PV Hànộimới tại Trạm xử lý nước sạch Nam Sơn cho thấy các hạng mục mới thi công xong phần thô. Cụ thể, nhà điều hành của trạm chưa có cửa; hệ thống bể lọc thi công dở dang, đặc biệt là chưa lắp đặt thiết bị xử lý nước, trạm biến áp. Theo ông Nguyễn Gia Anh, nguyên nhân khiến dự án triển khai chậm do một số hạng mục khó giải phóng mặt bằng. Đến nay, vẫn còn 2 hạng mục giếng khoan ở 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng sạch. Hiện mới chỉ có Trạm xử nước sạch xã Hồng Kỳ cơ bản hoàn thành các hạng mục, chỉ thiếu đường ống dịch vụ từ hàng rào và đồng hồ vào nhà các hộ dân.
Cũng theo ông Nguyễn Gia Anh, đây là công trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tổng mức đầu tư gần 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP Hà Nội cấp gần 41,5 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân đóng góp 373 triệu đồng, nhưng hiện nay do cuộc sống của các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường quá khó khăn nên UBND huyện Sóc Sơn đã kiến nghị thành phố chuyển nguồn vốn nhân dân phải đóng góp sang vốn ngân sách thành phố để lắp ống dịch vụ, đồng hồ tới hộ dân và đề nghị giảm tiền mua nước cho các hộ dân ở 3 xã này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ thi công dự án bị chậm lại. Hiện tại, UBND TP vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức về kiến nghị này.
Đại diện Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị Sở Xây dựng cam kết nếu các xã bàn giao mặt bằng sạch; UBND TP sớm cho ý kiến về việc chuyển đổi vốn từ nhân dân đóng góp sang vốn ngân sách và cho ý kiến việc hỗ trợ giá mua nước cho nhân dân thì đết hết tháng 6-2011 dự án sẽ hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác. Cam kết là vậy nhưng không biết đến bao giờ dân 3 xã được có nước sạch?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.