(HNM) - Sau gần 10 năm khu đô thị này được đưa vào sử dụng, các công trình đó vẫn vắng bóng, khiến không ít người rơi vào cảnh ở cũng
Chợ cóc chiếm đường nội bộ ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. |
"Xẻ thịt" đường, sân chơi làm bãi trông xe
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính hiện có 19 tòa nhà chung cư. Phần lớn các hộ dân ở đây được di dời, tái định cư từ các dự án trên địa bàn thành phố. Mặc dù các tòa nhà được xây dựng mới, nhưng hầu hết đều không thiết kế tầng hầm để trông giữ xe. Cực chẳng đã, người dân đành tùy tiện sử dụng các tuyến đường nội bộ thành nơi đỗ ô tô. Trước tình hình đó, cuối tháng 7-2011, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp giấy phép cho Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) được tạm thời sử dụng lòng đường trong cụm nhà N, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để trông giữ xe trong vòng 6 tháng. Vậy nhưng, sau khi giấy phép hết thời hạn, do không có đơn vị nào được cấp phép trông giữ xe nên tình trạng người dân để ô tô lộn xộn xung quanh các tòa nhà lại tái diễn. Theo người dân, một số cá nhân còn đứng ra trông xe trái phép, gây lộn xộn, khiến cho người dân ở nhiều tòa nhà không còn lối đi, thậm chí diện tích làm sân chơi dành cho trẻ em, sân thể thao đều bị chiếm dụng gần hết làm bãi trông xe.
"Trắng" trường, chợ, trạm y tế
Theo thống kê của UBND phường Nhân Chính, số nhân khẩu tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính là gần một vạn người, trong đó chủ yếu là dân tái định cư, đời sống khó khăn, thiếu công ăn việc làm ổn định. Vậy nhưng, các hộ dân sinh sống ở đây hiện đang phải chịu cảnh không chợ, không trạm y tế, không hệ thống trường học công lập. Mặc dù tại khu đô thị cũng có một số trường mầm non và tiểu học, nhưng đều là trường dân lập và quốc tế với số học phí khá đắt đỏ nên không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện cho con em mình theo học mà phải đem con đến "học nhờ" tại các trường ở khu vực lân cận. Nghiễm nhiên, các trường học ở đây chỉ dành cho con em những gia đình khá giả.
Trong khi nhu cầu thực phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân rất lớn, song tại khu đô thị này, chợ hay trung tâm thương mại đến nay vẫn chưa hình thành. Theo quan sát của phóng viên, nhiều tuyến đường nội bộ của Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đang phát sinh chợ cóc họp từ sáng sớm đến tận tối mịt. Người mua, kẻ bán đông kín vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường, gây mất mỹ quan và thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông cục bộ. Kèm theo đó, nhiều hành lang chung của các tòa nhà xuất hiện các dịch vụ như bán nước trà, bánh mì, cháo, phở, cắt tóc... thậm chí trở thành nơi nấu nướng, đặt bếp than tổ ong, nồi niêu, xoong chảo và xả rác. Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo 197 của phường Nhân Chính đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm không gian chung vẫn diễn ra. Thêm vào đó, do các hộ dân ở các tòa nhà chưa bầu được ban quản trị khiến công tác quản lý, giữ gìn kiến trúc cảnh quan, duy trì chất lượng các tòa nhà và tạo nếp sống văn minh, hiện đại tại khu đô thị gặp nhiều khó khăn.
Chờ đến bao giờ?
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết: "Ngày 5-4-2013, UBND phường đã có công văn gửi UBND quận Thanh Xuân đề xuất xây dựng trường mầm non công lập tại ô đất số 9.7CC (rộng 2.000m2) đang để trống hoặc ô đất số 9.5CC đang thi công móng một công trình (rộng 2.300m2) ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Trong thời gian chờ phê duyệt dự án, UBND phường kiến nghị, cho phép mở chợ tạm tại ô đất số 9.7CC, đồng thời bố trí một phòng diện tích 30m2 tại nhà N2D làm nơi tổ chức tiêm phòng, sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe của người dân. Việc có thực hiện được các đề xuất trên vẫn đang trông chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt...".
Được biết, trước kiến nghị của người dân ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, ngày 28-5-2013, UBND quận Thanh Xuân có Thông báo số 188/TB-UBND, đề nghị Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND phường Nhân Chính khẩn trương bầu ban quản trị nhà chung cư. Bên cạnh đó, mặc dù theo quy hoạch khu đô thị không có chợ, nhưng giao Phòng Kinh tế nghiên cứu, tham mưu cho UBND quận có văn bản báo cáo UBND TP xin tổ chức tạm thời một khu chợ để phục vụ dân sinh. Đồng thời, giao Phòng Quản lý đô thị rà soát, đề xuất đơn vị có đủ năng lực trông giữ phương tiện để UBND quận cấp giấy phép tạm thời trông giữ phương tiện trong thời gian 6 tháng.
Thiết nghĩ, khi người dân chuyển về sống tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là đã phải chấp nhận dời nơi ở cũ, phục vụ sự phát triển chung của thành phố. Thế nhưng, việc thiếu các điều kiện sống của người dân trong thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và nhà đầu tư của khu đô thị ở đâu đối với một vạn cư dân nơi đây? Bao giờ người dân ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính mới hết cảnh mỏi mắt chờ công trình phúc lợi được xây dựng đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.