(HNM) - Thêm một lần nữa ngoại ô thủ đô hoa lệ của nước Pháp lại chấn động bởi các cuộc bạo loạn liên tiếp trong hai ngày cuối tuần qua.
Mặc dù đến ngày 23-7, tình hình đã cơ bản được kiểm soát, song, sự yên ắng này mới chỉ là tạm thời do nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành động quá khích của giới trẻ ven đô vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cảnh sát được tăng cường tại thị trấn Trappes. |
Kể từ cuộc bạo động kéo dài hơn hai tuần lễ, gây tổn thất nặng nề cho một số thị trấn như Seine-Saint-Denis, Aulnay-sous-Bois... cách đây 8 năm, hầu như năm nào, ngoại ô Paris cũng phải chứng kiến những vụ việc tương tự. Hậu quả là, hàng nghìn ô tô bị đốt cháy, cửa hàng bị đập phá và rất nhiều người bị thương. Chỉ trong hai ngày 20 và 21-7, đã có hơn 20 ô tô bị đốt, 1 thiếu niên bị trọng thương. Cảnh sát đã buộc phải tăng cường lực lượng tại thị trấn Trappes và tuyên bố siết chặt an ninh cho đến khi nào trật tự được khôi phục.
Đã có nhiều lý giải cho các cuộc bạo động lặp đi lặp lại ở ngoại ô Paris. Thứ nhất, đây là khu vực sinh sống mà dân nhập cư chiếm đại đa số. Từ nhiều năm qua, đời sống của người dân nơi đây gần như bị quên lãng khiến mọi thứ từ cơ sở hạ tầng đến các dịch vụ xã hội đều xuống cấp. Tình trạng càng đặc biệt tệ hại ở những khu chung cư, cao hàng mấy chục tầng, xây dựng từ những năm 1970, để làm nhà thuê giá rẻ cho những người nghèo trôi dạt từ nội thành ra. Mặc dù, gần đây một số khu chung cư đã được nâng cấp nhưng nhiều vùng ngoại ô Paris vẫn là những vùng "thử thách" chính quyền sở tại. Trong khi đó, các bậc cha mẹ vì bận bịu với việc làm hoặc thiếu quan tâm giáo dục con cái nên đa phần lớp trẻ nhập cư dù là thế hệ thứ nhất (theo cha mẹ đến) hoặc thứ hai (sinh ra trên đất Pháp) bị "thả nổi". Thêm vào đó, tình trạng thất nghiệp, định kiến xã hội, phân biệt đối xử vẫn còn rõ nét trong xã hội Pháp cũng là nguyên nhân khiến thái độ bất mãn dồn nén trong cộng đồng người nhập cư và chỉ cần một tia lửa nhỏ là bùng lên thành đám cháy lớn.
Và thực tế diễn ra đúng như những nhận định của các nhà phân tích xã hội Pháp. Năm 2005, "Cơn thịnh nộ" tại ngoại ô Paris bùng phát sau khi 2 thiếu niên gốc Phi chết vì điện giật tại một trạm biến áp ở Clichy-sous-Bois mà nhiều người cho rằng họ vào đó để trốn cảnh sát. Trong khi đó, cái chết của 2 thiếu niên khác do va chạm với xe cảnh sát tại Villiers le Bel cuối năm 2007 cũng châm ngòi cho làn sóng đốt phá kéo dài nhiều ngày vì cư dân ở đây cho rằng, cảnh sát đã bỏ đi mà không giúp đỡ nạn nhân. Còn lần này, bạo động lại bắt nguồn từ việc cảnh sát chặn giữ một người phụ nữ phạm luật khi sử dụng khăn trùm đầu của người Hồi giáo hôm 18-7 - một lý do dường như không liên quan tới những bức xúc thường thấy ở khu dân nghèo vùng ven đô.
Trên thực tế, sau cuộc bạo động năm 2005, Chính phủ Pháp đã đưa ra một loạt biện pháp để giải quyết các vấn đề nhạy cảm ở khu vực ngoại ô Paris. Trong đó có ba hướng đáng quan tâm: Thứ nhất là giúp thanh niên tìm được việc làm vì họ rất khó khăn để tìm được công việc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang xuống dốc. Hướng thứ hai là tăng cường giáo dục, lập kế hoạch giúp các trường học trong khu vực; đồng thời nhắc nhở các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ con em. Vấn đề thứ ba là xây dựng nhà ở, đô thị hóa. Chính quyền địa phương phải xem xét để dần gỡ bỏ các khu nhà dột nát, thay thế bằng các khu nhà có hạ tầng tốt hơn. Tuy nhiên, các cuộc bạo loạn vẫn tiếp diễn cho thấy một nước Pháp đang vấp phải thách thức trước các vấn đề liên quan tới người nhập cư. Và tình hình nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn khi Paris đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ đang quần thảo Cựu lục địa suốt 3 năm qua.
Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước hình lục lăng đã lên tới 10,8% - mức cao nhất trong vòng 15 năm qua - và có thể lên tới 11,1% trong năm 2014. Cùng với chính sách thắt chặt chi tiêu nhằm giảm tỷ lệ thâm thủng ngân sách, phúc lợi xã hội cũng bị chính quyền của Tổng thống F.Hollande cắt giảm mạnh khiến cuộc sống của dân nghèo càng lao đao. Thậm chí, có người đã tìm đến giải pháp tiêu cực để tự giải thoát như việc một người đàn ông gốc Algeria đã tự thiêu trước cơ quan môi giới việc làm cho người thất nghiệp tại thành phố Nantes hồi tháng 2 vừa qua. Vì vậy, không phải là vô căn cứ khi cho rằng các khu ngoại ô của kinh đô Ánh sáng vẫn là một "mồi lửa" thường trực đe dọa nước Pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.