(HNM) - Không thể kể hết có bao nhiêu di tích được trùng tu, tôn tạo trong những năm gần đây, song cũng không thể thống kê hết hiện có bao nhiêu di tích đang đứng trước nguy cơ thành phế tích.
Phố cổ Hội An là điểm đến yêu thích của du khách. Ảnh: Tư Liên
Mối lo kinh phí
Không thể kể hết có bao nhiêu di tích được trùng tu, tôn tạo trong những năm gần đây, song cũng không thể thống kê hết hiện có bao nhiêu di tích đang đứng trước nguy cơ thành phế tích. Thiếu kinh phí trùng tu luôn là một trong những vấn đề "nóng" nhất trên các diễn đàn bảo vệ di tích và là nỗi băn khoăn, trăn trở của ngành văn hóa.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) với hệ thống nhà cổ, phố cổ độc đáo đã được UNESCO đưa lên bản đồ DSVH thế giới từ hơn một thập kỷ qua. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày một nhiều, nguồn thu do di sản mang lại theo đó cũng tăng. Phần lớn nguồn thu này được chính quyền và nhân dân Hội An dành để tu bổ, tôn tạo di tích, thế nhưng hiện nay Hội An vẫn còn tới 112 di tích kiến trúc trong khu phố cổ cần phải được tu bổ khẩn cấp. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay: Ngôi nhà số 26 đường Bạch Đằng, phường Minh An có hai hộ gia đình với hơn 10 nhân khẩu sinh sống, hằng ngày nơm nớp lo sợ gỗ và gạch ngói rơi. Di tích kiến trúc số 26, 96 đường Bạch Đằng, di tích 43 đường Tiểu La cũng đang chờ đến lượt được trùng tu, tôn tạo.
Thừa Thiên Huế có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tuy nhiên, số hồ sơ đề nghị được xếp hạng di tích tăng lên cũng đi đôi với việc số di tích bị xuống cấp, bỏ hoang tăng theo. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế thì nguồn ngân sách chỉ tập trung ưu tiên cho quần thể di tích Cố đô Huế (25 tỷ đồng/năm), các di tích quốc gia còn lại phải ngậm ngùi "chia nhau" 1 tỷ đồng/năm.
Tại Bắc Ninh, đền Phấn Động và đền Miễu ở huyện Yên Phong là hai di tích thuộc cụm di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt, nơi ghi dấu ấn chiến công hiển hách của danh tướng Lý Thường Kiệt trước quân Tống năm 1075-1077 được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1980 cũng chung số phận với hàng loạt di tích khác. Cũng vì không có kinh phí mà tỉnh Long An đành phá bỏ Dinh Tổng Thận ở Tân An, một trong những công trình kiến trúc cổ nhất còn lại của tỉnh này…
Nỗi buồn nghệ nhân
Chung số phận với di tích, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH phi vật thể đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân.
Ai cũng biết nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Thế nhưng hiện nay, số nghệ nhân vốn đã ít ỏi đang "hao hụt" rất nhanh trước quy luật tự nhiên của cuộc sống. Năm 2009, khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, Ca trù còn 21 nghệ nhân. Đến kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ hai vừa qua, danh sách phong tặng nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian chỉ còn 12 người và chỉ còn 7 người đủ sức… đi nhận bằng. Hai nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Khướu (85 tuổi) và Nguyễn Thị Vượn (83 tuổi) ở CLB Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: "Mỗi buổi truyền dạy cho học viên, thầy được trả 5.000 đồng. Năm nay, số tiền ấy sẽ không còn khi nguồn tài trợ từ Quỹ Ford đã hết".
Đầu năm 2011, Bộ VH,TT&DL có văn bản đề xuất ban hành thông tư về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Cùng với một quy chế riêng để xét hồ sơ phong tặng, Bộ cũng đưa ra dự thảo về chế độ cho nghệ nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách đãi ngộ với nghệ nhân vẫn nằm trên giấy.
Giải pháp xã hội hóa
Để cứu di sản, giai đoạn 2011-2015, Bộ VH,TT&DL dự kiến chi 11.000 tỷ đồng để thực hiện dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước, song so với thực tế xuống cấp của di tích thì con số trên chỉ như muối bỏ biển. Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, giải pháp quan trọng là kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước tu bổ di tích. Bên cạnh đó, cần tăng cường khai thác giá trị di tích để thu hút khách tham quan, giúp tăng nguồn thu để tái đầu tư tu bổ di tích. Việc tu bổ di tích cần được tiến hành ngay từ khi di tích có dấu hiệu xuống cấp, như thế di tích vừa được bảo vệ kịp thời, nguồn kinh phí đầu tư cũng không quá lớn.
Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý di tích, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành văn hóa xây dựng bản đồ di tích. Bản đồ này bao gồm cả các di tích đã được công nhận và những công trình "có dấu hiệu di tích", trên cơ sở đó xác định thứ tự ưu tiên bảo tồn. Về chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, TS Lê Thị Minh Lý, chuyên gia về bảo tồn DSVH nói: Trong khi chờ đợi chính sách, các địa phương tùy vào điều kiện của mình có thể huy động xã hội hóa để cộng đồng có cơ hội chung tay, góp sức bảo tồn di sản. Việc xã hội hóa sẽ mở ra cơ hội cho các nghệ nhân được phong tặng, những người có đóng góp xứng đáng được hưởng đãi ngộ phù hợp.
Những di tích và "báu vật nhân văn sống" trên khắp mọi miền đất nước đang hao hụt và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đến nay vẫn là bài toán khó, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, của cả cộng đồng.
Năm 2011, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích, dành nhiều công sức quảng bá, phát huy giá trị di sản. Điển hình là khởi công tu bổ cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì với nguồn kinh phí dự kiến lên đến gần 200 tỷ đồng (do Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp). Bằng nguồn xã hội hóa, đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hai con ở làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm được khánh thành cách đây chưa lâu với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, quận Tây Hồ đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, giải phóng mặt bằng di tích đền Voi Phục, chùa Vĩnh Lâu, chùa Vạn Ngọc, chùa Tứ Liên, chùa Khai Nguyên, đình An Thọ… với kinh phí hàng chục tỷ đồng... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.