(HNM) - Hôm qua 19-3, Chánh án TAND Tối cao cùng hai bộ trưởng Tài chính và Xây dựng đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH). Dù chưa thật hài lòng, nhưng nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống đã được đưa ra và ít nhiều được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Giá có tăng nhưng trong tầm kiểm soát
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh mở đầu phiên chất vấn. Ngay sau giải trình khái quát của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chất vấn: "Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng khá nhanh, dự báo sẽ chiếm tới 60% mức tăng giá cả năm. Có chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do chính sách tài khóa, ý kiến của Bộ trưởng"? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích rằng, mức tăng giá tiêu dùng hai tháng đầu năm là bình thường, không phải đột biến. Tháng 3 chưa có con số chính thức, nhưng qua làm việc với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tin là chỉ tăng khoảng 0,5 đến 0,6%. Về chính sách tài khóa, ông khẳng định: "Chúng ta có bội chi nhưng được bù đắp từ các nguồn vay trong nước bằng trái phiếu và vay ưu đãi nước ngoài, cân đối vẫn nhịp nhàng. Đây không phải là yếu tố lớn gây lạm phát". Chưa yên tâm về việc tăng giá tiêu dùng, ĐB Phùng Quốc Hiển phân tích: "Năm 2006, 2007, 2009, CPI tháng 3 đều giảm. Nhưng năm 2008, tháng 3, chỉ số này tăng 2,99% và kết thúc năm với mức tăng 19,96%. Năm nay, chỉ số giá tháng 3 dự kiến tăng 0,65%, kịch bản năm 2008 liệu có lặp lại?". Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đồng tình là CPI tháng 3 năm 2008 là rất không bình thường, nhưng ông giải thích: "Tháng 3 năm nay không giảm như các năm 2006, 2007 là vì chịu ảnh hưởng điều chỉnh giá điện, xăng…". Bộ trưởng khẳng định đang theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, đồng thời nhấn mạnh tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: "Chúng ta không nên quá chủ quan về CPI quý I-2010. Cần phải tăng cường quản lý hơn nữa".
ĐB Nguyễn Văn Phúc tiếp mạch chất vấn của ĐB Phùng Quốc Hiển về vấn đề cung cấp xăng, dầu: "Kiểm toán Nhà nước vừa phát hiện trong kinh doanh xăng, dầu có định mức thất thoát. Định mức này được tính vào giá thành. Nhưng định mức này được quy định từ năm 1986 đến nay không thay đổi dù nhiều công nghệ tiên tiến đã được áp dụng. Hiện nay, các công ty tư nhân đã áp dụng định mức khác, tại sao Petrolimex vẫn áp dụng mức cũ? Có sai sót gì ở đây?". Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính không chịu trách nhiệm về định mức này. Chủ tọa đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải đáp. Ông Vũ Huy Hoàng cho biết: "Định mức này trước kia do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư quy định. Ngành xăng dầu đã được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nên mức tiêu hao chắc chắn có giảm. Nhưng có tiêu hao như định mức không thì tôi xin kiểm tra".
Các ĐB đã chất vấn nhiều vấn đề xoay quanh việc thua lỗ của Công ty Hàng không cổ phần Jetstar Pacific Airlines (JPA), hầu hết cho rằng cần xem xét lại tương lai của liên doanh này để quyết định chính xác có nên "cứu" tiếp hay không. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, nếu trừ khoản lỗ 31 triệu USD do ký hợp đồng bảo hiểm xăng dầu cuối năm 2008 thì nhiều tháng gần đây, JPA làm ăn có lãi. Ông cũng khẳng định, khả năng can thiệp của Bộ Tài chính vào JPA có giới hạn vì đây là công ty cổ phần do hội đồng quản trị chịu trách nhiệm. Nhưng Bộ Tài chính đã yêu cầu JPA ngừng hợp đồng bảo hiểm xăng dầu, đồng thời cắt giảm chi phí nhân công và các chi phí khác. Năm 2009, JPA đã cắt giảm được 6 triệu USD chi phí, năm nay việc này sẽ tiếp tục được làm. Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến hợp đồng bảo hiểm xăng dầu gây thua lỗ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Kiểm tra, giám sát công trình xây dựng còn lỏng lẻo
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân |
Những vụ việc như tai nạn lao động tại công trình Keangnam và cháy chung cư cao tầng tại Hà Nội vừa qua khơi nguồn cho những chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đặt vấn đề: "Trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ trưởng ở đâu trước tình trạng tai nạn lao động tăng cao tại các công trình xây dựng?". Ông Nguyễn Hồng Quân phân trần: "Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra các quy định an toàn. Chúng tôi đã và đang làm việc này, nhưng chưa đủ vì có một số kỹ thuật mới. Trách nhiệm của Bộ trưởng là kiểm tra xem các quy định đó vận hành có thiếu sót gì không. Cũng phải thấy rằng thời gian qua việc kiểm soát còn lỏng lẻo, công tác kiểm tra đôn đốc cũng làm chưa hết". Chưa bằng lòng với phần trả lời này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chất vấn tiếp: "Tôi chưa thấy bóng dáng cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy chuẩn an toàn ở đâu? Bộ trưởng cho biết thực trạng việc kiểm tra ra sao? Đã có bao nhiêu vụ được xử lý?". Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, việc kiểm tra đã phân cấp cho chính quyền địa phương. Hỗ trợ phần trả lời này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Hệ thống quy chuẩn các ngành đầy đủ, nhưng thực hiện rất yếu kém. Phần lớn vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng chỉ tới xử lý hậu quả...".
An toàn lao động và chất lượng của các công trình xây dựng là vấn đề nóng tại phiên chất vấn. Ảnh: Đàm Duy |
Giải đáp về vấn đề bảo đảm an toàn cho các chung cư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: "Vụ cháy chung cư ở đường Lê Văn Lương chúng tôi kiểm tra và thấy dùng vật liệu làm ống khói không đúng mà vẫn được nghiệm thu. Truy tiếp tới nhà cung cấp ống khói thì thấy họ bán cũng nhiều nơi chứ không riêng công trình trên. Thế nên phải rà soát lại toàn bộ những công trình đã sử dụng nguồn vật tư này...". Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết, sẽ họp với các bộ để tiến hành kiểm tra các chung cư cả cũ và mới về phòng cháy chữa cháy.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng thừa nhận tình trạng xây dựng sai phép, trái phép vẫn còn cho dù tỷ lệ cấp phép tăng lên. Ông cho rằng, trong cấp phép xây dựng hiện nay, mô hình "một cửa" vẫn nặng về hình thức là chính.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: Sẽ đề nghị sửa luật để bảo đảm quyền công dân
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình |
Chánh án TAND Tối cao đón nhận hàng loạt câu hỏi về việc thiếu thẩm phán. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chất vấn: "Tính ra mỗi năm một thẩm phán phải giải quyết khoảng 150 vụ án. Nếu trừ ngày nghỉ, lễ, cứ hai ngày, mỗi thẩm phán lại phải giải quyết 1 vụ án. Làm gì để giải quyết tình trạng này?". Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, ông đang phối hợp với các cơ quan TƯ và các bộ, ngành liên quan để mở rộng hơn nguồn đầu vào cho chức vụ này, chẳng hạn lấy từ hội thẩm nhân dân, cán bộ tư pháp, kiểm soát viên hay luật sư như các nước trên thế giới. Ông cũng cho rằng, QH nên trao cho ngành tòa án chức năng đào tạo để chủ động hơn về nhân lực thẩm phán, thay vì chỉ có chức năng bồi dưỡng như hiện nay.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) thắc mắc: "Luật Khiếu nại Tố cáo cho phép công dân có quyền kiện ra tòa khi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo không như ý muốn bất kể là lần giải quyết thứ mấy. Nhưng nhiều vụ việc, tòa án từ chối thụ lý khi cơ quan hành chính đã giải quyết lần hai. Tại sao lại có tình trạng này?". Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận có tình trạng này. Ông giải thích: "Nguyên nhân là do xung đột về luật. Luật Khiếu nại Tố cáo thì bảo đảm đúng quyền công dân. Nhưng Luật Đất đai và pháp luật về giải quyết các vụ án hành chính thì không cho phép điều này". Chánh án khẳng định sẽ kiến nghị sửa đổi để xóa bỏ tình trạng này nhằm bảo đảm quyền thật sự của công dân. "Đây cũng là thông lệ của luật pháp quốc tế mà chúng ta phải tôn trọng", ông nhấn mạnh. Về vấn đề án tuyên không rõ ràng được phản ánh nhiều thời gian qua, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết đã có chỉ thị cho cấp dưới kiểm tra. TAND Tối cao sẽ kiểm tra xem trách nhiệm thực hiện đến đâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.