Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với ''tín dụng đen''

Hà Linh| 17/10/2020 16:38

(HNMO) - Ngày 17-10, tại Hòa Bình, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội”.

 Quang cảnh hội nghị. 

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho các đối tượng.

Đại diện các tổ chức tín dụng cũng cho hay, đã đa dạng hóa sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, như cho vay liên vụ, vay vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai điểm giao dịch lưu động... Mạng lưới tổ chức tín dụng, công ty tài chính được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống đến người dân.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, cùng với việc chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy của “tín dụng đen”... Ngành Công an lập chuyên án, phá thành công nhiều băng nhóm tội phạm có hoạt động “tín dụng đen”…

Tính đến hết tháng 9-2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen” đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.

Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt khoảng 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019.

Về định hướng chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học, công nghệ, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi.

Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt trong việc truyền thông tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; phát hiện, xử lý “tín dụng đen” với chế tài đủ sức răn đe.

Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và nhân Ngày Quốc tế xóa nghèo, ngành Ngân hàng đã trao 300 suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc 2 huyện Lạc Thủy và Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao quà cảm ơn những hy sinh, đóng góp của các đồng chí công an 2 huyện Lạc Thủy và Kim Bôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với ''tín dụng đen''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.