(HNM) - Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng mô hình thí điểm này, nhằm tạo chuyển biến trong quản lý an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra chất lượng rau quả tại siêu thị Lotte (quận Ba Đình, Hà Nội). |
Đóng cửa 19 cơ sở vi phạm
Theo Kế hoạch số 205/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện, thị xã và 10 xã, phường, thị trấn (quận Ba Đình và 2 phường: Thành Công, Ngọc Khánh; quận Đống Đa và 2 phường: Láng Hạ, Trung Liệt; quận Nam Từ Liêm và 2 phường: Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; huyện Đông Anh và 2 xã: Kim Chung, Uy Nỗ; huyện Thường Tín là thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu). Qua 6 tháng thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành, 65 đoàn kiểm tra của 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn làm điểm đã thanh tra, kiểm tra được 2.563/12.506 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 543 cơ sở vi phạm, trong đó 227 cơ sở bị phạt với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng và đóng cửa hoạt động 19 cơ sở. Số lượng cơ sở được thanh, kiểm tra sau khi thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuy ít hơn so với 6 tháng cùng kỳ trước khi thực hiện thí điểm, song tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý cao hơn, số tiền phạt cũng cao hơn 3 lần.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả quá trình triển khai đã tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của UBND quận, huyện, xã, phường. Mặt khác, chính quyền địa phương có thêm công cụ mạnh và lực lượng chuyên ngành để quản lý ATTP cũng như giải quyết những vấn đề nóng về ATTP. Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn so với trước khi triển khai đã thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do đây là lần đầu triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến quận, huyện, xã, phường, quy trình của cuộc thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, phức tạp mất nhiều thời gian nên số cơ sở được thanh tra ít hơn. Cùng với đó, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã được tập huấn cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế nên còn có sự e ngại, chưa thật mạnh tay trong quá trình xử phạt…
Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của quận đi vào nền nếp, thì hoạt động này lại gặp khó khăn ở tuyến phường do lực lượng mỏng, chủ yếu mới chỉ tập trung vào thanh tra ở lĩnh vực y tế, còn lĩnh vực công thương, nông nghiệp chưa thanh tra được nhiều. Hơn nữa, việc thanh tra chuyên ngành ATTP vẫn chủ yếu theo kế hoạch, thanh tra đột xuất ít. Theo ông Trần Thanh Long, việc triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp quận, huyện hiệu quả nên duy trì và nhân rộng. Còn thanh tra ở cấp xã, phường cần tiếp tục thí điểm thêm một thời gian nữa. Đồng quan điểm trên, đại diện đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP phường Láng Hạ cho rằng, qua triển khai, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Bởi khi xử phạt những gánh hàng rau, thúng xôi sáng…, chủ hàng thường “bỏ của chạy lấy người”. Thậm chí, tâm lý “làng xóm, họ hàng” cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, cần giảm bớt các thủ tục hành chính vì khi đi kiểm tra, riêng vấn đề đọc các điều khoản, giấy tờ pháp lý cũng tốn không ít thời gian.
Nhân rộng thanh tra chuyên ngành ATTP
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những kết quả mà Hà Nội đã làm có tác động rất lớn đến ý thức người dân, đồng thời thể hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Điều đó được minh chứng thông qua việc trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn. “Thời gian tới, mong rằng, thành phố tiếp tục phát huy, đẩy mạnh hơn nữa việc thanh, kiểm tra hoạt động này, đặc biệt là tăng cường thanh tra đột xuất và độc lập. Tới đây, khi tổng kết thí điểm, chúng ta có thể tự hào báo cáo với Chính phủ việc thí điểm này thành công và cần nhân rộng” - Thứ trường Nguyễn Thanh Long nói.
Nhằm siết chặt hơn nữa công tác bảo đảm ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu công tác thanh tra chuyên ngành cần được nhân rộng trên địa bàn thành phố ở tất cả các quận, huyện, thị xã chứ không chỉ dừng lại ở 5 quận, huyện với 10 xã, phường làm điểm như hiện nay. Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ…), thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)… Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu, tới đây, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc công khai niêm yết giấy phép, giấy chứng nhận về ATTP. Khi tiến hành thanh, kiểm tra tại các chợ, nếu cơ quan chức năng phát hiện nơi nào không niêm yết công khai giấy chứng nhận ATTP để người tiêu dùng biết sẽ cách chức Trưởng ban Quản lý chợ. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát hiện những cơ sở không tuân thủ các quy định về ATTP cung cấp kịp thời cho các cơ quan chức năng và địa phương để xử lý nghiêm theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong tháng 12-2016, Hà Nội sẽ có 5 chiếc xe chuyên dụng để xét nghiệm thực phẩm lưu thông trên thị trường như: Rau củ, thịt, cá... Để triển khai việc này có hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đang xem xét đến những vấn đề liên quan khi đưa vào vận hành những chiếc xe này, đó là việc xét nghiệm sẽ tiến hành như thế nào, điểm đặt xe, tập huấn nhân lực vận hành… Việc đưa vào vận hành xe chuyên dụng để xét nghiệm thực phẩm sẽ giúp cho Hà Nội kiểm soát độ an toàn của thực phẩm trên thị trường được tốt hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.