(HNMO) - Bộ Quốc phòng có điện chỉ đạo các đơn vị phối hợp để mở rộng nguồn thông tin về vị trí, khu vực, dấu hiệu nghi vấn vụ mất tích máy bay trong lãnh thổ và vùng nước của Việt Nam.
Chỉ huy các Quân khu, BTL Bộ đội biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự và Biên phòng các tỉnh, TP tham mưu cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP, Trưởng ban Khẩn nguy hàng không chỉ đạo địa phương, đơn vị thuộc quyền tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện các dấu vết có liên quan đến máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích; đặc biệt chú ý ở các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt. Các đơn vị tiếp giáp với biên giới Campuchia và Lào thông báo và phối hợp với bạn để có thông tin.
Các thông tin nhận được báo cáo kịp thời về Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn để xác minh và xử lý thông tin.
* 14h15, một chiếc trực thăng của Bộ Quốc phòng đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc tiếp tục thực hiện sứ mệnh tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, chiếc thủy phi cơ đã được cất cánh tại sân bay Phú Quốc vào trưa nay.
Hình ảnh CASA phát hiện được tại khu vực tìm kiếm. |
* Trong khi đó, Ban chỉ huy tiền phương Phú Quốc đã công bố 2 số điện thoại “nóng” nhằm tiếp nhận thông tin từ các đơn vị chức năng gửi về, đồng thời tiếp nhận thông tin từ tàu các ngư dân và mọi thông tin liên quan đến số phận máy bay Malaysia. Các số gồm: 0773846704 và 0773847508, mọi thông tin đều được lực lượng trực chiến cập nhật liên tục để có những thông báo mới nhất đến phóng viên trong và ngoài nước nhằm chuyển tải thông tin đến bạn đọc khắp cả nước về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng.
“Đến thời điểm này (khoảng 14h), chúng tôi ghi nhận được một trường hợp báo tin từ Cà Mau thông qua số điện thoại nóng liên quan đến vụ máy bay gặp nạn. Chúng tôi sẽ ghi nhận và sẽ có báo cáo cụ thể sau”, một cán bộ trực chiến đường dây nóng thông tin.
* 13h20, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, sau khoảng một giờ ra khu vực nghi vấn, máy bay CASA 8981 phát hiện đốm trắng tại tọa độ 7độ 59'17"-103độ 103'44'05", về phía đông nam Thổ Chu 80 hải lý (khoảng 150 km).
* Trao đổi với PV Hànộimới lúc hơn 12h trưa nay, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vũng Tàu MRCC) cho biết, hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin gì liên quan về máy bay bị nạn từ ngoài hiện trường báo về.
Hiện có tổng cộng tất cả 7 tàu đang tích cực tìm kiếm gần vị trí máy bay bị mất tín hiệu (hướng về phía đông), trong đó Vũng Tàu MRCC có 2 tàu SAR, riêng tàu SAR 413 làm nhiệm vụ chỉ huy hiện trường triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu thông tin, hiện tàu Hoàng Lộc 25 (Việt Nam) vẫn đang tiếp tục tìm kiếm mảnh vỡ nghi của máy bay bị nạn được thông báo từ hôm qua (ngày 10-3). Trong khi đó, từ tối qua tới nay có thêm tàu hải quân Trần Đại Nghĩa, tàu Biên Phong và vài tàu cá tiếp tục tìm kiếm mảnh vỡ những vẫn chưa có kết quả. Từ nay đến chiều tối, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu tiếp tục tìm kiếm.
Thủy phi cơ ở sân bay Phú Quốc xuất phát lên đường làm nhiệm vụ |
Cũng theo thông tin từ tỉnh Kiên Giang, tỉnh sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc đã chuẩn bị nhà nghỉ sẵn sàng trong tình huống có nhiều thân nhân, nạn nhân trong vụ máy bay Malaysia mất tích tới Phú Quốc.
Được biết trước đó, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng đã có các tàu nước ngoài được điều đến khu vực nghi vấn có các mảnh vỡ nghi của máy bay Malaysia mất tích vào các thời điểm sau: 17h40, tàu Ratha Bhum (Thái Lan); 18h, tàu Oupulai 18 (Panama); 21h55, tàu Tai Shun Hai (Trung Quốc); 23h, tàu Bergprai (Thái Lan); 0h25h ngày 11-3, tàu Loanna D (Liberia).
* 9h20: Trong ngày hôm nay, các lực lượng phòng không không quân, hải quân, hàng hải... tiếp tục thực hiện ở các vị trí đã tìm kiếm, đồng thời mở rộng vùng tìm kiếm, phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn các nước bạn.
“Chúng ta không mong muốn tình huống xấu xảy ra nhưng chúng ta vẫn tiếp tục không ngừng tìm kiếm”, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhấn mạnh.
Ông Tiêu đề nghị tỉnh Kiên Giang kêu gọi các tàu thuyền của ngư dân trong quá trình đánh bắt cá nếu phát hiện bất cứ đều gì bất thường thì báo ngay về Sở chỉ huy hiện trường hay lãnh đạo tỉnh, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia. Trong trường hợp tìm được thì cần phải có phương án luôn luôn chủ động sẵn sàng.
Hiện nay, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia đã lập 3 sở chỉ huy tiền phương gồm: TP Hà Nội, sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Trao đổi với PV Hànộimới, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân cho biết: “Hiện máy bay A56 đã cất cánh vào khu vực tìm kiếm. Hôm nay tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn có 10 chiếc, đây là mật độ nhiều, bởi còn có máy bay các nước Singapore và Malaysia nữa. Chúng tôi sẽ phối hợp cả độ cao và thời gian để tìm kiếm. Từ giờ đến chiều, số lần chuyến đi sẽ được trải ra để tìm kiếm và sẽ có cơ hội cao hơn… Số lần chuyến phụ thuộc vào độ cao, thời tiết và khu vực của các máy bay với các nước bạn, chứ không thể bay mà không kiểm soát sẽ rất nguy hiểm, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nêu rõ.
* 8h30 sáng 11-3, tại Ban chỉ huy tiền phương Phú Quốc (Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chủ trì cuộc họp báo với sự tham dự của hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế để thông tin về việc triển khai kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong ngày.
Theo PV Hà Tuấn tham dự buổi họp báo cho biết, ông Phạm Quý Tiêu khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết trách nhiệm đến khi sự việc sáng rõ mới thôi. Tuy nhiên, một lần nữa ông cũng cho biết, đến thời điểm này, hy vọng về một kết thúc tốt đẹp cho hành khách và phi hành đoàn rất mong manh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Qúy Tiêu chỉ đạo các đơn vị khoanh vùng tìm kiếm trên biển (ảnh: Hà Tuấn) |
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nước ta sẽ mở rộng vùng tìm kiếm, với sự tăng cường của tàu thủy và máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu và Cà Mau.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Phòng không không quân cho biết, chấp hành chỉ thị của Ủy ban tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn quốc gia, Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã triển khai 4 máy bay A56, 4 máy bay trực thăng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và mỗi loại đều có máy bay dự bị. Đến chiều hôm qua, Quân chủng tiếp tục đều 2 máy bay CASA-212, loại máy bay cực kỳ hiện đại, được trang bị các thiết bị tối tân để tìm kiếm, với thời gian và vùng bay rộng, từ Hà Nội vào để hỗ trợ tốt hơn trong công tác tìm kiếm, cứu nạn tiếp theo.
“Chúng tôi tiếp tục kiểm tra vùng tìm kiếm trên cơ sở đường bay của máy bay bị nạn. Hiện sau 2 ngày việc tim kiếm vẫn chưa có kết quả. Theo chỉ đạo của Ủy ban tìm kiếm, cứu nạn quốc gia thì chúng tôi sẽ mở rộng vùng tìm kiếm theo phạm vi lãnh hải của nước ta”, ông Tuấn cho hay.
Theo kế hoạch tìm kiếm ngày hôm nay (11-3), máy bay 356 sẽ tìm kiếm ở độ cao trung bình 3000m và 5000m. Lực lượng trực thăng sẽ tìm kiếm ở độ cao thấp hơn, còn máy bay CASA-212 sẽ tìm kiếm rộng hơn ở phía ngoài khơi. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng của Quân chủng Phòng không không quân có tổng cộng có hơn 10 chiếc máy bay tìm kiếm.
Trong trường hợp phát hiện máy bay rơi, sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.