(HNM) - Nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Chủ tịch nước đã quyết định xét đặc xá, tha tù cho những phạm nhân cải tạo tốt.
Thời gian vừa qua, cùng với chính sách nhân đạo này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định (80/CP, ngày 16-9-2011) quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Việc thực hiện Nghị định này đã có kết quả nhất định nhưng để mở rộng lối về cho những người lầm lỡ thì còn nhiều việc phải làm.
Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại Trại giam số 2, CATP Hà Nội, ngày 26-4-2013. Ảnh: Minh Quân |
Gian nan đường về
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhất quán nguyên tắc, bên cạnh thể hiện sự nghiêm minh là phát huy truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc, sẵn sàng mở đường cho những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù còn có mặt hạn chế. Nguyên nhân là chính sách được cụ thể hóa bằng văn bản pháp quy còn thiếu, dẫn đến việc gắn trách nhiệm chưa rõ ràng.
Theo đánh giá của Bộ Công an, mặc dù nhận thức được yêu cầu của công tác này nhưng không phải cấp ủy, chính quyền địa phương nào cũng có sự quan tâm đúng mức. Có địa phương đã có hành động nhưng thiếu cụ thể và mang tính phong trào, hiệu quả không cao. Khảo sát từ năm 2002 đến 2012 về tình hình người chấp hành xong án phạt tù cho thấy, người ra tù trở về địa phương vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống, thu nhập thấp. Số người đạt thu nhập 5 triệu đồng/tháng trở lên chỉ chiếm 2,53%. Trong khi nhu cầu chủ yếu của người chấp hành xong án phạt tù là có công ăn việc làm, được học nghề, vay vốn sản xuất kinh doanh thì số người ra tù được chính quyền, cơ quan, tổ chức giúp đỡ giải quyết việc làm, cho vay vốn chỉ chiếm 8,3%.
Từ việc thiếu hành động cụ thể, chính sách về công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa thấm được nhiều vào nhận thức của mọi người, dẫn đến còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Về phía người chấp hành xong án phạt tù, do quyền và lợi ích hợp pháp của họ chưa được thực hiện nghiêm túc nên còn mặc cảm, tự ti và cũng chưa thấy hết được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội nên nhiều người đã không chấp hành quy định của pháp luật về cư trú, tiếp tục vi phạm pháp luật. Về mặt nghiệp vụ, công tác quản lý cư trú đối với người chấp hành xong án phạt tù còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng một số người chấp hành xong án phạt tù không về trình diện nơi cư trú...
Cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng
Trong bối cảnh đó, Nghị định 80/CP của Chính phủ đã cụ thể hóa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những người một thời lầm lỡ mong muốn làm lại cuộc đời. Điều đáng mừng là đến nay, 100% UBND tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghị định. Nhiều địa phương đã tăng cường tuyên truyền, bước đầu xây dựng một số mô hình thí điểm về giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, đáng chú ý là mô hình Quỹ Hoàn lương của TP Hồ Chí Minh, nhằm mục đích tư vấn tạo việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề và hỗ trợ pháp lý, với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Hay như mô hình "Phối hợp giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng" ở xã Nhuận Trạch (Lương Sơn, Hòa Bình), trong số 56 người có quá khứ lầm lỗi của địa phương đã có 48 người tái hòa nhập cộng đồng tốt, 24 người thực sự tiến bộ...
Tuy nhiên, do mới triển khai Nghị định 80 nên lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho rằng, kết quả đạt được trên thực tế chưa nhiều, chưa đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện còn có mặt bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để một chủ trương có ý nghĩa như Nghị định 80 chậm đi vào thực tiễn trước hết là do lỗi của các cơ quan chức năng liên quan. Các bộ, ngành chưa có động thái tích cực phối hợp nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương cũng chưa coi trọng mặt công tác này... Trong lúc cơ quan quản lý nhà nước còn thờ ơ hoặc lúng túng thì không ít người đã chấp hành án xong án phạt tù trở về địa phương trở nên bơ vơ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề, lại sẵn mặc cảm tội lỗi, nhiều người chấp hành xong án tù rất khó hòa nhập cộng đồng...
Để Nghị định 80 đi vào cuộc sống và phát huy được ý nghĩa, Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tham gia phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Đây là đòi hỏi có tính chất quyết định, bởi nếu không có sự chung tay của các cơ quan chức năng, của cấp ủy, chính quyền các địa phương thì chính sách này khó được triển khai một cách thực chất và hiệu quả. Một khi chủ trương, chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, vòng tay cộng đồng sẽ rộng mở hơn và người chấp hành xong án phạt tù thực sự có cơ hội làm lại cuộc đời, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.