(HNM) - Hiện nay, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ nhằm giới thiệu các mặt hàng nông sản đến đông đảo người tiêu dùng...
Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Đồng Thái (huyện Ba Vì) Phùng Quốc Lượng, năm 2021, do dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ nông sản của hợp tác xã bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, thông qua các hội chợ, việc tiêu thụ nông sản của hợp tác xã tăng 5-10% so với các năm trước. Đặc biệt, nhờ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Thủ đô, hợp tác xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp. Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất được gần 50.000 ống hút ECOS; 10 tấn dưa vàng Kim Hồng Ngọc... cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị với giá ổn định.
Trao đổi về hướng đi mới của các hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện có 31 hợp tác xã. Đến nay, các hợp tác xã không chỉ làm tốt khâu dịch vụ trong sản xuất mà còn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua hệ thống phân phối bán hàng hiện đại. Nhiều hợp tác xã đã đứng vững trên thị trường và ngày càng mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến, để hỗ trợ các hợp tác xã có thêm kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, vừa qua Liên minh Hợp tác xã thành phố đã mở một khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại quận Hà Đông. Đây sẽ là điểm kết nối, giao thương hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển cho các hợp tác xã. “Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều hợp tác xã đã ký kết được một số hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển cho các hợp tác xã sau giai đoạn dài ảnh hưởng dịch bởi Covid-19”, ông Đỗ Huy Chiến cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn hợp tác xã có quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao; nhiều sản phẩm nông sản chưa có thương hiệu, chưa được gắn QRcode để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường... Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm, bên cạnh kết nối với các khách hàng tiềm năng, hợp tác xã đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, giữ uy tín trong sản xuất, kinh doanh.
Về lĩnh vực này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến khẳng định, từ nay đến cuối năm 2022, hệ thống Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương sản phẩm cho thành viên. Ngoài các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp, Liên minh Hợp tác xã thành phố đẩy mạnh tập huấn kỹ năng, phương thức tiêu thụ sản phẩm trực tuyến thông qua nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktokshop...), từng bước chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục cùng các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.