Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng không gian phát triển với các dự án đường vành đai

Mai Hữu| 06/06/2022 14:13

(HNMO) - Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ.

Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù

Đại biểu Đào Hồng Lan (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, đối với 2 dự án đường vành đai, bà Lan khẳng định, đây là những dự án cơ sở hạ tầng giao thông rất quan trọng, có tác dụng tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

“Các dự án giúp kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh xung quanh, tạo liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển”, đại biểu nói.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh là động lực phát triển cho hai vùng kinh tế trọng điểm, hai dự án có ý nghĩa quan trọng trong đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước khi các dự án đường vành đai sẽ giúp các địa phương liên quan mở rộng không gian phát triển.

“Với riêng tỉnh Bắc Ninh có 25,6km đường Vành đai 4 và 9,7km đường kết nối với cao tốc Nội Bài sẽ mở ra không gian phát triển lớn cho tỉnh trong bối cảnh phía bắc sông Đuống cơ bản đã kín. Vành đai 4 đi qua khu vực phía Nam sông Đuống sẽ tạo ra động lực cho tỉnh tập trung phát triển công nghiệp”, đại biểu Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 5 dự án giao thông được bàn thảo rất kỹ, trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp. Nếu cả khóa XIV, Quốc hội chỉ có 1 dự án quan trọng quốc gia thì ngay tại kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc Nam được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ hai thì ngay năm đầu của khóa XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. Riêng hai đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn qua địa bàn, còn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối.

“Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án kiểu này, chỉ cho phép lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, kể cả tiểu dự án. Tuy vậy, giai đoạn này không quá máy móc nên đã thống nhất xin Quốc hội cho cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính. 

“Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.

“Nguyên tắc HĐND tỉnh, thành phố ra nghị quyết và cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội. Vốn nào, ra vốn đó, cam kết phải có. Khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì trung ương và địa phương cũng phải cam kết bỏ phần tương ứng để hoàn thành”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bảo đảm hiệu quả đầu tư các dự án

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ đề xuất một số giải pháp bảo đảm hiệu quả đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình) cùng một số đại biểu quan tâm trong quá trình thực hiện các dự án giao thông, cần bảo đảm tiến độ, cam kết chất lượng công trình, dự báo, có kế hoạch để giải quyết các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ. Đối với dự án đề xuất đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức PPP, nguồn vốn cần Nhà nước bố trí, phân bổ, giải ngân trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 rất lớn.

Để không gây áp lực đến cân đối vốn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, ưu tiên lựa chọn dự án thực sự cấp bách, có sức lan tỏa, kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, đem lại hiệu quả kinh tế, khả năng thu hồi vốn nhanh, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Cần bổ sung đánh giá tác động của dự án giao thông đến tuyến đường hiện hữu, việc xây dựng dự án đường giao thông mới cần phù hợp quy hoạch đô thị của mỗi địa phương, có kết nối đồng bộ với các tuyến đường sẵn có, cảng hàng không, cảng biển…

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Trần Lưu Quang (Đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, khi Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán để không xảy ra “trục trặc”.

Đại biểu Đoàn Hải Phòng cũng băn khoăn về việc khai thác quỹ đất hai bên đường vì câu chuyện làm đường mà không tính thì sau này khi thực hiện kết nối giá đền bù tăng lên nhiều lần, gây khó khăn cho nguồn lực giai đoạn sau.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) kỳ vọng, với các dự án lớn như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước sẽ thu hút cả đầu tư công tư PPP, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện theo phương thức đầu tư này. 

“Đây là dự án lớn, yêu cầu nguồn vốn rất cao, tại sao lại không lựa chọn đầu tư công tư, phải chăng chúng ta đang có tâm lý dễ bỏ, khó làm. Trước đây, một số dự án ban đầu cũng giao đầu tư PPP nhưng khi triển khai gặp khó lại bỏ. Đây là câu chuyện Chính phủ cần phân tích một cách thấu đáo”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Tấn Tới (Đoàn Long An) lại đề xuất, cần nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng của các dự án giao thông trước khi triển khai, từ đó bố trí nguồn vốn phù hợp, tránh tình trạng khi vào triển khai lại bị đội vốn.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng lại “tránh, né” đoạn đó, khiến nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải uốn lượn. Với dự án lớn như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng không gian phát triển với các dự án đường vành đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.