(HNM) - Để ngành Logistics ngày càng phát triển, phát huy vai trò quan trọng với kinh tế Thủ đô, không gian cho hoạt động logistics đô thị cần được mở rộng, tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư, tăng cường kết nối phát triển đa phương thức vận tải… Đây là những vấn đề Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa nêu ra khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Theo ông những thuận lợi của ngành Logistics Hà Nội hiện nay là gì?
- Ngành Logistics Hà Nội có nhiều thuận lợi so với các địa phương khác. Trước hết, Hà Nội nằm trong tam giác động lực kinh tế phía Bắc cùng với Hải Phòng và Quảng Ninh; là trung tâm kinh tế, trung tâm giao thông vận tải, gồm: Đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy nội địa. Kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội cũng được đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây, là nền tảng để Hà Nội trở thành trung tâm logistics phía Bắc.
- Bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực này của Hà Nội đang đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất của ngành Logistics Hà Nội là hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải, từ đó thúc đẩy sự phát triển dịch vụ và doanh nghiệp logistics cũng như giảm chi phí logistics. Trên thực tế, dù Hà Nội có đến 4 phương thức vận tải nhưng khả năng kết nối chưa tốt, dẫn đến giảm cơ hội tổ chức vận tải đa phương thức trên địa bàn, là trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu giảm chi phí logistics, giảm ùn tắc giao thông và giảm phát thải ô nhiễm môi trường.
Đơn cử như vận tải thủy nội địa chưa phát triển đúng với tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 tuyến vận tải thủy nội địa, trong đó quan trọng nhất là tuyến số 1 kết nối và đi qua địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ. Vì nhiều vướng mắc nên đến nay, tuyến vận tải thủy nội địa này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng, phù hợp để kết nối giữa vận tải đường bộ và vận tải đường sắt nhằm đón đầu dự án trục đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
- Để phát triển ngành này, theo ông đâu là những giải pháp cốt lõi?
- Để giải quyết các nút thắt của ngành Logistics Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đang chủ trì nghiên cứu và triển khai “Phương án phát triển ngành thương mại và hệ thống kết cấu hạ tầng logistics Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là nghiên cứu rất quan trọng sẽ được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 mà UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng. Đó là giải pháp quan trọng mang tính tiền đề để ngành Logistics nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mang lại sự thịnh vượng cho Thủ đô.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics Thủ đô cũng cần tích cực liên kết với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; tăng cường chuyển đổi số; đầu tư phát triển nhân lực; từng bước giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.
- Ông có kiến nghị gì để ngành Logistics Hà Nội phát triển vững mạnh và phát huy vai trò trong thời gian tới?
- Để ngành Logistics Hà Nội ngày càng phát triển, theo tôi cần đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Theo đó, Hà Nội quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường kết nối các phương thức vận tải trên địa bàn.
Về môi trường đầu tư, thành phố cần công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực logistics, danh mục các dự án đã cấp chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án logistics đang triển khai. Cách làm này đã được thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong những năm qua, góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tốt hơn từ các doanh nghiệp logistics.
Thành phố cũng cần dành không gian phát triển logistics trên địa bàn. Thực tế tại Hà Nội hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã được xây dựng nhiều năm trước, quá trình đô thị hóa diễn ra đã đưa các khu, cụm công nghiệp này vào trong nội đô. Do đó, cần có chính sách ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công nghiệp này sang cho hoạt động logistics thay vì chuyển đổi sang đất ở nhằm đáp ứng nhu cầu của hoạt động logistics đô thị.
Vấn đề giao thông tĩnh cũng rất quan trọng cho phát triển ngành Logistics. Với nhu cầu điểm đỗ ngày càng cao, thành phố cần quy hoạch các bãi đỗ xe vận tải hàng hóa nhằm giải quyết vấn đề giao thông tĩnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.