Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng không gian cho sân khấu

Yên Nga| 05/01/2012 06:52

(HNM) - Biết tin sẽ có 5 đêm diễn tôn vinh NSND Ngô Xuân Huyền bằng các vở kịch tiêu biểu mà ông đạo diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ từ ngày 6 đến 10-1, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật và khán giả bảo dù xa xôi, bận bịu mấy cũng tới bằng được để thưởng thức. Cũng bởi dấu ấn trên sân khấu của ông thật rõ nét, cũng bởi người ta quá tiếc vì ông không thể theo đuổi sân khấu được nữa…

Thật buồn, "Trời không cho tôi làm nghề nữa", NSND Xuân Huyền than thở. Những biến chứng của căn bệnh hiểm nghèo cộng với cơn đột quỵ vừa qua khiến ông mắt mờ, chân chậm, giọng nói yếu ớt. Ở tuổi 70 trông ông cũng không đến nỗi tiều tụy lắm, nhưng nếu gặp ông vài năm trước, chắc hẳn ai cũng bất ngờ. Đâu rồi cái dáng cao lớn sừng sững chạy qua chạy lại chỉ bảo anh em, đâu rồi giọng nói xứ Nghệ sang sảng đĩnh đạc… Các thế hệ người làm sân khấu nhìn ông đầy tiếc nuối. Thế là bao tác phẩm sân khấu: tuồng, chèo, ca kịch, cải lương và nhất là kịch nói sẽ không có bàn tay đầy cá tính ấy trực tiếp nhào nặn nữa. Không thể dàn dựng nhưng nỗi đau đáu với nghề vẫn còn nặng. Thế nên gia đình và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên "NSND Ngô Xuân Huyền - mùa xuân và sân khấu kịch Việt Nam" vừa để khán giả hiểu về ông, về phong cách sáng tạo của ông, vừa để ông nói lời chào tạm biệt bạn bè, đồng nghiệp và sàn diễn cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quý báu sau bao năm làm nghề.

Nhắc đến NSND Ngô Xuân Huyền là nhắc đến một cá tính sân khấu đa dạng và rộng mở của chính kịch. Ông đã từng dàn dựng hàng trăm vở diễn ở đủ thể loại kịch, tuồng, chèo, cải lương, dân ca, kịch nói… với hầu như tất cả các đoàn, nhà hát. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ, ông đã biết nhiều phong cách dàn dựng nhưng Xuân Huyền là một nghệ sĩ đặc biệt. Ông xuất thân từ sân khấu truyền thống nhưng không lệ thuộc vào đó mà tiếp thu sáng tạo những tinh hoa sân khấu hiện đại. Ông không tạo ra các vở diễn với nhiều chi tiết mà tổ chức thành một không gian rộng mở, lạ, gợi nhiều suy tưởng cho người xem. Có người nói, theo dõi vở diễn của NSND Xuân Huyền luôn cảm thấy căng thẳng, bởi ông khai thác trực tiếp những vấn đề bức thiết của xã hội, đồng thời đặt ra đòi hỏi để khán giả trao đi đổi lại, đến tận cùng ý nghĩa của câu chuyện. Trong giới sân khấu, ai được làm việc với NSND Xuân Huyền cũng bảo mình may mắn. Tạo được dấu ấn của mình trong vở diễn đã đành, ông còn biết phát huy cá tính của từng nghệ sĩ. NSND Hoàng Dũng, học trò và người gắn bó với ông mấy chục năm trong nghề kể: "Thầy Huyền là người không áp đặt cái tôi của mình lên mọi thứ. Khi dựng vở với thầy, có lần tôi muốn diễn cách khác, thầy xem đi xem lại đến 2-3 ngày rồi gật đầu công nhận làm tốt và sáng tạo để thay đổi phần nào vở diễn".

Thật đặc biệt vì đây có thể coi là chương trình đầu tiên tôn vinh một đạo diễn sân khấu. 5 vở diễn gồm: "Tiếng chuông chùa" (tác giả Hữu Ước, Nhà hát Tuổi Trẻ), "Nhà có ba chị em" (tác giả Nguyễn Thu Phương, Nhà hát Tuổi Trẻ), "Một cây làm chẳng nên non" (tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nhà hát Kịch Việt Nam), "Cái chết chẳng dễ dàng gì" (tác giả Xuân Đức, Nhà hát Kịch quân đội) và vở "Cát bụi" (tác giả Triệu Huấn, Nhà hát Kịch Hà Nội) đều là những tác phẩm gây được tiếng vang cho sân khấu kịch nước nhà. Những đêm diễn sắp tới sẽ thiếu ghế chứ không thiếu khán giả và những người ở lại với sân khấu sẽ noi gương ông để làm nên những mùa xuân rạng rỡ cho sân khấu Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng không gian cho sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.