(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 15 vừa kết thúc tại thành phố Ufa (Nga) với nhiều gói văn kiện quan trọng được thông qua. Trong đó, đáng chú ý là Tuyên bố chung Ufa và Chiến lược phát triển SCO đến năm 2025 cũng như chương trình hợp tác chống khủng bố,
Tuy nhiên, sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là việc SCO thông qua quyết định kết nạp Ấn Độ và Pakistan vào SCO; đồng thời trao quy chế quan sát viên cho Belarus; quy chế đối tác đối thoại cho Azerbajan, Armenia, Campuchia và Nepal.
Các nhà lãnh đạo SCO nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. |
Thành lập năm 2001, SCO có 6 thành viên chính thức, gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Đây là lần đầu tiên SCO kết nạp thành viên mới. Việc mở rộng SCO không nằm ngoài mục đích củng cố sức mạnh của tổ chức này trên trường quốc tế với hy vọng có thể cạnh tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự góp mặt của Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia trụ cột tại Nam Á với 1,5 tỷ người đã đưa SCO trở thành một trong những tổ chức quốc tế quan trọng bậc nhất không chỉ tại điểm nối Á - Âu mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, việc kết nạp cả Ấn Độ và Pakistan sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia có biên giới chung và giảm thiểu các mối đe dọa từ Afghanistan cũng như những khu vực "trống" kiểm soát ở biên giới Pakistan - nơi nhiều năm qua Taliban chọn làm cứ địa. Là thành viên SCO, Ấn Độ và Pakistan sẽ có thêm diễn đàn để đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước. Đây cũng được xem là tiền đề thúc đẩy việc giải quyết "điểm nóng" ở Nam Á có tác động trực tiếp đến các thành viên của SCO và gia tăng uy tín của tổ chức này trên trường quốc tế.
Ngoài Ấn Độ và Pakistan, SCO cũng "để mắt" tới Iran. Dù Tehran cũng đã nộp đơn, nhưng việc kết nạp quốc gia vùng Vịnh vào tổ chức này sẽ chỉ diễn ra sau khi hoàn tất các đàm phán về hạt nhân của Iran và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc gia này. Nếu Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ đều là thành viên đầy đủ, SCO sẽ kiểm soát 20% trữ lượng dầu mỏ và gần một nửa trữ lượng khí đốt toàn cầu; đồng thời chiếm một nửa dân số thế giới. Chưa kể việc Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn gia nhập SCO. Sự góp mặt của các thành viên mới với nhiều nền tảng chính trị và kinh tế đa dạng đưa SCO trở thành một diễn đàn đa phương đáng nể trong thời gian tới.
SCO kết nạp thêm thành viên trong bối cảnh nước Nga đang tìm cách thiết lập một trật tự an ninh mới trên phạm vi toàn cầu. Thành công của SCO còn cho thấy khả năng vận động chính trị, ngoại giao rất hiệu quả của Mátxcơva dù đang bị bao vây bằng cấm vận. Quan trọng hơn, việc thúc đẩy hợp tác SCO phù hợp với mục tiêu chung của Nga và Trung Quốc nhằm hướng tới thành lập một cấu trúc khung an ninh khu vực Á - Âu độc lập với Mỹ và các đồng minh. Thực tế đã cho thấy nước Nga đã không bị cô lập như phương Tây mong muốn sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Dù trọng tâm chính là bàn thảo các vấn đề về an ninh, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh tại Ufa cũng khuyến khích tăng cường hợp tác kinh tế trong nội bộ các quốc gia thành viên. Sự liên kết kinh tế đang trở thành một phần quan trọng trong nghị trình của SCO, nhất là khi Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng thành lập vành đai kinh tế Con đường tơ lụa gồm các nước thành viên và quan sát viên của SCO. Đó là lý do vì sao tại Ufa, Bắc Kinh đã xác nhận dành khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD để các thành viên SCO thực hiện nhiều dự án chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.