(HNMO) – Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước phục vụ nhân dân trong mùa hè, sáng nay (6-6)...
Thiếu khoảng 40-60 nghìn m3 nước sạch/ngày-đêm
Theo báo cáo của Công ty nước sạch Hà Nội, hiện Công ty đang quản lý và vận hành hệ thống cung cấp nước sạch cho 9 quận nội thành (trừ quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm) và 5 huyện ngoại thành (Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, một phần huyện Mê Linh (khu thị trấn công nghiệp Quang Minh), với tổng số gần 646,6 nghìn khách hàng.
Dự báo năm 2015, nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm từ 1-3%, trong khi nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm nay tăng 7-10% so với năm trước, tương ứng sản lượng cần cấp vào mạng 620-675 nghìn m3/ngày-đêm. Hiện tại, nguồn nước ngầm của Công ty khai thác chỉ đạt 585-620 nghìn m3/ngày-đêm. Do vậy, lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu thực tế 40-60 nghìn m3/ngày-đêm.
Dự kiến mùa hè năm 2015, tiếp tục xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng của người dân tăng đột biến sẽ dẫn đến một số khu vực cuối nguồn, khu vực có cốt địa hình cao sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ. Dự báo trong những ngày nắng nóng hoặc sự cố mất điện sẽ có khoảng 60 điểm xảy ra thiếu nước cục bộ trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước trên địa bàn thành phố trong mùa hè 2015 |
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, Công ty phát huy tối đa năng lực sản xuất của 12 nhà máy, 10 trạm sản xuất để khai thác tối đa sản lượng nước ngầm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các công ty cấp nước như Vinasupco, viwaco vận hành điều tiết hợp lý để tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà 40-60 nghìn m3/ngày- đêm cấp cho các khu vực quận Đống Đa, Cầu Giấy.
Công ty nước sạch Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp giảm thất thoát, thất thu nước sạch... Công ty ưu tiên vận hành, giữ ổn định cấp nước cho những khu vực đã có mạng lưới cấp nước; tập trung giải quyết những khu vực nước yếu ở nội thành và lân cận, duy trì, bảo đảm tiêu chuẩn bình quân 121 lít/người/ngày-đêm…
Về nguồn nước, Công ty tiếp tục duy trì ổn định công tác sản xuất, phát huy tối đã năng lực sản xuất của các nhà máy, trạm sản xuất. Theo đó đã hoàn thành công tác khoan bổ sung, thay thế các giếng H32 Ngô Sỹ Liên; phục hồi giếng H12 Pháp Vân; khoan bổ sung that thế các giếng H6,H4, H1 Nam Dư… đồng thời, triển khai các dự án khoan 3 giếng xã Thượng Cát, khoan thay thế các giếng H29, H30 Ngô Sỹ Liên, hoàn thành trạm sản xuất Đông Mỹ…
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thi công cải tạo mạng lưới cấp nước chống thất thoát, thất thu tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng; đấu tăng cường nguồn cho các khu vực khó khăn về nước tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng nhằm bảo đảm ổn định tình hình cấp nước trong khu vực.
Từ ngày 30-5-2015, Công ty đã triển khai phương án đấu tăng cường nguồn nước sông Đà vào bể chứa cho nhà máy nước Mai Dịch (20-30 nghìn m3/ngày-đêm) để cấp nước bổ sung cho các khu vực của quận Cầu Giấy, Đống Đa; đồng thời tăng cường lượng nước cấp từ nhà máy nước Cáo Đỉnh cho quận Ba Đình.
Theo báo cáo của Công ty, từ 15-4-2015 đến nay có 74 lần mất điện tại các nhà máy, trạm sản xuất (36 lần có thông báo, còn lại là mất đột xuất, tương ứng với tổng số giờ là 152 giờ). Ngành điện đã phối hợp tốt nhất với Công ty để khắc phục sự cố về điện trong thời gian ngắn nhất.
Các khó khăn về nước: Từ ngày 15-4-2015 đến ngày 4-5-2015, tình hình cấp nước trên địa bàn thành phố là ổn định. Từ ngày 4-5 đến 13-5-2015 do thời tiết nắng nóng, các sự cố về điện, giếng phát sinh một số khu vực mất nước cục bộ trên địa bàn các quận nhưng đã được khắc phục kịp thời, gồm: quận Ba Đình 7 điểm, Hoàn Kiếm 2 điểm, Hai Bà Trưng 8 điểm, Hoàng Mai 9 điểm, Cầu Giấy 3 điểm. Từ ngày 13-5 đến nay, do thời tiết liên tục có những đợt nắng nóng kéo dài xảy ra, vì vậy nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tăng cao, dẫn đến một số khu vực bị mất nước cục bộ trên địa bàn một số quận. Trước tình hình đó, Công ty đã thực hiện các giải pháp, như: đấu tăng cường nguồn nước mặt sông Đà cho nhà máy nước Mai Dịch; đấu tăng cường nguồn cho các khu vực khó khăn nước tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; vận hành mạng điều tiết hợp lý, phân khu cấp nước, cấp nước theo giờ, một số khu vực phải cấp nước xe téc… Nhờ vậy, các điểm thiếu nước, mất nước cục bộ đã được giải quyết kịp thời.
Để phục vụ tốt kế hoạch cấp nước hè 2015, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định cấp nước trên địa bàn thành phố. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát máy móc, thiết bị, duy trì hoạt động sản xuất ổn định, liên tục, hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra. Phát huy tối đa năng lực cấp nước của các nhà máy, trạm sản xuất nước hiện có kết hợp với công tác chống thất thoát, thất thu hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ khoan thay thế các giếng suy thoái để bảo đảm nguồn cấp nước.
Khi thời tiết nắng nóng kéo dài thực hiện các giải pháp vận hành mạng phân khu cấp nước, cấp nước theo giờ, cấp nước xe téc. Giải quyết kịp thời các khu vực khó khăn về nước, không để mất nước kéo dài quá 30 giờ. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự báo các khu vực khó khăn cấp nước trong mùa hè, sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng nước, lãng phí nước…
Theo lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn hết sức quan trọng trong việc triển khai quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo nội dung Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ). Để hiện thực hóa quy hoạch cấp nước và đạt kết quả cao đòi hỏi phải thực thi nhiều hoạt động một cách đồng bộ. Do đó, lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội kiến nghị thành phố cần triển khai kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2016-2020 phù hợp với quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và việc mở rộng phát triển hệt thống mạng lưới cấp nước được thực hiện đồng bộ với việc phát triển công suất các nhà máy nước.
Bên cạnh đó, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các công ty cấp nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đề xuất, xây dựng và ban hành các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hệ thống cấp nước tập trung ở một số yếu tố chính, như: quỹ đất thực thi các dự án; nguồn lực đầu tư; cơ chế giá nước sạch.
Thành phố chỉ đạo các sở, ngành xem xét, phê duyệt cơ chế giá bán nước sạch một cách linh hoạt, phù hợp với mức độ đầu tư, địa bàn cấp nước. Giá bán nước sạch phải tương xứng với giá trị sử dụng, bảo đảm tiết kiệm tài nguyên và tạo được nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống, nâng cao dịch vụ cấp nước tiến tới việc tự chủ tài chính của các doanh nghiệp cấp nước.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp tham gia quản lý và cấp nước. Do vậy để bảo đảm thống nhất trong phương thức quản lý, đổi mới, đa dạng hóa mô hình doanh nghiệp cấp nước với mục tiêu trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp để họ vận hành hiệu quả nhất hệ thống cấp nước hiện có cũng như khả năng thực hiện kế hoạch phát triển cho tương lai, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trên địa bàn thành phố, các sở, ngành cần tham mưu cho lãnh đạo thành phố xây dựng cơ chế quản lý hệ thống cấp nước trên cơ sở phân vùng phục vụ cấp nước, thống nhất cơ chế phối hợp, liên kết để bảo đảm dịch vụ cấp nước, chất lượng nguồn nước và an toàn cấp nước.
Cần tăng giá để có nhiều người được dùng nước sạch
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặc dù đợt nắng nóng vừa qua được đánh giá là đợt nắng nóng lịch sử trong 40 năm qua, nhưng nhìn chung công tác phục vụ của ngành điện, nước trên địa bàn thành phố là khá tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra sự cố lớn, chất lượng phục vụ được bảo đảm. Ngành điện và ngành nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong đợt nắng nóng vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu ý kiến tại buổi kiểm tra |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dự kiến trong năm 2015 sẽ khởi công dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Tiếp đến là nhà máy nước mặt sông Đuống. Trên cơ sở đó, đến năm 2020, trên địa bàn Thủ đô sẽ đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp tăng thêm 600 nghìn m3/ngày-đêm. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, giá nước sạch sẽ tăng theo lộ trình đề ra. Theo đó, đến hết năm 2015, ngân sách nhà nước không phải bù lỗ cho ngành nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị biểu dương tinh thần cố gắng rất cao của cán bộ, công nhân viên 2 ngành điện, nước trong công tác phục vụ nhân dân Thủ đô trong thời gian nắng nóng vừa qua; biểu dương sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của thành phố. Thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành điện, ngành nước thành phố cần phát huy và nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trước nhân dân.
Bí thư Thành ủy cho rằng, qua đợt nắng nóng vừa qua, mới chỉ xét trên phương diện nước sạch sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn Thủ đô cho thấy cầu đã vượt cung; nói cách khác khả năng sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố hiện đã “kịch trần”, chưa bảo đảm sự bền vững. Do đó, thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức tiết kiệm điện, nước…
Cùng với tuyên truyền cần tăng giá nước theo lộ trình phù hợp. Tăng giá nước để ngân sách không phải bù lỗ như hiện nay. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc tăng giá nước không phải để tăng thu cho ngân sách thành phố mà từ đó có nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án nước sạch khác, mở rộng phạm vi phục vụ để có nhiều người dân trên địa bàn thành phố được dùng nước sạch so với hiện nay. Đây là nhu cầu chính đáng của mọi người dân.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, các sở, ngành chức năng của thành phố cần rà soát lại tổng lượng cung-cầu và dự báo tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện, nước trong thời gian tới… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào điện, nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Thời gian tới, đối với các dự án cung cấp nước sạch đang triển khai trên địa bàn Thủ đô, đề nghị các đơn vị thi công, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần giảm tải “áp lực” về nước sạch trên địa bàn Hà Nội mỗi khi hè về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.