Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng đối tượng hỗ trợ

Thế Phương| 03/06/2015 05:44

(HNM) - Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội", một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là cách tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhu cầu về nhà ở của Chính phủ. Người thu nhập thấp phiền lòng vì tiền "nhìn thấy" mà không với tới được!

Trong khi đó, ngân hàng muốn giải ngân lại gặp nhiều vướng mắc. Làm thế nào để người dân tiếp cận được một chính sách ưu việt của Nhà nước để "an cư lạc nghiệp"? Làm thế nào để đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?

Gói tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai từ tháng 6-2013 (có thời hạn giải ngân đến hết ngày 1-6-2016), được nhiều chuyên gia đánh giá không chỉ là một chính sách mang tính an sinh xã hội mà còn có tác động lớn đến phân khúc nhà giá rẻ, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, theo một con số thống kê, tới thời điểm này mới giải ngân được hơn 7.000 tỷ đồng. Tiến độ chậm gây ra nhiều hoài nghi về tính khả thi của gói hỗ trợ này, nhưng đằng sau đó là hàng loạt vấn đề.

Trong buổi tọa đàm, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết: Có 19 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã có nhiều giải pháp để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn này. Riêng tại Hà Nội, đã có 9 doanh nghiệp và 8.342 cá nhân được vay với tổng số tiền 4.950 tỷ đồng. Tuy nhiên, người vay cũng phải tuân thủ đủ điều kiện cho vay... Như vậy, có thể thấy, khúc mắc không chỉ nằm ở phía ngân hàng.

Theo Bộ Xây dựng, người thu nhập thấp là người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tức là dưới hoặc bằng 9 triệu đồng/tháng. Những người có thu nhập như vậy (dưới mức 9 triệu đồng/tháng) liệu đủ khả năng chi trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi hay không? Ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp, phải tính toán hiệu quả cũng như rủi ro nên không dễ "gật đầu" với những đối tượng có thu nhập bấp bênh. Do vậy, việc họ đòi hỏi người vay phải chứng minh được nguồn và khả năng chi trả là đương nhiên. Và vì thế, kể cả khi kéo dài thời gian thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì người thu nhập thấp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Một mục tiêu của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là để những người thu nhập thấp được sở hữu nhà. Nhưng có một thực tế là ở những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh hơn chúng ta, không phải người dân nào cũng có thể sở hữu nhà ở. Người nghèo vẫn phải thuê nhà và Nhà nước cho thuê với giá rẻ. Do vậy, vấn đề ở đây là tạo được quỹ nhà cho thuê bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, điều kiện kinh tế của người lao động có thu nhập không đủ trang trải cho việc vay vốn ngân hàng để được quyền sở hữu nhà. Còn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không nên chỉ dành cho người thu nhập thấp mà có thể cho cả những người thu nhập trung bình nhưng chưa có nhà ở. Như vậy vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa thu hút được các nhà đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ.

Phát triển quỹ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động là một chủ trương lớn, thể hiện tính ưu việt và hướng tới sự phát triển bền vững. Thế nhưng để chủ trương đi vào thực tế, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết và đây không phải là câu chuyện riêng của ngành xây dựng hay ngân hàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.