(HNM) - Sự kiện vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam - VNREDSat-1, được phóng vào quỹ đạo vừa qua đã mở ra một trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ của đất nước...
Hình ảnh VNREDSat-1 tách khỏi khoang chở hàng của tên lửa đẩy VEGA, bắt đầu hoạt động trong không gian. Ảnh: Vast.ac |
Khẳng định chủ quyền quốc gia trong không gian
Sau nhiều sự chờ đợi thấp thỏm, rồi phải trì hoãn việc phóng vệ tinh vì lý do thời tiết, cuối cùng thì các nhà khoa học của Viện HLKHCNVN đã có thể thở phào sau khi những tín hiệu đầu tiên đã được VNREDSat-1 truyền về Trái đất vào chiều 7-5, cùng ngày VNREDSat-1 rời bệ phóng. Từ đây, Việt Nam gia nhập cộng đồng 25 quốc gia sở hữu vệ tinh viễn thám riêng. Trước sự kiện này, Chủ tịch Viện HLKHCNVN Châu Văn Minh khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ, tiếp tục thể hiện và khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình, phục vụ lợi ích con người.
Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt trái đất, VNREDSat-1 khởi đầu cho hệ thống quan sát trái đất của Việt Nam với khả năng cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao, hữu ích cho việc giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đây cũng là công cụ hữu hiệu, góp phần đánh giá và ứng phó với sự cố cháy rừng, bão lũ, tràn dầu... hỗ trợ hiệu quả cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Với VNREDSat-1, Việt Nam có được vệ tinh quan sát trái đất riêng để xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh. Trước kia, để có những hình ảnh như vậy, chúng ta phải mua của nước ngoài, thời gian kéo dài 2-3 tháng, khu vực cần chụp cũng hạn chế. TS Bùi Trọng Tuyên, Trưởng ban Quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, cho rằng: Động thái này nhằm tiến tới làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar hiện đại.
Cũng theo TS Bùi Trọng Tuyên, trên thế giới hiện có 25 nước sở hữu vệ tinh quan sát trái đất riêng. Có nhiều quốc gia, tuy có đủ tiềm năng nhưng lại không có nhu cầu này do diện tích nhỏ, địa hình không phức tạp. Những quốc gia có địa hình phức tạp, nhiều vùng hiểm trở, khó tiếp cận với thông tin và hình ảnh trên trái đất thường có nhu cầu phát triển vệ tinh quan sát riêng. Các nước này đều xây dựng một hệ thống nhiều vệ tinh quan sát trái đất, trong đó có nhiều chủng loại với những chức năng khác nhau. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nga hiện có tới hàng trăm vệ tinh viễn thám. Bởi vậy, việc Việt Nam có thêm nhiều vệ tinh quan sát trái đất là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.
Bước đầu làm chủ công nghệ
Theo kế hoạch dự kiến, tiếp theo việc phóng vệ tinh thành công là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh. Thời gian này kéo dài trong 3 tháng. Tháng 8-2013, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và vận hành vệ tinh VNREDSat-1. Chuẩn bị cho quá trình này, Viện HLKHCNVN cho biết, đã triển khai 3 cơ sở mặt đất để điều hành, tiếp nhận và xử lý tín hiệu ảnh vệ tinh, gồm Trung tâm điều hành (đặt tại khuôn viên Viện HLKHCNVN), Trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc), Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại, cả 3 cơ sở mặt đất này đã sẵn sàng để tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bổ trợ như hệ thống cung cấp điện, mạng thông tin liên lạc… đã được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Để chuẩn bị nhân lực cho công việc mới mẻ và khó khăn trong thời gian sắp tới, Viện HLKHCNVN đã cử 15 kỹ sư sang học tập tại Pháp để thực hiện hai nhiệm vụ chính: Làm chủ quy trình điều khiển, khai thác vệ tinh và bước đầu tiếp cận với các công đoạn thiết kế, chế tạo vệ tinh. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử nhóm 5 kỹ sư đi tập huấn. Hiện các nhóm đã về Việt Nam và đang tiếp tục được huấn luyện, đào tạo, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận, vận hành hệ thống VNREDSat-1. Tuy nhiên, theo TS Bùi Trọng Tuyên, việc phối hợp vận hành hệ thống cho nhịp nhàng không phải là vấn đề đơn giản. Do thời gian phục vụ trên quỹ đạo của vệ tinh viễn thám thường ngắn, chỉ khoảng 5 năm, nên cần sớm có các cơ chế chính sách đặc thù cho Trạm điều khiển vệ tinh và Trạm thu ảnh viễn thám. Ngoài ra, cũng cần sớm có cơ chế chính sách cung cấp ảnh viễn thám VNREDSat-1, chuẩn bị kinh phí để vận hành Trạm thu và Trung tâm điều khiển vệ tinh (bao gồm cả kinh phí bảo trì, thuê đường truyền dữ liệu tốc độ cao và xăng dầu cho vận hành máy phát điện trong trường hợp mất điện). TS Tuyên nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các cơ quan khác nhau ở Việt Nam để khai thác tốt hệ thống viễn thám là việc cần thiết và phải làm. Đây là một mô hình hợp tác tốt, cần phát huy trong tương lai để đầu tư phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.