(HNM) - Thời gian qua, người dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng phát triển mới cho ngành thủy sản Hà Nội. Tuy nhiên, nhân rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao... vẫn là bài toán khó cần giải trong thời gian tới.
Nhiều tín hiệu tích cực
Ông Phạm Ngọc Thanh ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì) cho hay, trước đây trang trại của gia đình chủ yếu nuôi cá chép, rô phi, trắm…, từ năm 2021 chuyển sang mô hình nuôi cá lăng đen. Trên diện tích 600m2, sau 7 tháng, ao cá lăng đen cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm được các nhà hàng nhận bao tiêu. Thời gian tới, trang trại tiếp tục mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường Thủ đô.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm cho biết, với diện tích 15ha, hợp tác xã đã đầu tư phát triển mô hình “sông trong ao”. Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 300 tấn cá, mang lại doanh thu hơn 7 tỷ đồng, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống. Năm 2021, hợp tác xã đã thử nghiệm nuôi cá tra theo hướng VietGAP, bước đầu cho những tín hiệu tích cực.
Về hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đã đưa các giống cá đặc sản vào nuôi theo hướng an toàn. Nhìn chung các mô hình nuôi cá lăng, cá tra… đều có tín hiệu tích cực. Việc sử dụng chế phẩm xử lý môi trường nước; trộn men vi sinh hữu cơ vào thức ăn cho cá… giúp hạn chế dịch bệnh, đàn cá sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, Hà Nội có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn, với diện tích 24.000ha. Gần đây, nhiều hộ dân đã ứng dụng một số công nghệ mới vào sản xuất, như: Làm giàu ô xy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, sử dụng công nghệ Biofloc, nuôi cá theo mô hình “sông trong ao”…; đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi trồng thủy sản. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì… cho năng suất cao hơn 6-8 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, giá trị trung bình đạt 3,5 tỷ đồng/ha. Không chỉ nâng cao chất lượng cá thương phẩm trên thị trường, các mô hình này còn giảm được nhiều rủi ro từ dịch bệnh gây ra…
Mở rộng theo hướng thâm canh
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn là cả vấn đề lớn. Không chỉ do cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ hay nông dân thiếu vốn đầu tư..., mà phương thức sản xuất nhỏ lẻ cũng tạo ra nhiều khó khăn, bất cập cho việc áp dụng công nghệ cao. Thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản phần nhiều mới dừng lại ở công đoạn xử lý môi trường nước.
Để hỗ trợ các hộ dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Hùng - chủ trang trại nuôi cá ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) đề xuất các cơ quan chức năng tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về con giống, hóa chất xử lý môi trường… cho các trang trại khi áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ mới. Mặt khác, khi quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thành phố cần có cơ chế để thúc đẩy đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như: Đường điện, giao thông, thủy lợi nội đồng…
Về vấn đề này, ở cấp địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hơn 2.500ha nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới Phú Xuyên sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất… Việc này sẽ giúp phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...
Còn ở cấp độ thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tham mưu thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản những giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai...; hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi...; đồng thời tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất theo hướng VietGAP... Cùng với việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các cơ sở sản xuất giống để đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên thị trường.
Mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới theo hướng thâm canh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.