Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình xã hội hóa thắng thế

Minh Quang| 20/05/2012 07:56

(HNM) - Từ lâu, các nhà quản lý bóng bàn Việt Nam đã đề cao mô hình tổ chức theo hướng xã hội hóa của một loạt CLB và coi đó là xu hướng tất yếu để phát triển ổn định môn thể thao này. Những kết quả ở Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân vừa qua đã phần nào chứng minh điều đó.


Mùa giải trước, bóng bàn nam Việt Nam còn xác lập thế chân kiềng ở nội dung đồng đội với sự góp mặt của PetroVietNam, T&T, Quân đội. Trong số này, PetroVietNam và T&T không được bao cấp, PetroVietNam hoạt động bằng nguồn tài trợ từ hơn 10 doanh nghiệp, được coi là CLB có tính xã hội hóa cao nhất. Nhờ được tự chủ, lại có nguồn lực tài chính, 2 CLB đã chiêu mộ được những tay vợt hàng đầu như Đoàn Kiến Quốc (PetroVietNam), Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng (T&T). Có những hạt nhân này, cả PetroVietNam lẫn T&T mới tạo ra được thế chân kiềng với các tay vợt Quân đội ở nội dung đồng đội, tạo ra sự hấp dẫn cho Giải vô địch quốc gia.

Đoàn Kiến Quốc thi đấu xuất sắc trong màu áo CLB Bóng bàn Petro Việt Nam.


Nhưng đến mùa này, Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương, đội bóng mới xã hội hóa, đã phá vỡ thế chân kiềng để chính thức đưa chức vô địch đồng đội vào cuộc chạy đua tay tư. Nhiều người có thể bất ngờ khi Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương vô địch đồng đội nam nhưng nó lại là tất yếu bởi khi được Xi măng Hoàng Thạch chung tay hỗ trợ, không còn quá lo chuyện cơm áo gạo tiền, bóng bàn nam Hải Dương đã bật lên mạnh mẽ. Việc 3 đội hoạt động bằng nguồn xã hội hóa nằm trong top 4 đội hàng đầu Việt Nam đã chứng minh sự thành công của mô hình, nơi các tay vợt được trả lương cao, được tạo điều kiện tập luyện tối đa.

Không chỉ ở nội dung đồng đội, kết quả bán kết đơn nam cũng chứng minh cho nhận định trên. Trong 4 tay vợt vào bán kết (Đoàn Kiến Quốc, Đào Duy Hoàng - PetroVietNam, Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng- T&T), không có tay vợt nào của mô hình bao cấp, kể cả Quân đội. Trong khi đó, cả 3 tay vợt của PetroVietNam đều có mặt ở danh sách 8 người xuất sắc nhất.

Sự lên ngôi ở nội dung đồng đội nữ của Hồng Quang Tiền Giang một lần nữa chứng minh sự đúng đắn của hướng đi xã hội hóa. Nếu không theo hướng này, dù Tiền Giang có nhiều tay vợt tài năng đến mấy cũng khó đủ động lực cũng như trình độ để có thể soán ngôi của Viễn thông TP Hồ Chí Minh. Ngay cả chuyện Việt Linh (Bộ Công an - đội bóng vẫn hoạt động theo mô hình bao cấp) đoạt ngôi vô địch đơn nữ cũng có yếu tố may mắn. Nếu ở trận chung kết, Mai Hoàng Mỹ Trang không bị sốt cao thì Việt Linh khó có cơ hội này.

Ông Phạm Đức Thành, Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đã có lần khẳng định: "Trong tình hình hiện nay, những CLB được xã hội hóa sẽ chiếm ưu thế trên "bản đồ" bóng bàn Việt Nam bởi họ có chế độ đãi ngộ VĐV tốt, có điều kiện tập luyện ở mức tối đa". Kết quả thi đấu của Giải bóng bàn toàn quốc vừa qua đúng với dự báo này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình xã hội hóa thắng thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.