Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình mới, cách ứng xử mới

Hoàng Lan| 02/05/2023 06:38

(HNMCT) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kết cấu mô hình gia đình Việt Nam đang chịu tác động nhiều chiều và có sự biến đổi mạnh mẽ. Dễ nhận thấy nhất là sự chuyển dịch từ mô hình gia đình truyền thống (3 thế hệ trở lên) sang mô hình gia đình hạt nhân (chỉ có 2 thế hệ). Những năm gần đây còn xuất hiện thêm khái niệm mới: “Tổ rỗng” - chỉ mô hình gia đình “đặc biệt” chỉ còn lại cha mẹ khi những người con trưởng thành sớm lựa chọn "ra riêng". Đáng nói là mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi cách ứng xử mới phù hợp.

Những năm gần đây mô hình gia đình chỉ còn lại cha mẹ, con cái trưởng thành lựa chọn ra ở riêng xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Trug Đức-Tuart

Khi con “rời tổ”

Đăng bức ảnh căn hộ mới thuê lên trang Facebook cá nhân, Vũ Quỳnh Thư (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ với bạn bè niềm vui được ra ở riêng của mình: “Nuôi ước mơ được sống tự lập từ nhiều năm nay, không nhận được sự chấp thuận của bố mẹ nhưng mình không bỏ cuộc. Từng ngày, từng ngày mình cố gắng chứng tỏ bản thân, xây dựng niềm tin với gia đình bằng cách sống có trách nhiệm hơn: Đi làm, ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh, đúng giờ, tự rèn kỹ năng quản lý tài chính... Thế rồi ngày ấy cũng đến, cuối cùng, mình đã thuyết phục được gia đình mình cho phép ra ở riêng”.

Hiện tại Thư đang sống trong một căn hộ nhỏ ở quận Đống Đa; mức lương 10 triệu đồng/tháng đủ để Thư có thể tự chăm sóc bản thân và thực hiện những dự định sắp tới của mình. Thư tâm sự: “Bố mẹ, gia đình luôn quan trọng nhưng vì mỗi thế hệ khác nhau, cách sống, sinh hoạt và suy nghĩ khác nhau nên khi ở chung dễ xảy ra xung đột, em không muốn chứng kiến điều đó. Sống riêng là cách tốt để cân bằng và làm chủ cuộc sống của chính mình. Thêm vào đó, ở riêng sẽ có nhiều thời gian để tự do làm điều mình thích, tự lập và học được nhiều điều mới".

Theo một khảo sát mới đây của trang tin Yan.vn đối với 5.000 thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 20 - 30, có tới 50% số người được hỏi nói rằng họ lựa chọn sống một mình. Với họ, được quyết định đi theo một lối sống mới, tự do, độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ ai chính là cách để tự cảm nhận sự trưởng thành của bản thân. Đặc biệt, nhiều cha mẹ thời hiện đại đã vượt qua định kiến, ủng hộ xu hướng này. Họ công nhận sự khác biệt giữa hai thế hệ nên đã chủ động tạo ra không gian riêng cho mình và tôn trọng không gian riêng của con. Đó cũng là một trong những điều giúp họ bình an, vui vẻ, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con, bởi ở đó đôi khi sẽ có cãi vã, xung đột, bất đồng ý kiến... 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chưa thay đổi quan niệm vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ, rằng con cái chưa lập gia đình thì chưa trưởng thành. Bên cạnh đó, lối sống quây quần, nặng tình cảm cũng là một rào cản. Đôi khi cha mẹ níu giữ con cái ở với mình chỉ bởi sợ cảm giác xa cách, sợ mất nền nếp. Một cản trở nữa là khi con cái dọn ra ở riêng, đa số gia đình sẽ phải chịu áp lực từ dư luận khi họ cho rằng do gia đình bất hòa, bố mẹ xung khắc nên mới “tan đàn xẻ nghé”.

Đó là chưa kể sự hụt hẫng, trống trải của các bậc cha mẹ khi con “rời tổ”. Chấp thuận cho con sống độc lập được một thời gian, vợ chồng anh Đức - chị Lan (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Ba tháng nay vợ chồng tôi cứ ra ra vào vào, bần thần lo lắng vì sự vắng mặt của đứa con gái duy nhất giờ đã “ra riêng”. Từ đầu năm, con gái duy nhất của anh chị hiện đang làm cho một công ty nước ngoài đã bày tỏ mong muốn được dọn ra ngoài, sống độc lập với gia đình. Thấy con là người có cá tính, thích tự lập từ nhỏ, hơn nữa đây cũng là cách giúp con trưởng thành hơn nên anh Đức, chị Lan đồng ý. Có điều, bao nhiêu năm chung sống cùng nhau đã thành thói quen, giờ tự nhiên vắng con, anh chị thấy nhà trống trải quá.

Anh Đức tâm sự: “Lúc con mới xa nhà, phần thì lo lắng phần thì nhớ con, cả hai vợ chồng tưởng chừng không chịu nổi. Cuộc sống bận bịu, chủ đề quan tâm hằng ngày chỉ xoay quanh con giờ tự nhiên hai chúng tôi biến thành “vợ chồng son”. Ban ngày bù đầu với công việc còn đỡ, tối về nhà cửa vắng tanh, hai vợ chồng buồn xo, ngồi nhìn nhau mà nẫu ruột. Cuộc sống đột nhiên giống như cái bình bị mẻ một miếng lớn, mọi nguồn năng lượng đều theo đó mà trào hết ra ngoài”...

Giá trị gia đình mới

Theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Dân số sức khỏe và Phát triển - thực hiện từ năm 2020, diện khảo sát gồm hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% số người được hỏi nói rằng họ sống riêng chỉ hai vợ chồng, 8,6% sống một mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển về cấu trúc gia đình của người Việt, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là khoảng cách thế hệ. Tiếp đó là xu hướng muốn khẳng định bản thân, tự lập và tự quyết định cuộc sống của các bạn trẻ ngày nay.

Ảnh: Lê Trung Kiên

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn phân tích: “Chúng ta cần nhìn nhận chuyện con cái tách ra ở riêng khi chưa lập gia đình đang trở thành một lối sống mới. Với các bạn trẻ, cách sống này cho phép họ tự do hơn, tự lập hơn, tích lũy được nhiều kỹ năng sống hơn - điều này sẽ trở thành kinh nghiệm quý giá khi có gia đình về sau. Với những đứa con có đủ khả năng sống tự lập, ở riêng cũng là hướng mới để phát triển, giải tỏa căng thẳng hay sự va chạm trong gia đình. Nhưng, nếu vì những ham muốn ích kỷ và bồng bột của tuổi trẻ, thậm chí là vì muốn được tự do ngoài vòng kiểm soát của gia đình thì đây lại là một điều tai hại cho gia đình và xã hội, nhất là trong bối cảnh cạm bẫy, cám dỗ rình rập mà bản thân các em chưa đủ bản lĩnh để có thể “miễn dịch” trước những cái xấu, tiêu cực. Tuy nhiên, theo xu thế chung, ở một xã hội hiện đại, không ai có thể mãi "gò" mọi thành viên trong một mái nhà. Chúng ta nên thay đổi cách nhìn trong chuyện này, hãy cho con cái cơ hội (ra ở riêng) nếu chúng đủ lông đủ cánh, thay vì khư khư ôm giữ và biến chúng thành những đứa trẻ “mãi không chịu lớn”.

Trước thực tế ấy, điều quan trọng nhất, theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, vẫn là thái độ ứng xử tích cực từ cả hai phía - cả bố mẹ và con cái. Cha mẹ cần nhìn nhận đây là một xu hướng mang tính quy luật, trước sau gì họ cũng phải đối mặt với việc con cái ra ở riêng để học cách bước qua giai đoạn khủng hoảng ban đầu khi con xa nhà. Về phía các con, các bạn trẻ phải luôn thường xuyên thể hiện tình yêu, trách nhiệm, coi trọng sự gắn kết với gia đình. Đó là truyền thống hiếu thuận của người Việt Nam. Để rồi, dù sống riêng hay sống chung thì gia đình vẫn là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách con người, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng khẳng định, quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa đã làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình, vì thế, chúng ta cần có cách nhìn "động" hơn về các giá trị gia đình. Theo bà, có 4 giá trị gia đình cần được đặc biệt quan tâm, bao gồm: An toàn, thịnh vượng, bình đẳng và trách nhiệm; trong đó, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cực kỳ quan trọng.

Như vậy, có thể thấy, sự biến đổi về quy mô gia đình Việt Nam là điều tất yếu không thể tránh khỏi để tạo ra những mô hình gia đình mới có khả năng thích ứng tốt hơn với sự biến đổi của xã hội. Đó là xu hướng tiến bộ chung dù cũng còn tồn tại những mặt hạn chế nhất định. Điều quan trọng là, cho dù sự biến đổi ấy là gì thì những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, những giá trị tích cực của gia đình hiện đại phải luôn được phát huy để theo năm tháng hai chữ “gia đình” vẫn được nhắc đến với tất cả niềm trân trọng, yêu thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình mới, cách ứng xử mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.