Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình đối tác công - tư: Kênh cấp vốn mới

Hồng Sơn| 20/10/2014 06:30

(HNM) - Thiếu vốn đầu tư phục vụ xây dựng công trình hạ tầng công cộng là vấn đề đã tồn tại từ lâu, chưa tìm ra giải pháp phù hợp trong bối cảnh sức ép về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công ngày càng tăng với tốc độ rất cao.



Sức ép ngày càng lớn đối với ngân sách nhà nước (NSNN) bởi nguồn thu có hạn, lại phải "gánh" nhiều mục tiêu khác. Đó là căn nguyên để ra đời mô hình đối tác công - tư (PPP) tại Việt Nam…

Có cơ chế, quy định pháp lý, hình thức đối tác công - tư sẽ tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Bá Hoạt


Bước ban đầu manh nha…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhưng nguồn vốn NSNN luôn eo hẹp, không thể tiếp tục đáp ứng toàn bộ nhu cầu đầu tư hàng năm. Trên thực tế, hiện NSNN chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu này trong khi dự tính mỗi năm Việt Nam cần 17 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020; trong đó dự kiến sẽ huy động 50% từ khu vực tư nhân. Xét về bản chất thì "tấm áo cũ đã quá chật" so với nhu cầu và tình hình thực tế. Vì vậy, từ năm 2008, Bộ đã phối hợp với một số ngành chức năng nghiên cứu cơ chế để áp dụng thí điểm mô hình PPP, với mục tiêu huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân tham gia một vài dự án quy mô nhỏ để từng bước tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ cũng tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức, đối tác quốc tế để trao đổi thông tin, tiếp thu bài học nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tiến tới áp dụng đại trà mô hình PPP.

Xuất phát từ thực tế trên, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng soạn thảo các văn bản pháp lý để từng bước hiện thực hóa việc áp dụng hình thức kêu gọi đầu tư theo mô hình PPP, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Các chính sách, cơ chế thu hút vốn từ khu vực tư nhân luôn bám sát tiêu chí bình đẳng, minh bạch và thông thoáng; phù hợp với hoàn cảnh trong nước cũng như thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan hữu quan cần quán triệt tinh thần cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực trong nước, chủ động "gọi" đầu tư từ DN dân doanh với tinh thần cải cách và "Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực mà tư nhân không thể đảm nhận hoặc đặc biệt như an ninh, quốc phòng…".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành một nghị định mới, với nội dung bao quát và đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình PPP trên diện rộng.

Sẽ áp dụng đại trà

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mô hình PPP vốn không xa lạ ở nhiều quốc gia, nhưng lại là mới ở Việt Nam nên cần có thời gian chuẩn bị và bước đi phù hợp. Hiện tại là thời điểm chín muồi để đẩy mạnh triển khai áp dụng PPP trên nhiều lĩnh vực; trong đó trước mắt và quan trọng nhất vẫn là lĩnh vực hạ tầng giao thông. Tính sơ bộ, hiện cả nước đã có 298 dự án do các bộ, ngành và địa phương đề xuất thực hiện theo mô hình PPP, với tổng vốn đầu tư hơn 982.000 tỷ đồng. Các dự án này thuộc nhiều lĩnh vực như; giao thông, giáo dục, y tế, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng… Riêng lĩnh vực giao thông có tới 90 dự án mà nổi bật là 5 dự án xây dựng sân bay sẵn sàng gọi vốn của DN tư nhân trong và ngoài nước. Đơn cử, sân bay Long Thành, sân bay Vân Đồn đang thu hút sự quan tâm của một số đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như mong muốn tiếp nhận tư vấn của các nhà tư vấn chuyên nghiệp EU, Hoa Kỳ. Như vậy, ở thời điểm hiện tại có thể mường tượng một bức tranh sôi động, diễn ra ở nhiều địa bàn khác nhau để hình thành những công trình hạ tầng giao thông quan trọng; từ đó góp phần giải quyết nút thắt yếu kém và thiếu hụt về công trình hạ tầng (đã được nhận diện từ lâu) vốn là nguyên nhân kìm hãm quá trình tăng tốc phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động nghiên cứu và công bố những dự án cần kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, chủ yếu tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cứng trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đang giới thiệu dự án xây dựng hạ tầng khu chế xuất thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD; Đà Nẵng kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển hệ thống xe buýt có công suất 6 triệu lượt khách/năm, với số vốn 25 triệu USD. Thanh Hóa cũng kêu gọi DN tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Khu kinh tế Nghi Sơn, trị giá 100 triệu USD… Đáng lưu ý là, thời gian qua, các bộ và nhiều địa phương cũng đã đón tiếp những đoàn DN nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đến tìm hiểu cơ hội tham gia vào các dự án đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn về khả năng đầu tư xây dựng cảng biển, bất động sản, đường cao tốc, nhà máy điện…

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự ra đời của nghị định chuyên về PPP bên cạnh một số luật khác có liên quan như các luật: Đấu thầu, doanh nghiệp cùng những cơ chế rõ ràng, minh bạch và quan điểm của Chính phủ là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Cơ hội đang mở ra rất rộng, theo hướng công khai và bình đẳng cho DN sẽ có tác dụng hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Hy vọng, thời gian tới sẽ đón nhận sự tham gia trên diện rộng trong hoạt động đầu tư tư nhân như một kênh cấp vốn mới cho phát triển và là sự ghi nhận, minh chứng hiệu quả của một cách làm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình đối tác công - tư: Kênh cấp vốn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.