Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình "chính quyền điện tử" tại quận Long Biên: Những kết quả bước đầu

Hiền Chi| 07/05/2013 06:07

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án

Long Biên là một trong những quận đi đầu ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý nhà nước, năm 2011 được công nhận là đơn vị dẫn đầu TP Hà Nội về công tác CCHC; bộ phận "một cửa" quận và 14 phường hoạt động nền nếp. Mặc dù vậy, quận cũng gặp những khó khăn như việc triển khai CNTT còn chắp vá, chưa đồng bộ, chưa xác định mục tiêu rõ ràng. Theo Quyết định 1909/QĐ-UBND ngày 8-5-2012 của UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2015, quận Long Biên được giao thực hiện mô hình điểm "chính quyền điện tử" cấp quận và mô hình điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Đây là việc chưa có tiền lệ, căn cứ duy nhất để quận tham khảo là Công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh. Tuy nhiên, quận cũng chỉ tham khảo tổng quan, còn việc thiết kế nội dung chi tiết cho cấp phường thì phải tự sáng tạo. Do chưa có mô hình chuẩn nên quận Long Biên quyết tâm làm từ những việc cụ thể để xây dựng thành khung mô hình chuẩn.

Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Ảnh: Khánh Nguyên


Để thực hiện mô hình điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp quận và phường, quận Long Biên kiện toàn bộ máy, bảo đảm 100% cán bộ, công chức (CBCC) "một cửa" có trình độ đại học trở lên, được bồi dưỡng kỹ năng hành chính, tin học và chuyên môn. Bộ phận "một cửa" được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định và có hệ thống thiết bị đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân. Nếu hồ sơ không được trả đúng hẹn do lỗi từ phía chính quyền thì chính quyền phải xin lỗi người dân và nêu lý do qua thư xin lỗi. Đặc biệt, quận Long Biên đã xây dựng được quy trình chuẩn trong các lĩnh vực: Giải quyết TTHC; quản lý, điều hành, tác nghiệp; liên thông giải quyết TTHC giữa các đơn vị... Tối thiểu 1 năm/lần, các quy trình, quy định được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

Thực hiện mô hình "chính quyền điện tử" cấp quận, đến nay Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng CNTT. 100% CBCC làm nhiệm vụ chuyên môn đều có máy tính. Lãnh đạo quận, các phòng, ban chuyên môn, các ban đảng, đoàn thể cũng được trang bị máy tính xách tay hoặc máy tính bảng Ipad để điều hành, tác nghiệp trong mọi lúc mọi nơi, hạn chế tối đa việc phát hành văn bản giấy. Các phường đều được lắp đặt, bổ sung thiết bị mang tính hệ thống phục vụ hoạt động điều hành, tác nghiệp chung trong toàn quận. Theo lãnh đạo quận Long Biên, việc trang bị CNTT luôn bảo đảm nguyên tắc: Hiệu quả, đúng việc, đúng người, không lạc hậu, không lãng phí.

Bộ phận then chốt trong mô hình "chính quyền điện tử" là cổng thông tin điện tử của quận. Ngoài chức năng là trang thông tin điện tử cấp quận, cổng thông tin tạo được nền tảng cho các ứng dụng khác, nhất là tạo môi trường cộng tác và khả năng chia sẻ, liên thông với các đơn vị của TP. Hiện tại, quận Long Biên đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp cổng thông tin điện tử. Theo đó, trên cổng sẽ có các dịch vụ dùng chung; các cổng "con" cho 14 phường, phòng, ban chuyên môn; đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa chính quyền với công dân, doanh nghiệp cũng như cung cấp các dịch vụ công cho tổ chức, công dân. Dự kiến, nội dung này sẽ hoàn thiện trong năm 2014. Bên cạnh đó, đề án cũng hướng tới thực hiện các ứng dụng nội bộ điều hành tác nghiệp trên cơ sở một hạ tầng CNTT thống nhất với các nội dung thiết thực như: Thực hiện mở rộng các tiện ích phần mềm và ứng dụng, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phục vụ tổ chức, công dân; kết nối phần mềm quản lý hồ sơ của "một cửa" cấp phường với cấp quận để đồng bộ tác nghiệp liên thông hiệu quả; từng bước chồng lớp các thông tin quản lý về đất đai (quy hoạch, biến động thửa đất)... Song song với đó, quận Long Biên khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công để đưa mô hình "chính quyền điện tử" vào phục vụ các "công dân điện tử".

Đề án này của quận Long Biên được xây dựng, hoàn thành trên cơ sở triển khai, áp dụng trong thực tế tại quận và các phường thời gian qua bước đầu đã hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng để đến hết năm 2013, 100% các TTHC được thực hiện tại bộ phận "một cửa". Quận phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99%; tỷ lệ đánh giá hài lòng của công dân đối với toàn bộ hoạt động của bộ phận "một cửa" đạt trên 80% và 100% đơn vị từ quận tới phường giải quyết TTHC bằng CNTT. Ngoài ra, có từ 40 đến 50 dịch vụ công các lĩnh vực: Tư pháp, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, kế hoạch và đầu tư, công thương… sẽ nhận kết quả qua mạng. Đề án này đã cho thấy sự quyết tâm, sáng tạo của lãnh đạo và CBCC quận Long Biên. Tin rằng, hiệu quả của đề án sẽ giúp quận xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT đạt chuẩn, kết nối đồng bộ với thành phố để cùng với cả nước hướng đến phát triển chính phủ điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình "chính quyền điện tử" tại quận Long Biên: Những kết quả bước đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.