Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: Vẫn lo chồng chéo, xa dân

Võ Lâm| 08/09/2016 06:46

(HNM) - Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đã qua gần 10 năm thực hiện theo Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ, ngày 10-10-2007, của Ban Tổ chức Trung ương. Bên cạnh hiệu quả đạt được, vẫn có ý kiến lo ngại cán bộ xa dân, hoạt động chồng chéo; thậm chí, có ý kiến đề nghị, nếu không có những thay đổi mang tính đột phá để nâng cao chất lượng thì không tiếp tục thực hiện mô hình này.


Hiệu quả và... bất cập

Chi bộ cơ quan phường Long Biên (quận Long Biên) có 37 đảng viên do Phó Bí thư Đảng ủy phường làm Bí thư Chi bộ. Những năm qua, chi bộ hoạt động khá hiệu quả. Bí thư Đảng ủy phường Đặng Trung Thành đánh giá, điểm làm nên khác biệt trong hoạt động của chi bộ những năm qua là tập trung phân công nhiệm vụ đảng viên, nhất là nhiệm vụ gắn với địa bàn dân cư, lĩnh vực công tác. Ghi nhận chung là tốt nhưng đồng chí Đặng Trung Thành vẫn cho rằng, cần khắc phục sự chồng chéo giữa sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt chuyên môn, nhất là những trường hợp nghị quyết chi bộ “bê nguyên xi” nghị quyết của Đảng ủy hay nhiệm vụ của UBND phường. Đồng quan điểm trên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề chính của loại hình chi bộ này là làm sao để tách bạch được sinh hoạt Đảng với sinh hoạt chuyên môn.

Qua thực tế, đánh giá về mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn của các cấp ủy tại Hà Nội cũng có những ý kiến khác nhau. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho rằng, đảng viên cơ quan xã, thị trấn nếu chuyển về sinh hoạt ở chi bộ dân cư sẽ rất khó để phân công nhiệm vụ. Nên mô hình chi bộ cơ quan xã sẽ giúp việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên dễ dàng hơn, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, việc đánh giá cũng thuận lợi và chính xác. “Ở Thanh Trì, cán bộ, đảng viên chi bộ cơ quan xã, thị trấn nhận thức đây là đơn vị đầu tàu, nên cố gắng, gương mẫu hơn trong công tác” - đồng chí Phạm Nguyên Nhung khẳng định.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thường Tín Đoàn Mạnh Giỏi nhận xét, chi bộ cơ quan xã, thị trấn giúp cho việc phân công nhiệm vụ, phối hợp công tác của cán bộ, công chức cấp xã thuận lợi hơn. Việc giám sát lẫn nhau giữa các cán bộ, đảng viên cũng sát sao, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đồng chí Đoàn Mạnh Giỏi cho rằng còn có hạn chế như: Sinh hoạt chi bộ dễ nhàm chán, không phong phú như chi bộ địa bàn dân cư; Nếu đảng viên không có ý thức tự giác thì rất dễ xa dân.

Trong khi đó, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quốc Oai Đàm Công Lợi, cán bộ xã là người gắn liền với thôn, xóm, nhiệm vụ chính trị chủ yếu cũng trực tiếp với người dân ở địa bàn dân cư, mà tách ra sinh hoạt ở chi bộ cơ quan xã thì rất khó nắm bắt được tình hình, tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí cho rằng, nếu không có những thay đổi mang tính đột phá để nâng cao chất lượng thì có thể cho phép bỏ, không thực hiện mô hình chi bộ này nữa.

Sẽ xem xét, kiến nghị những vấn đề liên quan

Ngày 10-10-2014, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 28-HD/BTCTƯ về “Tổ chức và hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn” thay thế Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ ngày 10-10-2007. Hướng dẫn mới của Ban Tổ chức Trung ương nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của loại hình chi bộ này. Hướng dẫn số 28 được ban hành sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Hướng dẫn số 10.

Ở thời điểm tổng kết 5 năm hoạt động của Hướng dẫn số 10 cũng có hai luồng ý kiến. Một là muốn duy trì hoạt động, hai là bỏ mô hình chi bộ này. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang thậm chí đã chủ động cho giải thể mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Tại Hà Nội ở thời điểm đó cũng có hai luồng ý kiến tương tự, nhưng số nơi ủng hộ duy trì mô hình chi bộ này chiếm đa số.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Lê Thị Minh Nguyệt cho biết, Ban Tổ chức Thành ủy đã có công văn gửi các quận, huyện, thị ủy đề nghị báo cáo về tình hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trước ngày 15-9-2016. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tổng hợp, báo cáo Thành ủy để xem xét, cũng như kiến nghị trung ương những vấn đề liên quan.

Sau gần hai năm thực hiện hướng dẫn mới của Ban Tổ chức Trung ương, tình hình hoạt động của mô hình chi bộ cơ quan, xã, phường, thị trấn dường như vẫn chưa có được sự thay đổi đột phá so với thời điểm trước khi ban hành. Đây là điều rất đáng quan tâm không chỉ của cấp ủy các địa phương mà còn đối với Ban Tổ chức Trung ương - cơ quan ban hành Hướng dẫn số 28. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sau khi các quận, huyện, thị ủy báo cáo, Thành ủy có đánh giá cụ thể về mô hình này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn: Vẫn lo chồng chéo, xa dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.