Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình cần nhân rộng

Nguyễn Linh| 05/05/2012 07:38

(HNM) - Ra đời từ Đề án nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP bảo đảm quyền lợi của người cao tuổi (NCT) ở địa phương, tổ giám sát (TGS) thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với NCT được thí điểm thành lập trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Đắc Lắc, Trà Vinh từ đầu năm 2010.

Hà Nội đã chọn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) triển khai làm điểm.

Đi vào hoạt động, TGS thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với NCT đã kết hợp với cán bộ LĐ-TB&XH rà soát để các cụ từ 80 tuổi trở lên được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Diễn (81 tuổi, ở cụm dân cư Ninh Phúc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Vốn là phó chủ tịch xã, khi nghỉ công tác, bà không đủ số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Việc bà làm phó chủ tịch xã nhiều người biết, nhưng không ai biết bà không được hưởng chế độ hưu trí. Bản thân bà Diễn lại không nghe nói gì về Nghị định 67/2007/NĐ-CP nên không biết mình thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội. Cùng hoàn cảnh với bà Diễn, bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi, là người có công, bị tù đày, ở xóm Kiến Thiết, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng không biết mình thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp. Chỉ đến khi TGS rà soát danh sách, chế độ trợ cấp những người từ 80 tuổi trở lên, mới phát hiện hai bà thuộc diện đối tượng của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.

Người cao tuổi được quan tâm hơn khi các địa phương thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội. Ảnh: Linh Ngọc


Toàn TP Hà Nội có 8.360 NCT nghèo, cô đơn, tàn tật, 86.454 NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, BHXH, đang nhận trợ cấp hằng tháng. TGS đã thực hiện đúng chức năng của Hội NCT trong phối hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NCT. Thông qua công tác rà soát, các TGS đã giúp hội nắm vững hơn hoàn cảnh của NCT, nhất là NCT nghèo, từ đó có các giải pháp thiết thực hỗ trợ họ. Từ khi Luật NCT có hiệu lực, mô hình TGS lại càng cần thiết hơn trong hỗ trợ thực hiện luật tại địa phương, góp phần đắc lực thực hiện tốt chức trách chăm sóc, phát huy vai trò NCT, nhất là trong xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Ra đời từ Đề án nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP nhằm bảo đảm quyền lợi của NCT ở địa phương do Hội NCT Việt Nam triển khai thực hiện, TGS thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với NCT có trách nhiệm giúp đỡ chính quyền, cơ quan LĐ-TB&XH ở địa phương thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và người liên quan. Qua 2 năm thực hiện mô hình điểm tại 8 xã, phường, thị trấn thuộc 4 tỉnh, TP trong cả nước, hoạt động của TGS (có từ 5-9 thành viên tùy quy mô của xã, phường, do cán bộ Hội NCT làm nòng cốt) đã được cấp ủy, chính quyền, cơ quan LĐ-TB&XH ủng hộ, đánh giá cao vai trò nâng cao tính công bằng, dân chủ, minh bạch nhằm bảo đảm quyền lợi NCT và các đối tượng thiệt thòi. Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu NCT được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, nhu cầu này là rất lớn. Những kết quả đã thu được qua hoạt động của các mô hình điểm cho thấy việc nhân rộng các TGS thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với NCT là một nhu cầu thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cần nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.