(HNM) - Tính đến ngày 15-1-2016, Hà Nội có hơn 33.000 người lao động (NLĐ) đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Trung bình, mỗi tháng có hơn 2.000 NLĐ thất nghiệp.
Để bảo đảm cho NLĐ có được việc làm tốt hơn, bên cạnh các hoạt động trợ giúp NLĐ sau khi đăng ký thất nghiệp như trợ giúp tài chính, tư vấn tìm việc làm, học nghề… mới đây Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã nỗ lực tổ chức các phiên tuyển dụng trực tiếp đầu tiên cho NLĐ đăng ký thất nghiệp.
Thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) cho thấy, mỗi tuần có trung bình 400-700 NLĐ đến đăng ký thất nghiệp. Hầu hết số này khi đến đăng ký đã được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề. Tuy nhiên, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, số lao động xin hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ chiếm 4-5%, tức là chỉ từ 20 đến 35 người tham gia học nghề. Riêng năm 2015, số người học nghề ở Hà Nội có tăng lên 6,5%, với khoảng hơn 2.000 người. Theo quy định, NLĐ sẽ được hỗ trợ kinh phí để học một lần, học một nghề tại cơ sở dạy nghề, mức hỗ trợ phụ thuộc vào thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học là 600.000 đồng/tháng đối với khóa học nghề trên 3 tháng hoặc 3 triệu đồng/người/khóa học đối với khóa học nghề dưới 3 tháng. Như vậy có thể thấy công tác hỗ trợ học nghề, tạo việc làm đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên việc làm này chưa thực sự thu hút khiến tỷ lệ người được hỗ trợ học nghề so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn thấp.
Phỏng vấn người lao động tại một phiên giao dịch việc làm huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn nên khi bị mất việc làm chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, số này ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo của cơ sở dạy nghề chưa phong phú, nghề đào tạo lạc hậu, mức phí đào tạo cao.
Chính vì không mặn mà với học nghề nên nhiều lao động không tìm được việc làm có thu nhập tốt. Để giải quyết vấn đề việc làm, ổn định đời sống cho NLĐ, mới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thí điểm tổ chức phiên giao dịch lưu động tại Khu công nghiệp Đông Anh nhằm trợ giúp các lao động vừa thất nghiệp. Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội có phiên giao dịch việc làm dành riêng cho NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tại phiên giao dịch này đã có 330 NLĐ đã được trải nghiệm mô hình thí điểm đầu tiên và 61 người đã tìm được việc làm tại chỗ. Đây là ưu tiên đặc biệt nhằm giúp lao động không phải di chuyển xa và có nhiều lựa chọn vị trí làm việc tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Đông Anh. Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, phiên giao dịch này là thí điểm để có căn cứ tiếp tục thực hiện tại các khu vực lân cận. Sở dĩ có phiên lồng ghép đặc biệt này, theo bà Liễu là nhằm tạo điều kiện cho NLĐ nói chung và đặc biệt là lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có cơ hội tìm được việc làm ổn định, giúp cho học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động và tìm được nơi thực tập thích hợp.
Theo khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, trên địa bàn huyện Đông Anh có 700 lao động đang hưởng BHTN nhưng chỉ có 330 người đến tuyển dụng tại phiên giao dịch, trong đó có 220/330 lao động có trình độ sơ cấp nghề và lao động phổ thông. Đáng nói, có 20/330 lao động hưởng BHTN có trình độ đại học, chiếm 6% tổng số lao động BHTN có nhu cầu tìm việc làm. Công việc mong muốn của số lao động này là quản lý, kế toán, kỹ thuật… Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng khác như: Lao động tự do, người chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên trên địa bàn Đông Anh và các khu vực lân cận đã đến tham gia tìm việc, học nghề… tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh.
Chị Thu Quỳnh, một NLĐ từng là nhân viên của một công ty may cho biết, chị đã được một doanh nghiệp ngành giải khát tuyển thẳng với mức lương khá hơn trước. Ở thời điểm cuối năm tìm được việc làm như ý quả là niềm vui với chị. Tương tự, nhiều NLĐ đã tìm được việc làm ở các vị trí công nhân, quản lý, kế toán…
Theo đánh giá, dù có 61 NLĐ tìm được việc làm ngay tại phiên giao dịch nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng đối với một cách làm mới, hướng giải quyết mới. Nếu mô hình này được nhân rộng, chắc chắn sẽ ít NLĐ rơi vào tình trạng thất nghiệp và sẽ góp phần bảo toàn Quỹ BHTN, bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.