(HNM) - Mô hình bác sĩ gia đình đã về tận các trạm y tế phường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Người dân không phải chạy lên bệnh viện tuyến trên mỗi khi đau ốm...
Giữa trưa nắng gắt, người nhà đã phải đưa bà Ngô Quý Lan (55 tuổi, ngụ đường Lý Thái Tổ, phường 10), đến trạm y tế phường do bà bị tăng huyết áp đột ngột. Sau khoảng 10 phút được đội ngũ BSGĐ tại trạm y tế chữa trị, bà Lan đã khỏe lại. "Tôi bị bệnh tiểu đường hơn 2 năm nay, mỗi khi trời nắng nóng gắt lại nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt... và hầu như phải chạy lên BV quận điều trị. Tuy nhiên, khi nghe có BSGĐ ở trạm y tế phường nên lần này gia đình đưa thẳng lại đây, vừa gần nhà lại được điều trị ngay chứ không phải chờ như trên BV quận" - bà Lan chia sẻ. Còn anh Nguyễn Văn Tân (34 tuổi, ngụ phường 9, quận 10) cho biết, cách đây 1 tuần bị đau bên hông, dù không tin y tế cấp phường lắm nhưng nghe nói có BSGĐ nên đã đến khám. Kết quả, các BSGĐ phán đoán chính xác anh bị sỏi thận và được điều trị, theo dõi bệnh rất kỹ, khiến anh cũng ngạc nhiên.
Hai trạm y tế phường 9 và 10 (quận 10) được chọn làm thí điểm về mô hình BSGĐ. BS Lâm Thị Ngọc Bích, Trạm Y tế phường 10 cho hay, trước đây, khi mô hình BSGĐ chưa ra đời, hầu hết người dân hễ có bệnh lại cứ chầu chực ở BV quận hay thành phố, vừa mất thời gian vừa khó theo dõi bệnh lý để đưa ra cách điều trị liên tục và thống nhất. Còn với mô hình BSGĐ xuống tận cấp cơ sở thì y, bác sĩ có thể theo dõi bệnh liên tục và sát sao hơn. Đặc biệt, theo BS chuyên khoa II Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc BV quận 10, đối với những người bệnh đau yếu, không đi lại được, có thể yêu cầu đội ngũ BSGĐ đến tận nhà thăm khám, kê đơn thuốc, theo dõi bệnh. BV quận 10 cũng triển khai mô hình này được 6 tháng nay, với 5 phòng khám và 22 BS làm việc cả ngày. Đến nay, có khoảng 4.000 bệnh nhân, chủ yếu là gia đình đến khám, chữa bệnh.
Tuy vậy, BS Lê Thanh Tùng cho rằng về lâu dài cần phải hoàn thiện hơn nữa mô hình BSGĐ ở tuyến y tế cơ sở. Bởi trong trường hợp người dân đến ngày càng tăng mà chỉ có một BS phụ trách chuyên môn chính như hiện nay lại dễ dẫn tới quá tải cho tuyến dưới. Ngoài ra, 2 trạm y tế thí điểm mô hình BSGĐ dù được trang bị các thiết bị y tế nhiều hơn nơi khác như máy siêu âm, điện tim, thử đường huyết mao mạch, máy khí dung mũi họng… nhưng việc vận hành các máy trên không hề đơn giản, đòi hỏi BS phải có chuyên môn giỏi. Tuy nhiên, nhân lực chỉ gồm 1 bác sĩ chính và 4 đến 5 y tá thì không đủ để đáp ứng. Ngoài ra, theo TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách bộ môn Y học gia đình (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), yếu tố then chốt cho sự thành công của mô hình BSGĐ còn là việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo BSGĐ ở lớp ngắn hạn, lớp định hướng, lớp chuyên khoa… Trong khi đó, công tác đào tạo BSGĐ không chỉ dừng lại ở định hướng hay các lớp chuyên khoa mà cần liên tục. Tức là sau khi trở thành BSGĐ, họ cũng cần phải học sâu hơn nữa, để quá trình làm và học luôn gắn bó với nhau mới vững nghiệp vụ. Thế nên để triển khai mô hình BSGĐ trên 24 quận, huyện, ngành chức năng thành phố còn nhiều việc phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.