Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở cửa kho báu

Người Lái Đò| 12/06/2016 06:37

(HNM) - Mới đây, tại một hội thảo về vấn đề bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, thông tin cho thấy một số chuyên gia ngôn ngữ trong và ngoài nước đã lặn lội đến nhiều vùng sâu, vùng xa trong suốt mấy chục năm qua. Họ tiếp xúc với cộng đồng các dân tộc thiểu số để ghi âm, lưu trữ tư liệu về tiếng nói, âm điệu, chữ viết...

Những tư liệu này dần được hệ thống hóa, một phần trong số đó được giới thiệu rộng rãi tới giới nghiên cứu và người quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã lưu giữ tư liệu mà họ gom góp sưu tầm được làm tài sản riêng.

Ý muốn sở hữu riêng, cách "giữ kín, dành lâu, cất kỹ" khối tư liệu quý giá không phải là sự lạ trong hoạt động khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu nói chung, chứ không chỉ là nghiên cứu ngôn ngữ. Quyền lưu giữ, công bố tư liệu hoàn toàn được tôn trọng, bởi nhà sưu tầm có nhiều lý do để làm việc này, như là để bảo vệ thành quả lao động của mình, do công trình nghiên cứu chưa hoàn thành và cũng có thể là do chủ sở hữu muốn giữ độc quyền về tư liệu…

Trong bối cảnh ấy, thấy rõ hơn về sự hào hiệp, ý thức trách nhiệm đối với xã hội, với giới nghề, với bản thân của những nhà nghiên cứu, những người đam mê công tác sưu tầm đã và đang tích cực công bố "tài sản" của mình. Đồng thời, chúng ta càng thêm trân trọng những địa chỉ văn hóa cũng như những nhà khoa học "chịu" quảng bá rộng rãi kho tư liệu để giới nghề và công chúng có điều kiện tiếp cận. Như gần đây, một số nhà sưu tầm đã đưa những trích đoạn chèo cổ quý giá lên mạng. Đấy là những trích đoạn được ghi hình, ghi âm từ những năm 1960, 1970 mà người trong nghề, ngay cả nghệ sĩ tên tuổi cũng cảm thấy bất ngờ.

Việc giữ riêng tư liệu là điều đáng được tôn trọng, mà mong muốn được công bố, sẻ chia "báu vật" lại càng cần được tôn trọng hơn. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để ngày càng có nhiều người muốn chia sẻ vốn quý cho cộng đồng? Thiết nghĩ, các nhà quản lý văn hóa cần quan tâm đến việc xây dựng cơ chế cung cấp, công bố tư liệu; có chính sách đãi ngộ kịp thời, như chi trả thù lao, thể hiện sự tri ân trước những hành động chia sẻ tư liệu quý; có cách giới thiệu rộng rãi nhằm làm lan tỏa và phát huy giá trị của các tư liệu đó. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới khuyến khích được giới nghiên cứu, nhà sưu tầm vốn cổ mở cửa "kho báu" cho người người được thụ hưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa kho báu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.