(HNM) - Chiều 13-9, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Quốc tế AIC xuất khẩu 10 tấn nhãn chín muộn Hà Nội sang thị trường Malaysia. Đây là lô nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội được xuất sang thị trường quốc tế, mở cánh cửa cho loại trái cây đặc sản này vươn ra những thị trường tiềm năng.
Niềm vui của nông dân
Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức phấn khởi cho biết, sản xuất nhãn chín muộn Hà Nội nhiều năm nay tuân thủ theo đúng quy chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận, song việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Đa phần nông dân tiêu thụ nhãn thông qua thương lái, giá cả bấp bênh. “Nhãn chín muộn Hà Nội được xuất khẩu chính ngạch sang Malaysia là tin vui với nông dân. Nếu duy trì được xuất khẩu, chúng tôi không lo thương lái ép giá, giá bán luôn ổn định, lợi nhuận cao hơn” - ông Triệu Tiến Ích nói.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiểm tra nhãn chín muộn xuất khẩu. |
Còn ông Trần Văn Bảy, hộ sản xuất nhãn chín muộn xã Song Phương (Hoài Đức) không giấu được niềm vui khi trong 10 tấn nhãn xuất khẩu ngày 13-9, gia đình ông có hơn 1 tấn. Tuy số lượng không nhiều, nhưng việc xuất khẩu sang thị trường Malaysia là cơ hội quảng bá nhãn chín muộn Hà Nội không chỉ với thị trường quốc tế mà ngay cả trong nước. Nếu duy trì được xuất khẩu, nông dân không còn lo được mùa rớt giá.
Đánh giá về lô hàng nhãn chín muộn xuất khẩu đầu tiên của Hà Nội, Trưởng ban Kỹ thuật 2 Công ty cổ phần Quốc tế AIC Lưu Thị Hằng cho hay: Trước khi xuất lô hàng sang Malaysia, phía đối tác đã sang tham quan và kiểm tra chất lượng vườn nhãn chín muộn của Hà Nội. “Hiện trên thị trường Malaysia nhãn Thái Lan được bày bán nhiều, tuy nhiên sau khi kiểm tra thực tế, phía đối tác đánh giá cao hình thức và độ ngon của nhãn chín muộn. Dù vậy, vẫn cần đợi phản hồi từ phía người tiêu dùng, sau đó doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Dự kiến 7 ngày nữa, nhãn sẽ được bày bán tại các siêu thị của Malaysia”.
Xây dựng chuỗi sản xuất khép kín
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cho đến nay sản phẩm nhãn chín muộn chủ yếu là do nông dân tự tiêu thụ thông qua tư thương nên giá thành bấp bênh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, từ 5 đến 10% sản phẩm quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị... Đặc biệt, công nghệ bảo quản, sơ chế, vận chuyển quả tươi tại Hà Nội còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng biện pháp thủ công, truyền thống, chi phí cao, số lượng bảo quản ít, chất lượng, thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, tổn thất trong và sau thu hoạch còn cao...
Nói về tương lai của trái nhãn muộn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho rằng, để duy trì xuất khẩu sang các thị trường lớn, cần xây dựng chuỗi sản xuất khép kín và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nông dân muốn xuất khẩu nhãn sang các thị trường lớn cần tuân thủ các quy trình, không chỉ ở khâu sản xuất mà sơ chế, đóng gói cũng phải nghiêm cẩn. Hiện nay, trong quá trình đóng gói hàng, nông dân vẫn giữ thói quen trộn các quả xấu, đẹp lẫn nhau. Đây là điều cấm kị với thị trường quốc tế, bởi ngoài chất lượng thì mẫu mã cũng phải bảo đảm. Không nên vì cái lợi trước mắt mà mất đi cả cơ hội lớn phía trước.
Về định hướng chính sách, ông Chu Phú Mỹ cho biết, để duy trì xuất khẩu, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cùng với đó là nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ nhãn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tiến tới xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Về lâu dài, Hà Nội sẽ tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống trong nước, chú trọng tiêu thụ nội địa và mở rộng sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, các nước thuộc Khối liên minh Châu Âu (EU), khu vực Trung Đông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.