(HNM) - Thứ năm (26-5), gia đình chị Hương (phường Nam Đồng, Đống Đa) mời anh chị em nhà ngoại đến ăn bữa tối. Cơm xong, trong khi các cháu dọn dẹp, chị Hương xách ra một túi bọc giấy báo, cười cười:
- Có món tráng miệng đặc biệt đây. Ai thích của ngọt giơ tay…
Rồi trước sự háo hức của mọi người, chị Hương thong thả mở túi...
- Ồ, mít. Tuyệt quá! - Mọi người đồng thanh reo lên. Cô em gái nhanh nhảu vào bếp lấy ra cái đĩa to, miệng nói:
- Hàng "độc" mà bà chị "giấu" kỹ ghê, nhưng sao lại mua ít thế?
- Ít là thế nào, 3 cân tươi của người ta đấy!
Nghe chị nói vậy, hết cô em lại đến mấy người khác cùng nhấc túi mít lên ước lượng thử rồi đều khẳng định làm gì được 3 cân. Có vẻ bực mình, chị Hương vào phòng trong lấy chiếc cân đĩa hiệu Nhơn Hòa ra, đặt túi mít lên và… ỉu xìu khi thấy chiếc kim nhích lên rồi dừng lại ở giữa con số 2,1-2,2kg!
Như phân bua với mọi người, chị Hương kể: Lúc chiều, đi làm về, qua phố Láng Hạ, thấy 3, 4 chiếc xe đạp thồ đỗ gần nhau, trên sọt bày mít đã bóc sẵn nhưng không có người mua. Nghĩ trời sắp tối, họ ế hàng thì tội nghiệp, nên tôi dừng xe, hỏi một cô bán hàng. Cô ta bảo 50.000đ/kg và cam kết "cân đủ, không thiếu một lai". Tôi mua liền 3kg, ai ngờ cô ta lại cân thiếu. Đúng là ăn mít mà thấy đắng quá...
Nghe chị Hương than thở, cậu em không những không chia sẻ mà còn "cao giọng":
- Chị cứ tào phào như thế thì gặp phải "mít đắng" là đúng rồi. Mua của hàng rong là tiếp tay cho những người cố tình vi phạm quy định về trật tự, văn minh đô thị. Hơn nữa, khi mua hàng chị không kiểm tra là đã tạo cơ hội cho họ cân điêu, cân thiếu rồi đấy...
Là khách mời trong gia đình, NXD cho rằng những lời có vẻ như "lên lớp" của cậu em lại thật có lý, nên ghi lại câu chuyện, mong được mọi người tham khảo để tránh mua phải "mít đắng" hay những "quả đắng" khác như trường hợp chị Hương đã gặp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.