(HNMCT) - Trong lúc trò chuyện, thăm hỏi qua điện thoại, một bạn viết ở phía Nam kể rằng nhóm tình nguyện của chị đã mua cả ngàn chiếc ấm siêu tốc gửi vào các khu vực bị phong tỏa cho những sinh viên, lao động trẻ người ngoại tỉnh bị mắc kẹt để họ… ăn mỳ gói!
Nghe vậy tôi lại nhớ hồi đợt dịch này mới bùng phát, khi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu hạn chế đi lại, tiếp xúc, quán xá đóng cửa… thì mạng xã hội đã râm ran những chuyện tương tự. Những “giai thoại” ấy nói lên một thực tế rằng không ít bạn trẻ sống xa gia đình nhưng không hề sắm sửa bếp núc gì, thậm chí nhiều người còn không biết nấu ăn. Có thể vì họ “bận rộn” hoặc chán cảnh “cơm niêu nước lọ”, hoặc do bản tính lười nhác cộng với thói quen ỉ lại… Hằng ngày chuyện ăn uống gần như “khoán trắng” cho quán xá, bữa nào “đổi không khí” thì đặt qua mạng, chờ shipper mang đến. Thế nên khi chuyện đi lại bị siết chặt, dịch vụ không thiết yếu ngừng hoạt động thì những thanh niên này “bỗng dưng” gặp khó khăn, xoay xở, lúng túng đến tội nghiệp! Những câu chuyện “cười ra nước mắt” ấy cho thấy hành trang vào đời của một bộ phận giới trẻ Việt Nam còn rất sơ sài, thiếu hụt nghiêm trọng những kỹ năng sống cần thiết.
Đợt dịch này còn cho thấy một chuyện nữa cũng ít nhiều liên quan nhưng không buồn cười chút nào. Trong lúc cả xã hội nghiêm túc chấp hành các quy định hạn chế tiếp xúc thì vẫn lắm người lén tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt, chưa kể không ít bạn trẻ ngay cả ở thời điểm giãn cách vẫn sẵn sàng gọi điện, lên mạng đặt mua đồ “ăn vặt”. “Có cung ắt có cầu”. Không ít quán ăn, hộ kinh doanh phớt lờ quy định để đáp ứng, “tiếp sức” cho “thượng đế” và tất nhiên là kéo theo đội quân vận chuyển, giao hàng, như vậy càng chồng chất nguy cơ lây lan trong cộng đồng, càng thêm gánh nặng cho các lực lượng trên tuyến đầu. Dường như những người này không mảy may nghĩ rằng cả nước đang phải căng mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà cho là mọi chuyện vẫn yên bình. Hay họ chưa hoặc không hình dung được cuộc chiến lần này cam go, khốc liệt đến thế nào khi nhân loại đang phải đối mặt với một kẻ địch rất nguy hiểm, phức tạp, thậm chí gần như vô hình, có thể khiến chúng ta chịu rất nhiều tổn thất về người và của?... Có nhiều cách lý giải, nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất, đúng nhất là vì họ chỉ nghĩ đến bản thân mình, và đây là biểu hiện của lối sống vị kỷ, ứng xử thiếu trách nhiệm, bất chấp lợi ích cộng đồng.
Chuyện người trẻ thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng có nguyên nhân từ sự lệch lạc trong tư duy giáo dục con trẻ của người lớn. Nhà trường thì nặng về “dạy chữ” mà nhẹ phần “dạy làm người”, chương trình học thì nhồi nhét kiến thức, nặng tính hàn lâm, nhiều lý thuyết mà thiếu thực tiễn, hạn chế tiếp xúc với tự nhiên… Về phía gia đình, vài thập niên gần đây mặt trái của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều thế hệ phụ huynh. Ngoài chuyện cưng chiều thái quá, phần lớn phụ huynh đều muốn con được học hành, đỗ đạt để trở thành “ông nọ, bà kia” nhưng rất ít người quan tâm đến việc dạy con kỹ năng sống và những bài học ứng xử, ý thức trách nhiệm "mình vì mọi người". Thế nên nhiều trẻ mặc dù kết quả học tập khá, thậm chí kể cả giỏi, xuất sắc… nhưng khi vào đời lại thụ động, khó khăn trong việc giữ cân bằng, thích ứng với đời sống xã hội, khó xoay xở, thậm chí bế tắc trước các biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống sau này. Chưa kể có những người khi trưởng thành vẫn chỉ như “đứa trẻ to xác”, thích gì làm nấy, coi mình là “trung tâm vũ trụ” còn xã hội, cộng đồng, thậm chí pháp luật cũng không là gì…
Bởi thế nên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cũng là thời điểm một năm học mới sắp bắt đầu, vấn đề dạy kỹ năng sống để trẻ sẵn sàng thích nghi, thích ứng với điều kiện, tình hình mới và những bài học ứng xử để trẻ trở thành người có trách nhiệm, có lối sống cao đẹp "mình vì mọi người", đề cao lợi ích cộng đồng lại trở thành mối quan tâm, mong mỏi của dư luận cũng là điều dễ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.