(HNM) - Sau những tranh cãi gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề, sự kiện Bộ trưởng Môi trường các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) nhất trí thông qua Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu cuối tuần qua được coi như một thông điệp đoàn kết, động lực mới giúp củng cố sự thống nhất của khối.
Các nước EU thông qua Hiệp ước Paris là cơ hội để thỏa thuận này sớm có hiệu lực. |
Trước đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, quyết định rời EU của Anh (Brexit) hồi tháng 6 vừa qua có thể làm gián đoạn các nghiên cứu cũng như cam kết chống biến đổi khí hậu của khối. Sự kiện này khiến các nhà khoa học ở Anh và Châu Âu “mất tinh thần” vì tương lai không chắc chắn của ngân sách khoa học và vị trí của Anh trong cộng đồng nghiên cứu Châu Âu và quốc tế. Tuy Brexit không hẳn cách ly nước Anh với môi trường quốc tế, nhưng sự gián đoạn trong những hành động liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có môi trường là có thể xảy ra. Trong khi đó, xứ sở Sương mù từ lâu đã ủng hộ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vận động cho chính sách giảm lượng khí thải carbon 80% vào năm 2050 và thúc đẩy Hiệp ước Paris. Sự chia tay EU đột ngột của nước Anh có thể buộc phải điều chỉnh một số nội dung. Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), cho rằng, Brexit sẽ buộc phải hiệu chỉnh lại sự tham gia của EU trong Hiệp ước bởi khi đó, Anh là một phần của EU và EU có đầy đủ 28 thành viên.
Trong bối cảnh liên minh đang chật vật đối phó với các tác động do Anh quyết định rời khỏi khối cùng những chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư, những tưởng EU khó có thể thông qua nhanh chóng thỏa thuận này vì phải đối mặt với nhiều rào cản. Tuy nhiên, việc tất cả các nước "bật đèn xanh" cho việc phê chuẩn sớm Hiệp ước Paris rõ ràng là bước tiến mới, khẳng định rằng EU vẫn là một khối thống nhất và vẫn có thể đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề. Quan trọng hơn, cũng như nhiều khu vực khác, Châu Âu nhận thấy hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng đều có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh chiến tranh, khủng bố, biến đổi khí hậu đang được coi là nguy cơ nghiêm trọng hàng đầu đến đời sống nhân loại. Quyết định của EU sẽ giúp thỏa thuận về khí hậu lịch sử đạt được tại Hội nghị Paris năm ngoái tiến gần đến mục tiêu được hiện thực hóa.
Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được ký kết tháng 12-2015 tại Paris (Pháp) sau gần hai tuần đàm phán cam go. Đây được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) trong suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của trái đất tăng lên. Thỏa thuận cần ít nhất 55 quốc gia tương ứng 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn và sẽ có hiệu lực một tháng sau đó. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước thông qua sớm, Hiệp ước lịch sử này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới. Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên, Hiệp ước Paris sẽ sớm có hiệu lực trong năm nay.
Đến nay, đã có khoảng 60 quốc gia tham gia thỏa thuận mang tính bước ngoặt này. Hồi đầu tháng 9, Mỹ và Trung Quốc đã thông qua Hiệp ước Paris và đây là một yếu tố thúc đẩy các bộ trưởng EU đi đến sự nhất trí nêu trên. Các nước EU chiếm 12% lượng khí thải toàn cầu. Với việc phê chuẩn Hiệp ước và nếu được EU thông qua, đây sẽ là bước đột phá cho nỗ lực của cả thế giới trong việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu ngay trước vòng đàm phán về khí hậu mới của LHQ diễn ra vào tháng 11 tới tại Morocco.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.