Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch từ kê khai tài sản

Thế Phương| 29/10/2012 06:32

(HNM) - Luật pháp hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả các hành vi làm giàu bất hợp pháp. Thế nên, trong xã hội đã xuất hiện những nhóm lợi ích, những "nhà giàu mới" với đủ chiêu thức kinh doanh mà không cần sản xuất ra sản phẩm mới - có nghĩa là xuất hiện nhiều trọc phú kiếm tiền nhờ những kẽ hở của cơ chế, không làm ra của cải vật chất cho xã hội. Những kiểu làm giàu nhanh đến chóng mặt sau những cái "bắt tay" giữa chủ doanh nghiệp và một bộ phận công chức, quan chức đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội...

Việc kê khai tài sản được xem là một trong những công cụ hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hằng năm có khoảng 100.000 cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng việc làm này vẫn chủ yếu mang tính hình thức. Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cán bộ, công chức không thực hiện kê khai tài sản với cấp ủy, chính quyền nơi công tác và nơi cư trú; đồng thời không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ…

Kê khai tài sản là một việc làm để minh bạch tài sản thuộc sở hữu cá nhân, nhưng theo nhiều chuyên gia về pháp luật, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay vẫn chưa trả lời được những câu hỏi như: Kê khai cái gì, những ai phải kê khai? Kê khai với ai, kê khai ở đâu? Kê khai  để làm gì?...

Không có quy định rõ ràng trong việc kê khai tài sản, nên thực tế, có những tài sản không nhỏ như chiếc thẻ chơi gofl trị giá hàng chục nghìn USD, rồi số vốn góp vào doanh nghiệp... dường như không được nhiều quan chức kê khai. Chưa kể tình trạng để người thân đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, bất động sản… Cá nhân tham nhũng nhưng người thụ hưởng là người thân của họ, nên nếu chỉ nhắm tới cá nhân người thực hiện hành vi tham nhũng mà không đưa người thân của quan chức vào đối tượng phải giám sát sẽ rất khó phát hiện tham nhũng…

Do vậy, đối tượng kê khai tài sản không chỉ là quan chức, mà  cần mở rộng đến vợ, con họ. Việc kê khai tài sản cũng không thể dừng lại ở giá trị tài sản mà phải làm rõ cả nguồn gốc hình thành. Chế tài tịch thu tài sản bất minh cũng là vấn đề quan trọng cần được đề cập trong pháp luật phòng chống tham nhũng nhằm ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản, hạn chế động lực tham nhũng. Và vấn đề cốt lõi là việc kê khai tài sản cần được công khai với cử tri, để mọi người đều có thể tiếp cận và tham gia giám sát.

Yêu cầu mở rộng đối tượng kê khai tài sản, quy định công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là hết sức cần thiết; đồng thời phải có các quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu ban chỉ đạo và cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng. Đối với những trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản một cách hợp lý, luật pháp về phòng chống tham nhũng cần có những quy định rõ ràng và chế tài đủ mạnh để xử lý người có hành vi tham nhũng và  tài sản hình thành từ hành vi tham nhũng…

"Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng cần thực hiện đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch từ kê khai tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.