(HNM) - Huy động vốn thông qua các hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã và đang làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông nước ta. Thế nhưng sự thiếu nhất quán, thậm chí lạm dụng trong việc thu phí; chất lượng một số dự án không bảo đảm; có dự án thu phí theo chuẩn đường cao tốc nhưng thực tế hạ tầng không đạt chuẩn cao tốc… là những câu hỏi đang được dư luận đặt ra với nhiều dự án BOT hiện nay.
Thứ nhất: Các dự án BOT do không sử dụng vốn nhà nước nên "thoát" được không ít quy định pháp lý về tài chính công. Trong khi đó, không phải dự án BOT nào, thậm chí rất hiếm hoi do nhà đầu tư bỏ vốn hoàn toàn mà được Nhà nước hỗ trợ vốn bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Đơn cử tại không ít dự án, Nhà nước vẫn phải giải ngân để xây dựng các công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trước, sau đó doanh nghiệp mới hoàn trả hoặc hoàn trả một phần.
Về phía người dân, họ phải di chuyển khỏi nơi định cư, mất đất "bờ xôi ruộng mật". Tuy được đền bù nhưng việc thụ hưởng lợi ích từ các dự án BOT của người dân vùng dự án khó ngang bằng so với lợi ích bị đánh đổi. Thậm chí ở một số dự án, sau khi dư luận vào cuộc mới "ngã ngửa" ra rằng, doanh nghiệp BOT tìm mọi cách để tận thu, ngay cả với người dân không tham gia vào hoạt động thương mại trên cung đường đó.
Thứ hai: Về phía doanh nghiệp, bỏ tiền đầu tư các dự án, ngoài quyền thu phí kéo dài hàng chục năm, được điều chỉnh phí... doanh nghiệp còn được những lợi ích khác như kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường, được đầu tư các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ dọc tuyến (với dự án đường cao tốc) và một số quyền khác. Thế nhưng, những lợi ích này người dân lại ít được biết và cũng vì thế khó có sự giám sát độc lập. Điều này giải thích vì sao các dự án BOT thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và kèm theo không ít rủi ro nhưng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng từ bỏ ngành nghề kinh doanh truyền thống để trở thành các chủ dự án.
Thứ ba: Việc tăng phí tại nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua cũng cho thấy chính sách vĩ mô cho vấn đề này thiếu ổn định. Vì ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, những kế hoạch về lãi suất ngân hàng, biến động tỷ giá… cũng đã được nhà đầu tư tính đến, nhưng việc điều chỉnh mức phí hiện trở thành "ngáo ộp" với doanh nghiệp vận tải và người dân, trong khi dư luận cho rằng việc điều chỉnh này chủ yếu tạo lợi thế cho doanh nghiệp BOT.
Khi giá cước vận tải tăng sẽ đẩy giá hàng hóa tăng, giá dịch vụ tăng theo, tạo sức ép lên nền kinh tế. Do đó, lộ trình tăng phí cần được xem xét một cách thấu đáo và cần công khai, minh bạch thông qua sự giám sát của xã hội. Đồng thời, cần lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng huy động được các nguồn vốn phù hợp, giảm thiểu việc thu phí cao do áp lực vay vốn ngân hàng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm trong quá trình đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT cũng là việc cần làm ngay.
Có thể thấy, phương thức BOT đã mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa câu chuyện "lợi ích nhóm" có thể xảy ra, minh bạch thông tin phải được xem là điều kiện cốt yếu. Ngoài ra, một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm "nhạc trưởng" trong từng công đoạn cụ thể của phân kỳ đầu tư, không dồn hết tất cả lên "vai" Bộ Giao thông - Vận tải như hiện nay cũng là vấn đề cần được nghiên cứu và đánh giá thấu đáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.