(HNM) - Tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết và quan trọng hàng đầu là tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các ngân hàng thương mại vì thực chất đây là giải pháp làm lành mạnh hóa nguồn vốn.
Vốn có bao nhiêu, độ ổn định và vững chắc của nguồn vốn như thế nào, vốn rót vào đâu, điều kiện nào được vay vốn… là những tiền đề quan trọng nhất trong tái cấu trúc nền kinh tế. Không phủ nhận vai trò của các TCTD trong tăng trưởng thời gian qua nhưng khi bàn đến tái cấu trúc nó, không thể không thấy một sự thật là rất khó trên nhiều phương diện: hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng chưa hoàn chỉnh; tác động tiêu cực cả bên ngoài và bên trong khá nhạy cảm và nặng nề; vốn còn mỏng và quy mô rất hạn chế; hoạt động kinh doanh còn nhiều bất cập, yếu kém trong đó không loại trừ nguyên nhân từ tham nhũng, lãng phí, vi phạm các nguyên tắc quản lý và pháp luật của Nhà nước.
Để làm rõ những vấn đề trên, cần khá nhiều giấy mực, bài báo này xin phép chỉ dừng lại ở nợ xấu, một trong những vấn đề lớn của ngành ngân hàng. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, căn cứ vào nguồn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10 năm nay, tổng số nợ xấu của toàn hệ thống là 85.300 tỷ đồng, tuy mới dừng ở mức 3,39% tổng dư nợ cho nền kinh tế nhưng đã tăng 35.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010, trong đó nợ khó đòi và nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 10,4%. Số nợ xấu này là khoản tiền không nhỏ, chủ yếu là vốn của Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại kinh doanh. Vậy vì sao Nhà nước mất vốn? Có lý do khách quan nhưng không phải tất cả đều là lý do khách quan. Nhiều vụ án đã được xét xử hoặc đang trong quá trình điều tra đã chứng minh rằng có không ít dấu hiệu lợi dụng chức quyền, lợi dụng tín nhiệm của Nhà nước để trục lợi ngay trong ngành ngân hàng và giữa các nhân viên ngân hàng và khách hàng. Cũng có không ít dự án ngân hàng mất vốn vì sự tắc trách, tư lợi của nhân viên. Những chương trình, dự án mất vốn do đầu tư dàn trải, không đúng hướng. Những chương trình từ thiện, gây thanh thế không vì mục tiêu kinh tế, ít hiệu quả xã hội cũng không phải hiếm. Tất cả những điều đó đều chưa được quan tâm đúng mức, chưa được công khai hóa và ở chừng mực không tiết lộ bí mật Nhà nước, cần phải được thông tin, như với kết quả kiểm toán, thanh tra nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gần đây.
Như vậy, cấu trúc lại các TCTD là một việc vô cùng khó nhưng sẽ thành công nếu biết dựa vào sự ủng hộ của nhân dân mà muốn dân ủng hộ, trước tiên phải minh bạch thông tin - cả mặt được và chưa được - để dân tin, dân làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.