Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch tài sản, thu nhập: Công khai thế nào cho vừa?

An Trân| 27/08/2011 05:17

(HNM) - Mặc dù ngày 30-9 mới chính thức có hiệu lực song Nghị định 68 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đã nhận được những phản hồi tích cực từ đông đảo các tầng lớp nhân dân....

Với quy định bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ phải công khai, nghị định đã đáp ứng phần nào mong đợi của người dân trên trận tuyến phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, việc công khai như thế nào và công khai đến đâu để đạt hiệu quả cao nhất vẫn là nội dung cần tiếp tục bàn thảo...

Để tránh việc khai báo đối phó, nhiều ý kiến đề nghị phải quy định công khai tài sản của vợ, con cán bộ, nhất là với bất động sản. Ảnh: Bá Hoạt


Công khai để tăng tính minh bạch

Theo tinh thần sửa đổi Nghị định 68, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình thường xuyên làm việc. Theo đó, những bản kê khai này sẽ được công khai theo hai hình thức: đối với quan chức thì công khai trong cơ quan, với đại biểu nhân dân thì công khai với cử tri. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31-12-2011 đến ngày 31-3-2012, nhưng phải bảo đảm thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.

 Một điểm mới tại Nghị định 68 cũng rất đáng được lưu ý là xác định nguyên tắc tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Với cán bộ, công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức đến cách chức. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận về sự kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với người kê khai không trung thực. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, với quy định quyền giám sát của các tổ chức, xã hội và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, tổ chức đảng, Nghị định 68 là một bước tiến mới trong hoạt động giám sát.

Từ lâu Nhà nước ta đã khẳng định minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có ý nghĩa quan trọng trong công tác PCTN. Có thể nói, từ kê khai đến công khai, Nghị định 68 là một bước tiến mới trong việc minh bạch tài sản, thu nhập so với Nghị định 37 được Chính phủ ban hành từ năm 2007. Quy định cụ thể về công khai tài sản của cán bộ, công chức lần này là một điểm cộng trong quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ.

Vẫn còn kẽ hở

Trong một xã hội phát triển, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là đòi hỏi tất yếu. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, chỉ có công khai, minh bạch thì người dân mới có cơ hội giám sát những cán bộ do mình trực tiếp hay gián tiếp bầu ra. Và càng công khai, minh bạch thì càng giảm thiểu tham nhũng.

Theo Nghị định 68 của Chính phủ, việc kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn khi nghị định mới chỉ đề cập tới việc công khai bản kê khai ở cơ quan, đơn vị, trong khi đó người dân lại mong muốn bản kê khai đó cần được công khai tại cộng đồng để nâng cao tính giám sát. Hơn nữa, với việc quy định hình thức công bố tại cuộc họp cơ quan hoặc niêm yết tại nơi công tác sẽ do lãnh đạo cơ quan đó chọn, có ý kiến đề nghị nên thống nhất về một mối, bởi phạm vi một cuộc họp chắc chắn sẽ không có sức lan tỏa bằng niêm yết công khai. Để tránh việc cán bộ có thể đối phó bằng cách để cho vợ, con đứng tên tài sản, nhiều người dân đề nghị cần phải quy định công khai tài sản của vợ, con, nhất là đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng. Bên cạnh đó, nghị định cũng cần hướng tới ngoài các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ khi phát hiện việc kê khai không trung thực thì cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý khối tài sản kê khai không trung thực ấy.

Trao đổi với báo chí về các vấn đề này, bên lề chương trình hoạt động Sáng kiến PCTN Việt Nam 2011, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng: Theo Luật PCTN hiện nay, bản kê khai tài sản chưa được công khai tới người dân và báo chí. Tuy nhiên, công khai trong cơ quan đồng nghĩa với bản kê khai tài sản không còn bí mật bởi "một người thì kín, chín người thì hở". Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PCTN. Nếu Quốc hội đồng ý công khai tài sản thì mọi đối tượng đều có thể tiếp cận.

Liên quan tới việc kiểm soát công chức "xé nhỏ" tài sản bằng cách cho người thân trong gia đình đứng tên sở hữu, theo ông Trần Đức Lượng, ngay khi tiến hành xây dựng Nghị định 68, các thành viên trong ban soạn thảo đã tính đến tình huống này. Thực tế có những trường hợp công chức có nhiều tài sản nhưng bản kê khai lại rất ít. Tới đây, chúng ta sẽ phải nghiên cứu để tìm ra công cụ hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Tài sản là những thông tin mà ai cũng muốn giữ lại làm "bí mật của riêng mình". Thế nhưng, với cán bộ, công chức thì lại khác. Họ là những cán bộ do dân cử, đại diện cho quyền lực của nhân dân thì việc công khai tài sản để tăng cường tính minh bạch và có cơ chế giám sát cũng là điều dễ hiểu. Ngày nay, chỉ cần một cú nhấp chuột trên mạng internet, những ai quan tâm đều có thể biết ngay tiền lương và các khoản thu nhập của Tổng thống Mỹ. Tại Nhật Bản, tài sản của các quan chức cùng gia đình trong chính quyền của Thủ tướng cũng đã được công khai trước bàn dân thiên hạ. Còn tại Indonesia, trước sự chứng kiến của Ủy ban Tiệt trừ tham nhũng, Tổng thống và Phó Tổng thống nước này cũng đã công khai tài sản của mình. Tại Việt Nam, Nghị định 68 của Chính phủ là một bước hiện thực hóa quyết tâm đẩy lùi tệ tham nhũng gắn liền với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hy vọng rằng, với những lộ trình thích hợp, trong thời gian không xa bản kê khai tài sản của các cán bộ, công chức sẽ được công khai để đông đảo người dân được biết, giám sát.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch tài sản, thu nhập: Công khai thế nào cho vừa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.