(HNM) - Minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những biện pháp đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng ở nhiều nước trên thế giới. Nhìn từ khía cạnh khác, minh bạch tài sản của cán bộ công chức cũng khẳng định sự liêm chính của một nền công vụ, giúp cho việc đấu tranh chống tham nhũng có trọng tâm, bảo đảm hiệu quả và công bằng.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, kiểm soát được tài sản không chỉ chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, trốn thuế, cho vay nặng lãi, trốn nghĩa vụ thi hành án dân sự, chống sở hữu chéo ngân hàng, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp… Song, tại Việt Nam, đến nay việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trước hết là do số lượng người phải kê khai quá lớn nhưng không có chế tài kiểm soát. Từ góc độ chuyên gia, ông Jairo Acuna-Alfoso - Cố vấn chính sách của UNDP cho rằng, Việt Nam cần thu hẹp nhóm đối tượng phải kê khai tài sản ở những chức danh từ cục trưởng và tương đương trở lên; chọn ngẫu nhiên khoảng 10 - 20% số bản kê khai tài sản hằng năm để kiểm tra mức độ trung thực; công khai 10 - 20% bản kê khai đã kiểm tra ngẫu nhiên và cả những trường hợp bị phát hiện có tài sản, thu nhập bất minh, góp phần phát hiện những nghi ngờ trong việc kê khai tài sản, thu nhập, tăng cường sự giám sát về tính trung thực của bản kê khai tài sản. Tuy nhiên, đây là giải pháp cần nhưng chưa đủ.
Hiện Luật Phòng chống tham nhũng không quy định cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập có kê khai mà không giải trình được. Người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản của mình cho con đã thành niên, nhất là người con này không thuộc diện kê khai tài sản. Vừa qua, báo chí phản ánh về việc xây dựng biệt thự sinh thái nhiều tỷ đồng của một quan chức cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thấy rằng, mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thự này đều mang tên con trai của vị quan chức này - cán bộ của một sở, không thuộc diện kê khai tài sản. Qua sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi, thực chất đây là tài sản của quan chức hay của con quan chức đó. Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi nêu trên, ngoại trừ chính vị quan chức cấp tỉnh này.
Như vậy, nếu chỉ đơn thuần giới hạn lại số lượng người phải kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì cơ chế hậu kiểm vẫn chưa chặt chẽ, dễ gây nên những nghi ngờ không đáng có. Ở chiều ngược lại, đây cũng chưa phải là cây "gậy" pháp lý đủ mạnh đối với những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm giàu bất chính. Điều cần tiến hành song song là kiểm soát được tài sản của con họ và những người thân khác. Trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập cũng không thể chỉ là của người có chức vụ, quyền hạn mà cần phải sửa đổi theo hướng mở rộng của vợ, con họ và những người thân thích khi cơ quan chức năng thấy rằng "có dấu hiệu không bình thường". Có như vậy mới bảo đảm hiệu quả cao nhất của việc kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.