Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn tại thời điểm 0 giờ ngày 1-7-2011 (Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10-3-2011). Động thái này là nhằm minh bạch hóa trong sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, DNNN đang có nhiều ý kiến khác nhau: hay có, dở cũng có. Có ý kiến cho rằng, DNNN là những "anh cả" có nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế và thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội khác. Nhưng, lại không ít ý kiến cho rằng, DNNN được ưu ái về đất đai, tiền vốn, được giao những dự án thuận lợi, song hiệu quả SXKD thấp, tài sản thất thoát; nợ không trả được thì khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành vốn cấp... Một số tập đoàn và DNNN SXKD thua lỗ, trách nhiệm cá nhân không rõ đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phải chăng, đây là sự thiếu minh bạch, thiếu trung thực trong báo cáo về tình hình SXKD của DNNN đã gây nghi ngờ, thậm chí bức xúc trong dư luận xã hội? Với nguyên nhân chính là việc "giấu dốt" trong quản lý, sự biến chất của một bộ phận cán bộ liên quan!?
Có lẽ vì thực tế đó mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của một số DNNN sở hữu 100%, nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, trên cơ sở sẽ đưa ra những chủ trương cụ thể, cơ chế thực thi có hiệu lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế cho xứng với tiềm năng. Trong đó có việc sắp xếp lại, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN; tập trung vào ngành SXKD chính, hạn chế việc mở sang những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề chính; xác định đúng trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp với tài sản và vốn nhà nước, bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước... như vậy là cần phải có khung pháp lý đồng bộ, cơ chế giám sát để DNNN nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả SXKD, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác... Thực tế cho thấy, cần sớm tách việc quản lý tài sản và vốn của DNNN ra khỏi cơ quan hành chính để xóa bỏ triệt để tình trạng xin - cho, từ đó tham nhũng sẽ không còn đất tồn tại. Trên cơ sở đó, cần sớm hình thành một tổ chức quản lý tập trung tài sản và vốn nhà nước hoạt động độc lập, để bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.