(HNM) - Trước đây, thôn Mã Kiều, xã Phương Trung (Thanh Oai) chưa có tổ thu gom và cũng không có điểm tập kết nên rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trong làng, ngoài ruộng. Gặp cơn gió lớn, túi nilon, giấy thải bay loạn xạ…
Khắc phục tình trạng trên, năm 2009, xã Phương Trung thành lập tổ vệ sinh tự quản tại các thôn. Các tổ có trách nhiệm thu gom toàn bộ rác sinh hoạt trong thôn rồi vận chuyển ra bãi tập kết của xã. Hằng tháng, nhân dân có trách nhiệm nộp phí môi trường để trả thù lao cho các lao động làm công tác vệ sinh (vệ sinh viên) môi trường. Mức phí được tính theo số khẩu sinh sống thực tế tại địa phương và số lượng rác thải. Vệ sinh viên là người địa phương, do nhân dân bầu ra, sau đó trưởng thôn quyết định. Tiêu chí lựa chọn vệ sinh viên thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm… Tùy lượng rác trong dân thải ra, các vệ sinh viên bố trí tần suất thu gom, bảo đảm hạn chế thời gian tồn đọng, gây mất vệ sinh môi trường… Từ khi có tổ vệ sinh, người làng bỏ thói quen vứt rác bừa bãi; rác thải sinh hoạt và rác làng nghề (làm nón lá) được thu gom, vận chuyển kịp thời, đường làng, ngõ xóm 8 thôn của xã Phương Trung phong quang, sạch đẹp hẳn lên. Bà Lê Thị Phong, người thôn Mã Kiều, cho biết: Nhờ có tổ thu gom rác, không khí trong lành hơn, tình làng nghĩa xóm được củng cố bền chặt, người dân chúng tôi mừng lắm. Biết những người làm công việc này vất vả nên mọi người nộp phí vệ sinh đầy đủ, ngày hè nóng nực chúng tôi còn mời cốc nước mát, hoặc giúp đỡ bằng xách rác ra đầu ngõ, bỏ vào xe thu gom...
Những vệ sinh viên ở các làng quê đã và đang làm cho môi trường ngày càng sạch đẹp. |
Mã Kiều là thôn đầu tiên của xã Phương Trung thành lập tổ vệ sinh. Nói là tổ nhưng thực tế công việc thu gom rác của 500 hộ dân trong làng chỉ có hai người. Thuộc diện hộ nghèo nên vợ chồng anh Phạm Văn Tường và chị Hoàng Thị Hậu được thôn tạo việc làm. Tính toán lượng rác thải, mỗi tháng anh chị dành 15 ngày kéo xe đi thu gom rồi vận chuyển ra bãi tập kết của xã. Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng anh Tường là khoảng 3,9 triệu đồng, bao gồm thù lao thu phí vệ sinh và hỗ trợ của Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Nam Thăng Long. Nhờ khoản thu nhập này cuộc sống của vợ chồng anh Tường cũng bớt khó khăn.
Đến thôn Tân Tiến, chúng tôi gặp vợ chồng anh Hoàng Văn Dũng và chị Lê Thị Hoa, những người có gần 10 năm gắn bó với công việc làm sạch đẹp làng xã, được nhân dân rất yêu mến về thái độ phục vụ. Dù công việc vất vả, sức khỏe yếu nhưng anh chị vẫn miệt mài quét dọn, thu gom rác cho 350 hộ dân thôn Tân Tiến. Trời nắng hay mưa, ngày nào anh chị cũng thu gom đầy 5 xe rác chở ra nơi tập kết, những ngày lễ tết thì khối lượng lớn hơn. Chia sẻ về nghề, chị Lê Thị Hoa, người "giúp việc" đắc lực cho anh tâm sự: Mỗi lần đi làm, mùi rác xông lên, đội đến hai cái khăn mà vẫn không chịu được... Tuy công việc giản đơn nhưng những đóng góp của các anh, các chị có giá trị rất lớn đối với cộng đồng và môi trường...
Để bảo đảm sức khỏe cho các vệ sinh viên, mỗi năm huyện Thanh Oai cấp 2 bộ quần áo bảo hộ lao động, 1 đôi ủng, 5 đôi găng tay, 5 khẩu trang; tết Nguyên đán tặng phần quà trị giá từ 300.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, hầu hết những người này hiện nay chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm, độc hại… Vì vậy thời gian tới, rất cần các cấp, các ngành có chính sách quan tâm hơn đến những vệ sinh viên nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.