Từ ngày 25 đến 27-11, các tỉnh miền Trung mưa rất lớn, lượng mưa có nơi cao hơn 600mm/đợt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt… Cơ quan phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai biện pháp phòng ngừa, ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ gần sáng ngày 25 đến 27-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, vùng tâm mưa có nơi cao hơn 600mm/đợt.
Theo Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Vũ Anh Tuấn, mưa lớn tập trung ở ven biển, chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa lớn như thời kỳ từ ngày 13 đến 17-11 vừa qua.
Ngoài ra, sáng nay (23-11), một vùng áp thấp hình thành trên vùng biển phía Nam Biển Đông. Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do vậy, ngày và đêm 24-11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2-5m, biển động mạnh.
Cơ quan trên cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền và các phương tiện khác hoạt động tại các vùng biển nêu trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Trước dự báo trên, trưa 23-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Cùng biện pháp trên, các tỉnh triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát phương án vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.