(HNM) - Mưa lớn, kèm theo nước lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập liên tục mấy ngày qua tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã nhấn chìm hàng nghìn nhà dân trong biển nước mông mênh và gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của dân.
Trong mưa lũ, các bộ, ngành cùng với chính quyền và người dân địa phương huy động mọi lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn tại các vùng bị ngập lụt, cung cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các khu vực bị nước lũ chia cắt.
Lũ chồng lũ, thiệt hại nặng nề
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng tại các lưu vực sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Dự báo lũ trên các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông La tiếp tục lên trong ngày hôm nay (18-10). Mưa lớn liên tục đã làm hàng nghìn nhà dân các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam ngập chìm trong biển nước, các hồ đập cũng đang ở mức báo động khẩn cấp.
Tại thành phố Vinh (Nghệ An), mưa lớn khiến các tuyến đường: Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phong Đình Cảng, Trường Chinh... trong ngày 17-10 ngập sâu từ 0,5-1m, giao thông bị tê liệt nhiều giờ. Các xã Hưng Nhân, Hưng Yên Nam, Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên), Nam Phúc, Nam Kim (huyện Nam Đàn), Nghi Xá, Nghi Trường (huyện Nghi Lộc) và một số xóm của các xã Diễn Phú, huyện Diễn Lộc đã bị cô lập, không thể đi lại, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là thuyền. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, đã có 7 người chết và mất tích do mưa lũ. Toàn tỉnh có 4.363ha lúa bị ngập, 14.817ha ngô vụ đông, 1.192ha lạc, 2.265ha khoai lang, 4.806ha rau màu bị hư hỏng nặng, 3.970ha thủy sản bị ngập tràn bờ bao.
Phương tiện đi lại mùa nước lũ của người dân Lệ Thủy (Quảng Bình). |
Trong đợt mưa lớn này, tỉnh Hà Tĩnh là tâm điểm mưa nên tình trạng ngập lụt đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, đến chiều tối 17-10, toàn tỉnh có 143 xã của 12 huyện, thị xã bị ngập, lụt. Nặng nề nhất là hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang và thành phố Hà Tĩnh, tất cả xã đều bị ngập trong biển nước (Hương Khê: 22/22 xã; Vũ Quang: 12/12 xã; thành phố Hà Tĩnh: 16/16 phường). Có tới 35.430 hộ dân bị ngập nặng. Đặc biệt, mưa lớn vẫn tiếp tục đe dọa hồ Khe Mơ thuộc xã Hàm Sơn, huyện Hương Sơn. Trước đó, hồ này dung tích 700.000m3 đã bị vỡ đập chính (chiều dài vỡ 50m thân đập) khiến hàng nghìn hộ dân ở vùng hạ du bị ngập lụt, rất may không có thiệt hại về người. Tại huyện Hương Khê, nước lũ cũng đã tràn qua mặt đập Lù, nguy cơ mất an toàn cao. Mưa cũng đã làm ngập nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 1A, 8A và sạt lở ta luy dương gây ách tắc cục bộ, tuyến đường sắt từ ga Phúc Trạch đến ga Hương Phố bị sạt lở và ngập, tàu không qua được đoạn đường này.
Nhà dân ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) bị ngập lụt. |
Tại các xã thuộc các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã có hàng chục nghìn nhà cửa của người dân bị ngập lụt. Riêng huyện Lệ Thủy, do nước lũ dâng nhanh đã làm trên 20.000 nhà dân, trong đó có khoảng 10.000 hộ bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Các tuyến đường giao thông huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã, thị trấn đã bị ngập nước, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.
Thông tin mới nhận được, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1 người chết, 1 người mất tích, 7 người khác bị thương trong ngày hôm qua.
Thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến chiều tối qua (17-10), mưa lũ đã làm 21 người chết và mất tích.
Giao thông tuyến QL 1A trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục bị ngưng trệ. |
Nỗ lực cứu hộ, cứu nạn
Trong mưa lũ, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của dân, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt, cung cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ cho các khu vực bị chia cắt bởi lũ, không để người dân bị đói, khát; tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn. Trong ngày 17-10, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo Quân khu 4, Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Công binh, Thông tin triển khai lực lượng, phương tiện giúp dân chống chọi với mưa lũ; Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác do Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Trưởng ban, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật dẫn đầu, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc công tác đối phó với mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; Bộ NN&PTNT cũng phối hợp tích cực với các địa phương chỉ đạo việc kiểm tra, vận hành hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa thủy lợi, công trình đê điều bảo đảm an toàn; sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Hoa màu của nhân dân các xã thuộc huyện Hương Khê ( Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. |
Trong ngày, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 14 xuồng cao tốc, 500 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng ngàn lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ tổ chức ứng trực, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu an toàn; hỗ trợ 5 tấn mỳ tôm, cùng một số nước uống cơ động lên địa bàn Hương Khê; trích ngân sách 15 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để hỗ trợ các huyện mua lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.
Trước tình hình nước lũ lên cao, tỉnh Nghệ An đã quyết định hoàn thành Đại hội Đảng bộ tỉnh vào sáng 17-10 sớm hơn dự kiến một buổi để lãnh đạo các địa phương kịp về chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngay trong mưa lũ, tỉnh này đã triển khai ngay 4 đoàn công tác về vùng lũ ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy chỉ đạo công tác chống lũ. Tỉnh đã lập trạm chỉ huy tiền phương chống lũ ở xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) và huy động hàng chục ca nô cùng lực lượng công an, quân đội về vùng rốn lũ cứu người và tài sản. Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 9h sáng 17-10, các huyện trong tỉnh đã di dời được hơn 10.000 hộ dân ở vùng ngập lụt nặng tới vùng cao an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.