Dự kiến vào cuối tháng 12 tới, vệ tinh MicroDragon do 36 thạc sỹ người Việt thiết kế, tích hợp và thử nghiệm sẽ được tên lửa Epsilon (Nhật Bản) đưa lên quỹ đạo.
Đây là một điểm nhấn rất quan trọng trong lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam” do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Các nghiên cứu viên Việt Nam chế tạo MicroDragon tại Nhật Bản. (Nguồn: VNSC) |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC xoay quanh vấn đề này.
- Thưa Phó Giáo sư Phạm Anh Tuấn, xin ông cho biết ý nghĩa của việc vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo?
PGS Phạm Anh Tuấn: Trong lộ trình phát triển vệ tinh Made in Vietnam, MicroDragon là một mốc rất quan trọng. Đây là thành quả từ quá trình học tập của 36 thạc sỹ trẻ Việt Nam được cử sang Nhật Bản học tại 5 trường đại học lớn về công nghệ vệ tinh trong khoảng thời gian từ 2013-2017.
Tại Nhật Bản, lứa kỹ sư tài năng này phải chia nhóm để tham gia thực hiện một dự án phát triển vệ tinh từ bước đầu xây dựng nhiệm vụ, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm, chuẩn bị các công đoạn phóng vệ tinh lên không gian cũng như sẵn sàng vận hành, khai thác các dữ liệu mà MicroDragon thu được, gửi về mặt đất.
Hoàn thành vào cuối năm 2017, song MicroDragon phải trải qua một quá trình kiểm tra gắt gao của Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Qua thử nghiệm, MicroDragon đã được cấp giấy phép đủ khả năng bay vào không gian. Theo kế hoạch thì Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản sẽ công bố chính thức lịch phóng vệ tinh này vào 20-10 tới và nếu không có gì thay đổi thì lịch bay dự kiến sẽ vào ngày 20-12-2018.
- Có rất nhiều loại vệ tinh được đưa vào không gian, vậy MicroDragon thuộc loại nào và nhiệm vụ cụ thể của vệ tinh này là gì?
PGS Phạm Anh Tuấn: MicroDragon là vệ tinh quan sát trái đất, có trọng lượng 50kg, kích thước 50x50x50cm. Theo thiết kế, MicroDragon sẽ hoạt động trên quỹ đạo ít nhất là 1 năm và có thể kéo dài tới 2 năm.
Khi được phóng và hoạt động trong quỹ đạo, MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ... để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Ngoài ra, vệ tinh cũng sẽ thu tín hiệu từ các trạm quan trắc trên mặt đất sau đó truyền về trạm mặt đất để so sánh và hiệu chính dữ liệu.
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đặt nặng vấn đề ứng dụng, bởi MicroDragon là công cụ thực hành quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo về công nghệ vệ tinh cho các nghiên cứu viên Việt Nam tại Nhật Bản.
Ngoài ra, VNSC cũng đầu tư một trung tâm lắp ráp, thử nghiệm vệ tinh loại 50kg này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Qua đó, các kỹ sư tại Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động từ quá trình thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm vệ tinh 50kg sau này.
Phó Giáo sư Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
- Đã vượt qua nhiều thử nghiệm khắt khe, song ông có tin rằng MicroDragon sẽ hoạt động tốt khi ra ngoài không gian hay không?
PGS Phạm Anh Tuấn: (Cười). Ngay cả các quốc gia có nền công nghệ vũ trụ tiên tiến vẫn có thể xảy ra sai sót, nhưng tôi có niềm tin vào trình độ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam.
Bởi lẽ, ngoài việc học tập, họ còn có sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư và chuyên gia hàng đầu ngành công nghệ vũ trụ Nhật Bản của 5 trường đại học trong việc hướng dẫn, giám sát sinh viên.
- Xin ông chia sẻ lộ trình sắp tới trong việc hoàn thành sứ mệnh vệ tinh “Made in Vietnam” mà VNSC đã đặt ra?
PGS Phạm Anh Tuấn: Tiếp theo MicroDragon, theo kế hoạch chúng tôi sẽ tiếp tục làm vệ tinh LOTUSat-1 nặng hơn 500kg trong khoảng thời gian từ 2019-2023. Vệ tinh này vẫn sẽ được thực hiện ở Nhật Bản và sẽ có gần 60 lượt cán bộ kỹ thuật trình độ cao của VNSC sẽ tham gia toàn bộ quá trình như với MicroDragon.
- Xin cảm ơn phó giáo sư!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.