(HNM) -
Nhà nghiên cứu, soạn giả tuồng Mịch Quang. |
Buổi lễ do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức diễn ra trang trọng và xúc động với sự có mặt của nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang được đón từ TP Nha Trang ra, bên ông là những người bạn, đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, học trò uy tín.
Trong buổi lễ, ban tổ chức cũng đã kịp giới thiệu về bộ phim tài liệu "Mịch Quang - Bản giao hưởng dân tộc" và cuốn sách "Mịch Quang và Nghệ thuật dân tộc" vừa mới hoàn thành. Trong cả hai tác phẩm này đều cho người xem cái nhìn khái quát về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu và là tác giả sân khấu hàng đầu đất nước. Ở đó, có tiếng nói, sự ghi nhận, suy tôn của hầu hết những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tên tuổi như GS Vũ Khiêu, cố GS.TS Trần Văn Khê, GS Trần Bảng, GS.VS Hồ Sĩ Vinh, PGS Tất Thắng… có sự bày tỏ biết ơn từ những học trò là NSND Đàm Liên, Hoàng Trinh, Đoàn Thị Tình… Để sau đó, "Rất nhiều người vỡ lẽ rằng những khái niệm về nghệ thuật truyền thống dân tộc được sử dụng hàng chục năm nay là do Mịch Quang tổng kết", GS Hoàng Chương nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sinh ngày 1-5-1917 tại làng Phụng Sơn, Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định. Đất tuồng Tuy Phước, Bình Định là quê hương của Hậu tổ tuồng Đào Tấn vĩ đại, mà khắp các thôn, xã đều có đội hát tuồng. Từ nhỏ, Mịch Quang đã đắm mình trong những vở tuồng truyền thống quê hương. Sau ông tham gia kháng chiến, phục vụ trong đoàn tân nhạc rồi tự tìm đến các bậc thầy cải lương xin học, nghiên cứu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông tích lũy được vốn kiến thức về âm nhạc đặc trưng các vùng miền và tìm ra mối liên hệ giữa chúng trong âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật của ông được ghi dấu bằng tác phẩm: "Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng" (1963) - nghiên cứu lý luận đầu tiên về tuồng thời kỳ XHCN cũng là nghiên cứu đầu tiên về kịch hát dân tộc. Sau đó, ông lần lượt cho ra đời các công trình "Đặc trưng nghệ thuật tuồng" (1988), "Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc" (1995), "Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống" (1999), "Khơi nguồn mỹ học dân tộc" (2003). Trong đó, chính ông là người đã nêu ra lý thuyết "Tự sự kịch tính trữ tình", "Hiện thực tả ý", "Sân khấu tổng thể" trong nghệ thuật tuồng để môn nghệ thuật này dễ hiểu với cả người phương Tây. Lý thuyết "Cấu trúc động mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam" của ông được đánh giá là nhận định chính xác, mỹ cảm và khoa học của ông về âm nhạc truyền thống, khái quát đến độ GS.TS Miller và GS.TS Nguyễn Thuyết Phong đã đưa vào một thư mục quan trọng trong bộ môn dân tộc nhạc học để giảng dạy tại nhiều trường ĐH trên thế giới. Cố GS.TS Trần Văn Khê sau khi có được những tài liệu, nghiên cứu ông gửi đã công nhận ông là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc uyên thâm và sáng tạo, phục sự tóm tắt tài tình đặc sắc khí nhạc và thanh nhạc truyền thống Việt Nam chỉ trong một câu: "Đàn thì phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy". GS Vũ Khiêu gọi Mịch Quang là "Nhà triết học của sân khấu Việt Nam" bởi khả năng triết học hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong các nghiên cứu.
Nhưng Mịch Quang không chỉ là nhà nghiên cứu lỗi lạc, ông còn là tác gia lớn của sân khấu với các kịch bản có sức sống lâu bền của các đoàn nghệ thuật tuồng khắp mọi miền: "Má Tám", "Hộp truyền đơn", "Quang Trung", "Phất cờ nương tử", "Bà mẹ làng Sen" và nhất là vở "Thanh gươm hát bội" về Hậu tổ tuồng Đào Tấn được yêu quý mấy chục năm qua.
Mịch Quang là tấm gương bền bỉ lao động. Giờ ông ngồi trên xe lăn, sức khỏe yếu nhiều, cầm sách, cầm bút đã run rẩy nhưng người thân của ông kể, ngày nào ông thức dậy cũng bên bàn làm việc và đêm cũng từ đó rời lên giường. Ông chẳng giữ học hàm danh giá nào, chỉ tự phong cho mình "Hàm lão học sinh có được không?/Học mãi học hoài còn thấy dốt/Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong". Đến mức GS Vũ Khiêu xót ruột mà rằng: "Anh kém tôi một tuổi mà còn yếu hơn tôi. Hay anh dành thời gian học thiền cho sức khỏe khá hơn thì mới nghiên cứu tiếp được. Anh còn là tài sản của quốc gia, là chỗ dựa của nghệ thuật dân tộc". Mịch Quang rớm rớm nước mắt cảm ơn, còn trong giới chỉ mong ông mãi khỏe mạnh, tiếp tục cống hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.