au 4 tiếng nằm chạy thận, sự mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt bà Đinh Thị Bắc (73 tuổi, tỉnh Quảng Ninh) khi trở về xóm trọ. Hơn 13 năm sống chung với bệnh là chừng đó năm bà tá túc tại khu nhà trọ số 25, ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội.

Nhà trọ bệnh viện, từ lâu nay, đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội là những khu nhà bình dân nằm sâu trong các ngõ phố nhỏ chật chội, tồi tàn và xập xệ. Vây lấy những khu nhà trọ ấy là ngổn ngang muôn nỗi khó khăn, chất chồng bao niềm bất hạnh của cả người mang trọng bệnh và người thân của họ... Cuộc sống của họ ở cái nơi “cực chẳng đã” đó như quãng trầm của bản nhạc vốn hiếm hoi những giai điệu tươi vui, co lại ở những nhu cầu tối thiểu và lặng lẽ trôi chảy qua ngày.

Khu nhà trọ của bà Bắc cũng không nằm ngoài những hình dung ấy - nó xập xệ, được lợp bằng những tấm tôn mỏng, trời chưa nắng đã nóng, còn vừa mưa thì dột tứ tung này có giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng. Lối đi chung trong khu rộng chừng hơn một mét, được che chắn tạm bợ bằng những miếng xốp, nhựa… nhưng phải "cõng" thêm công năng là nơi nấu ăn, không gian sinh hoạt chung của các "cư dân" xóm trọ. Mỗi phòng bày ra một bộ bếp gas lẫn lỉnh kỉnh xoong nồi, tạo nên khung cảnh lộn xộn, chật chội tại lối đi chung.


“Biết là cảnh đun nấu thế này không an toàn gì, thế nhưng chúng tôi đâu còn lựa chọn nào khác..." - bà Bắc bùi ngùi tâm sự.

Không chỉ có nỗi ám ảnh về cháy nổ, đủ nguy cơ thiếu an toàn từ những khu nhà trọ không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thế này đang ngày ngày rình rập cuộc sống vốn đã kiệt quệ, mệt mỏi của người bệnh…

Cả tuần nay, cứ ngoài 2 giờ chiều, Dinh mới trở về phòng trọ. Công việc dọn dẹp, bưng bê, phục vụ tại quán cơm bình dân bắt đầu từ 6 giờ sáng khiến cô gái trẻ, dù đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu", thấm mệt. Dinh nhón chân bước khẽ qua phòng ngoài, nhẹ ngả lưng xuống giường kê sát vách tường bên trái của phòng trong. Chiếc giường rộng 1,2m, cao chưa quá 30cm, được ghép bằng gỗ tạp là nơi hai bố con Dinh đã ở suốt 2 tháng qua.

Dinh về thì cũng là lúc Thiên, chàng trai 25 tuổi, quê Vị Xuyên, Hà Giang, trở dậy sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Thiên cùng bố là ông Lộc Văn Sơn (52 tuổi) cũng chỉ đủ tiền để thuê một chiếc giường có kích thước tương tự trong phòng trọ. Cuộc sống của ông Sơn thay đổi quá nhiều kể từ tháng 4-2018 cùng căn bệnh u trực tràng giai đoạn 3. Ông nhập Bệnh viện K cơ sở Tân Triều ngày 14-5, đến ngày 7-6 thì tiến hành phẫu thuật và bắt đầu từ tháng 7 cho đến nay là liên tiếp các đợt truyền hoá chất.

Giữa việc đi đi về về hay tìm một nhà trọ giá rẻ để ở lại, ông buộc phải chọn phương án hai. Bởi rời Vị Xuyên, mỗi chuyến về căn phòng trọ đã xuống cấp và chật như nêm với ông không chỉ là sự mệt mỏi của ngày dài vạ vật trên xe khách mà còn bởi số tiền đi lại tốn mất 1,5 triệu đồng.

Phòng trọ với 6 giường, giá 80.000 đồng/giường/ngày đêm. Những người cùng phòng trọ thường trò chuyện, an ủi nhau lúc rảnh rỗi. Trong ảnh: Dinh (áo trắng bìa phải), ông Lộc Văn Sơn (áo trắng) ngồi cạnh cậu con trai Thiên.

"Với số tiền này hai bố con có thể trọ lại gần nửa tháng đấy. Riêng 2 đợt truyền đầu tiên đã hết 10 triệu rồi!" - ông Sơn lẩm nhẩm tính với con trai. Còn tổng số tiền đã chi khi từ khi mắc bệnh đến nay ông không thể nhớ hoặc không muốn nhớ vì là con số quá lớn so với kinh tế của gia đình.

Đối diện với Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là ngõ 97, thuộc Tổ dân phố số 14, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Trong ngõ, ngách nào cũng đầy rẫy nhà trọ. Nhưng phòng trọ giá rẻ, 80.000 đồng/giường/ngày đêm như nơi hai bố con ông Sơn đang thuê không còn nhiều. Nhiều gia chủ đã đầu tư sửa chữa, cải tạo nhà thành các phòng trọ khép kín, tiện nghi để thu được giá cao hơn, từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày. Mức giá ấy, với ông Sơn, chẳng khác gì những dãy núi đá tai mèo sừng sững ở Vị Xuyên, người sức yếu khó lòng vượt qua...

Với hai bố con ông Sầm Văn Báu (47 tuổi) và Sầm Thị Dinh, phòng trọ này cũng là lựa chọn duy nhất để trụ lại chữa bệnh. Suốt 2 tháng ròng, các đợt trị xạ kín đặc khiến họ chưa thể một lần về quê Tả Phời (Lào Cai), một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Ông Báu có 4 người con, Dinh là con lớn nhất nên được giao trọng trách về Thủ đô chăm bố. Ở tuổi mới lớn, phải ăn ở trong căn phòng tập thể đông người, với Dinh có nhiều bất tiện nhưng hai cha con cũng chẳng đủ tiền để thuê một chỗ tiện nghi hơn.

Từ lúc Dinh tranh thủ về nghỉ trưa, ông Báu ý tứ ra ghế ngoài cửa phòng ngồi, lặng lẽ chờ đến ca trị xạ của mình. Vài ngày nay, ca của ông được xếp vào khung từ 3-4 giờ sáng nên ban ngày rảnh rang, Dinh ra quán cơm bình dân ngoài cổng viện xin phụ việc cả sáng lẫn chiều. Tiền công chủ quán trả đủ để hai bố con thuê phòng mỗi ngày và thừa ra 20.000 đồng cho các chi tiêu lặt vặt. Thương con gái sớm phải dừng việc học để vừa chăm bố, vừa phụ việc vất vả, người đàn ông kiệm lời, trầm tính như ông Báu không dễ gì thể hiện bằng ngôn từ. Tất cả càng trĩu nặng trong tâm tư, với sự mệt nhọc sau mỗi đợt truyền hoá chất chữa căn bệnh ung thư vòm họng của ông được phát hiện cuối năm 2017.



Bệnh viện K trung ương là tuyến điều trị cuối cùng cho các bệnh nhân ung thư ở phía Bắc nên người bệnh từ các tỉnh, thành tập trung về rất đông. Ngoài cơ sở 1 ở phố Quán Sứ (Hoàn Kiếm), cơ sở 2 tại Tam Hiệp (Thanh Trì) và cơ sở Tân Triều luôn trong tình trạng quá tải, cả về máy móc, con người và khu nhà lưu trú. Để hỗ trợ bệnh nhân, Bệnh viện đã xây dựng và đưa vào hoạt động khu nhà lưu trú với giường rộng, có chăn màn, quạt trần, nước nóng lạnh, nhà vệ sinh, chủ yếu dành cho bệnh nhân thuộc các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do bệnh nhân quá đông, quy mô khu nhà chỉ có hơn 200 giường này như "muối bỏ bể"...



Trong lần thị sát bất ngờ đầu tháng 12-2016 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã không khỏi thảng thốt khi chứng kiến người nhà và bệnh nhân ngoại trú nằm, ngồi rải rác khắp hành lang, gầm cầu thang. Họ không thể thuê phòng trọ, để dành tiền để chữa bệnh và cho các chi phí phát sinh "khó nói". Bà Trần Thị Thiệu (51 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) là một trong những bệnh nhân đã từng sống như thế.

Sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u vú thực hiện từ đầu năm đến nay, bà Thiệu nhẩm tính đã tiêu tốn hơn 120 triệu đồng. Không có tiền thuê trọ, bà nằm vật vờ ngoài hành lang, dưới gầm cầu thang, đến bữa thì xin cơm từ thiện. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn xạ trị dài đằng đẵng, biết không thể duy trì cảnh sống lay lắt mãi được, người phụ nữ sức khoẻ đã suy kiệt này chẳng còn cách nào khác, vay mượn thêm chút tiền thuê chung một phòng trọ với hai bệnh nhân khác cũng đang điều trị tại Khoa Xạ II.


Khu nhà trọ ba người phụ nữ tá túc nằm sâu trong con ngõ 97 đường Cầu Bươu.

Căn phòng trọ chật chội, tồi tàn của ba người phụ nữ có chung kiểu tóc đã được cắt ngắn nằm trong ngõ 97 đường Cầu Bươu, ánh sáng chẳng khi nào lọt tới nơi. Phòng trọ chỉ đủ chỗ kê 2 chiếc giường, có lối đi lại phía ngoài và một nhà vệ sinh chung luôn bốc mùi hôi. Với những bệnh nhân nghèo như bà Thiệu thì thế đã là mãn nguyện, vì mức thuê rẻ: 2,5 triệu đồng/tháng cho 3 người ở ghép.

Ngồi thu mình nơi góc giường với một bên chân phải bị bó bột tới ngang bắp và khuôn mặt rầu rĩ là chị Phạm Thị Lụa (Thái Bình). Trong một lần đi bộ qua cầu vượt để sang bệnh viện trị xạ sau phẫu thuật cắt bỏ khối u vú, chị ngã gãy chân. Bệnh chồng bệnh, trước đây chị vẫn túc tắc tự phục vụ mình được thì nay lại phải nhờ hai vợ chồng con gái lên hỗ trợ. Căn phòng vì thế càng thêm chật.

"Tôi chỉ cầu trời cho các máy xạ hoạt động ổn định, chứ nếu có hỏng hóc, đợt xạ kéo dài cả mấy tháng thì cảnh sống trọ thế này chịu sao nổi!" - chị Lụa khẽ rên rỉ. Sức chịu đựng của những phận người kiệt quệ vì bệnh tật như chị được thử thách hết từ ngưỡng này đến ngưỡng khác…

"Đáng mừng là trong những năm gần đây, tại những hộ cho thuê trọ tại cổng chính Bệnh viện Nhi trung ương không xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự cũng như cháy nổ" - một chỉ huy Công an phường Láng Thượng cho biết. Với họ, đó là may mắn, vì tổng hoà tất cả những yếu tố về cơ sở vật chất lẫn tâm lý, thói quen, đặc tính sinh hoạt của người dân, nguy cơ cháy nổ có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

ại khu vực quanh cổng chính của Bệnh viện Nhi trung ương thuộc địa bàn quản lý của phường Láng Thượng, quận Đống Đa, có 12 hộ gia đình cho thuê trọ. Nhà diện tích nhỏ thì chỉ đủ chỗ cho 3-4 khách thuê. Nhà lớn hơn thì số phòng ngăn ra đủ để cả chục người ở.

Để quản lý số nhà trọ này, công an phường đã lập hồ sơ và phối hợp với cán bộ khu dân cư, tổ dân phố nhắc nhở chủ hộ thực hiện tốt việc khai báo lưu trú, tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ. Nhưng nhắc nhở, tuyên truyền là một chuyện, còn việc họ có thực hiện hay không lại thiếu các chế tài đủ mạnh để giám sát, xử lý.

Điều làm khó các lực lượng chức năng trong quản lý các khu nhà trọ, bảo đảm để "bà hoả" không "ghé thăm" chính là về mặt quản lý nhà nước, chưa quy định việc cho thuê trọ bình dân là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các nhà trọ này không phải tuân thủ các yêu cầu khắt khe về điều kiện phòng cháy chữa cháy như các quán karaoke hay quán bar, vũ trường... Hơn nữa, các nhà trọ này vốn xuất phát từ nhà của dân xây để ở, về sau thấy có thể cho thuê thì mới cải tạo hoặc chuyển công năng, nên ngay từ thiết kế thi công ban đầu, phần lớn các gia chủ không coi trọng các yếu tố bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ.

Khi điều chỉnh lại công năng thành nhà trọ, với tâm lý cho những người eo hẹp về tài chính thuê nên chủ nhà càng không muốn đầu tư, tốn kém thêm để thiết kế cửa thoát hiểm hay gia cố lại hệ thống điện, thậm chí mua vài chiếc bình bột chữa cháy tại chỗ…

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dễ cháy nổ, các nhà trọ bệnh viện còn đi kèm với nhiều thứ “không” khác, như không an toàn, không tiện nghi, không sạch sẽ... Đương nhiên, nếu khách trọ chỉ tranh thủ thuê phòng để tắm gội, thay đồ rồi ngả lưng dăm phút buổi trưa thì không gia chủ nào hỏi giấy tờ. Thậm chí, nhiều khách trọ ngủ qua một đêm hay nhiều đêm thì cả khách lẫn chủ đều sẵn sàng "bỏ qua" việc khai báo tạm trú tại công an sở tại. Chính vì vậy, nhiều vụ trộm cắp, trấn lột tài sản đã xảy ra tại những khu nhà trọ. Ngoài ra, môi trường đông người ở nhưng diện tích chật hẹp, thiếu vệ sinh tại những khu nhà trọ dễ biến nơi đây thành các "ổ bệnh" khi gặp các tác nhân lý tưởng.

Nhà trọ, thiếu an toàn là vậy - nhưng chưa khi nào ế khách. Xét trên nhiều khía cạnh, nhà trọ bệnh viện tồn tại, phát triển, tương hỗ với các bệnh viện tuyến cuối như điều tất yếu. Những nhà trọ bình dân, xập xệ chỉ trút bỏ được "công năng" đặc biệt của mình khi và chỉ khi các bệnh viện thôi không quá tải. Vậy nên, câu trả lời cho câu hỏi này lại phụ thuộc vào đáp án của một câu hỏi khác, mà có lẽ còn khó trả lời hơn gấp nhiều lần.


Ở quận trung tâm của Thủ đô, ngay chính nơi "tấc đất tấc kim cương", Bệnh viện Việt Đức từ nhiều tháng nay đã chia sẻ một phần diện tích của mình để dành tặng cho người nhà bệnh nhân món quà ý nghĩa. Bức tranh về nhà trọ bệnh viện đã xuất hiện những gam màu tươi vui...

Ông Đỗ Hữu Trung (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về nhà trọ ngủ sau một đêm trắng chăm sóc con gái tại Khoa chấn thương chỉnh hình. Nhớ lại những ngày đầu bước chân đến “chốn phồn hoa đô thị”, chỉ riêng việc tìm đường tới Bệnh viện Việt Đức với ông đã quá khó, chưa kể đến việc phải đi tìm khoa, phòng điều trị. Vừa lo cho bệnh tình của con, lại vừa không biết mình sẽ ăn ở, sinh hoạt ở đâu khiến ông cứ bồn chồn không yên. Khi chưa biết đi đâu, về đâu, ông Trung được một bệnh nhân nằm cạnh giường con gái rỉ tai về khu nhà trọ trong bệnh viện với giá rẻ chỉ 15.000 đồng/đêm. "Làm gì có nhà trọ giá rẻ đến thế giữa cái nơi mọi thứ đều đắt đỏ này?" - ông Trung khi đó đáp lại bởi trong đầu còn bán tín bán nghi.

Dù vậy, ông vẫn liều đi hỏi han thêm bởi cái lưng đau âm ỉ, cần một nơi để nghỉ gấp. Chuyện tưởng như mơ, một khu trọ đầy đủ tiện nghi nằm luôn trong khuôn viên bệnh viện. Do tuổi cao, con gái bệnh nặng nên ông nhanh chóng được các nhân viên tạo điều kiện nhận giường sớm. Cầm trên tay phiếu nhận giường, ông vẫn không tin vào mắt mình bởi cái giá in trên phiếu đúng là 15.000 đồng/đêm. Khu nhà trọ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, được đảm bảo an ninh, gần ngay nơi con gái ông điều trị - đúng là chỉ có “trong mơ”!

Không chỉ ông Trung, những người đã từng trọ như ông Nguyễn Văn Toàn (57 tuổi, tỉnh Ninh Bình) sau 8 ngày ở tại khu trọ đang hoàn tất thủ tục thanh toán với số tiền 120.000 đồng để ra viện phấn khởi đánh giá: “Nhà trọ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, có nhân viên bảo vệ nên tôi rất yên tâm. Những nhà trọ như này là quá tốt với người có hoàn cảnh như chúng tôi. Nhờ có nó, chúng tôi không phải lo lắng về chỗ ăn ở, sinh hoạt và tiết kiệm được một khoản tiền lớn”.


Ảnh lớn: Khu nhà trọ giá rẻ tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh nhỏ dưới: Ông Đỗ Hữu Trung (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Nhà trọ trong Bệnh viện Việt Đức không chỉ đơn thuần là chỗ dừng chân tạm của người nhà các bệnh nhân mà còn chan chứa tình người. Chị Nguyễn Thị Mai (37 tuổi, tỉnh Hòa Bình, đã ở khu trọ được 3 ngày) vẫn nhớ như in sự niềm nở, nhiệt tình của các nhân viên và mọi người tại khu trọ trong ngày đầu đăng ký nhận giường. Mọi người trong khu trọ coi nhau như một gia đình, giúp đỡ nhau từng việc nhỏ. Ai nấy cũng chung một hoàn cảnh nên dễ thấu hiểu nhau, nhường nhịn, sẻ chia nhau từng miếng bánh, vật dụng sinh hoạt hằng ngày… Bên cạnh đó, các nhân viên trong khu trọ rất tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện để mọi người có cuộc sống thoải mái nhất. Ngoài việc đảm bảo vệ sinh, an ninh, những lúc rảnh rỗi, các nhân viên còn chỉ dạy mọi người cách thoát thân, sử dụng bình chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn, hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân...

Chị Phạm Thu Hiền (một trong 6 nhân viên phục vụ tại nhà trọ) chia sẻ: “Tôi làm việc tại khu trọ từ ngày đầu đi vào hoạt động. Công việc này như ‘làm dâu trăm họ’, cũng vất vả, nhưng tôi thấy rất vui khi mình đã góp một phần công sức giúp đỡ những người bệnh có hoản cảnh khó khăn”.

Từ tình cảm thân thương mà mọi người dành cho nhau, khu trọ luôn đầy ắp tiếng cười. Mọi người trong khu trọ có chung tâm niệm: “Niềm nở với người đến, vui mừng với người đi”.


Khu nhà trọ còn hỗ trợ những suất cháo dinh dưỡng miễn phí vào mỗi buổi chiều để phục vụ người nhà bệnh nhân, được bảo vệ nghiêm ngặt và được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Ít ai biết rằng, để xây dựng nhà trọ giá rẻ nằm trên khu “đất vàng”, các cán bộ, nhân viên, bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức cũng phải chịu một phần thiệt thòi. Dãy nhà trọ trước kia là khu để xe của cán bộ, nhân viên, bác sỹ. Khi có kế hoạch xây dựng nhà trọ, 100% cán bộ, nhân viên, bác sỹ của bệnh viện đã đồng tình nhường chỗ. Nhường chỗ đồng nghĩa mọi người phải đi gửi xe tại một điểm khác, chuyển phương tiện di chuyển từ ôtô sang xe máy hoặc đi xe công cộng để giảm chi phí… Mặc dù có bất tiện, vất vả trong việc đi lại, nhưng ai cũng vui vẻ tìm hướng khắc phục và không một lời phàn nàn.

Ngoài khu “đất vàng”, số tiền bệnh viện phải chi để xây dựng khu nhà trọ rất lớn, chưa kể kinh phí trùng tu, điện nước, nhân viên phục vụ… Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề mà bệnh viện quan tâm là khu trọ sẽ hỗ trợ được bao nhiêu người và mọi người liệu có hài lòng?

"Riêng số tiền trả lương cho 6 nhân viên làm việc, điện nước tại khu trọ đã khá lớn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì, với tâm, đức của nghề y. Nếu được các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị hỗ trợ, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình nhà trọ giá rẻ này" - Thạc sĩ Hoàng Anh Toàn, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Từ niềm vui, sự cảm động của những người ở trọ, có thể thấy, khu nhà trọ giá rẻ của Bệnh viện Việt Đức không chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ ăn ở, sinh hoạt, mà còn giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người bệnh, để các bệnh nhân có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật. Từ những khu nhà trọ xập xệ, thiếu an toàn phổ biến khắp các bệnh viện của Thủ đô, khu nhà trọ giá rẻ tại Bệnh viện Việt Đức là một mẫu điển hình mà hàng ngàn bệnh nhân nghèo luôn mong chờ được trú chân.


Bài và ảnh: Triệu Hoa, Quang Thái