ách đây hơn 60 năm, người dân thôn Quán La xã (xã Xuân La, thuộc quận V, ngoại thành Hà Nội) đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành, khi đó là Thủ tướng, về thăm. Tại cuộc gặp gỡ thân tình ấy, người dân trong thôn đã tặng Thủ tướng một bó lúa vàng, gửi gắm niềm tin vào những mùa vàng hữu nghị vững bền giữa nhân dân hai nước.

Và năm 2019 đánh dấu thêm một mốc son trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước: Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên. Chính mối quan hệ gần gũi, lâu bền cùng sự tin cậy dành cho Việt Nam đã góp phần để Thủ đô Hà Nội trở thành nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai vừa qua.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được khởi nguồn từ rất sớm. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vào ngày 30-1-1950. Và điều đáng trân trọng là ngay từ những ngày đầu, mối quan hệ hữu nghị Việt - Triều đã liên tục được nuôi dưỡng, bồi đắp bởi chính hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Sau dấu mốc 1950, mối quan hệ giữa hai nước được tăng cường khi Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm hữu nghị Triều Tiên từ ngày 8 đến 12-7-1957. Ngày ấy, người dân Thủ đô Bình Nhưỡng đã dành cho Đoàn Chính phủ Việt Nam sự đón chào nồng nhiệt, trọng thị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Kim Nhật Thành, khi đó là Thủ tướng, đã cùng tham dự cuộc míttinh trọng thể của nhân dân Thủ đô Bình Nhưỡng, chào mừng chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Hơn một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 27-11-1958 đến 2-12-1958. Thời điểm đó, miền Bắc nước ta đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong số các địa điểm mà Thủ tướng Kim Nhật Thành tới thăm có Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà máy dệt Nam Định và thôn Quán La xã (xã Xuân La, thuộc quận V, ngoại thành Hà Nội).

Trong chuyến thăm đầu tiên ấy của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ấn tượng tuyệt vời nhất đọng lại với mỗi người dân Việt Nam là nụ cười rạng rỡ, sự thắm thiết chân tình của hai vị lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kim Nhật Thành khi gặp lại nhau với những cái ôm hôn, nắm tay thật chặt. Một tình đồng chí, bạn bè thật nồng ấm...

Người dân Thủ đô chào đón đoàn xe chở Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành, sang thăm Việt Nam năm 1958, trong sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu

Trong chuyến thăm Việt Nam năm ấy, Thủ tướng Kim Nhật Thành đã đi bằng tàu hỏa qua Trung Quốc tới Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), rồi lên máy bay để tới Hà Nội.

Hơn 60 năm sau, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lại khởi hành giống người ông nội của mình năm xưa, chọn phương tiện tới Việt Nam bằng tàu hỏa. Chỉ khác, Chủ tịch Kim Jong-un đã đi trọn chặng đường hơn 4.500 km từ Triều Tiên tới Việt Nam bằng tàu. Ngày 26-2-2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội.

Những nơi người ông của Chủ tịch Kim Jong-un ngày xưa từng ghé thăm ở Việt Nam, sau hơn 60 năm, đã có quá nhiều thay đổi. Ở Hà Nội, thôn Quán La xã, xã Xuân La năm xưa nay đã lên phường, những căn nhà lá, vách đất giờ đã thành nhà cao tầng, đường phố khang trang, rộng đẹp... Nhưng những cây cổ thụ trong xã vẫn được lưu giữ, che bóng mát sân đình như ngày Bác Hồ và Chủ tịch Kim Nhật Thành về thăm. Đặc biệt, những món quà mà Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng nhân dân trong xã, những bức hình chụp ông cùng với nhân dân năm đó, và trên hết là những ký ức năm xưa vẫn được người dân trong xã gìn giữ, nâng niu cẩn thận đến tận hôm nay... Đó là những minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, dù trải qua biến thiên của thời gian, mãi vẫn là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống bền lâu.

Đó là tiêu đề bài viết được đăng trên báo Thủ đô (tiền thân của Báo Hànộimới ngày nay) số ra thứ tư, ngày 3-12-1958 - ngày Đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên do Thủ tướng Kim Nhật Thành dẫn đầu vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam.

gày ấy, số lượng ấn phẩm báo chí không nhiều. Và Thủ đô là một trong số ít tờ báo hằng ngày khi đó, cùng với Nhân dân, Quân đội nhân dân. Nên khi lần giở lại những trang báo năm xưa nay đã ố vàng, lớp phóng viên Báo Hànộimới chúng tôi hôm nay vô cùng xúc động, kèm theo niềm vinh dự khi tờ Báo Hànộimới hơn 60 năm về trước, đã ghi chép lại rất cẩn thận những khoảnh khắc đẹp của mối quan hệ giữa hai nước bằng những tin, bài, hình ảnh vô cùng sinh động, gần gũi.

“Nhớ bạn Triều Tiên - buổi chiều vàng hữu nghị” do nhà báo Nguyễn Hải viết. Bài báo là câu chuyện kể lại chuyến thăm của Thủ tướng Kim Nhật Thành tới hợp tác xã nông nghiệp thôn Quán La xã (xã Xuân La), thôn đầu tiên đã hoàn thành hợp tác hóa ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ. Bài viết như một lời chia tay gửi tới đoàn đại biểu Triều Tiên vừa lên đường về nước.

Bài viết mở đầu với những câu chữ dung dị, tràn đầy tình thân và sự lưu luyến: “'Chúc các bạn giành được thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn - Kim Nhật Thành'. Trên trang đầu quyển sổ vàng của hợp tác xã nông nghiệp thôn Quán La xã (xã Xuân La), thôn đầu tiên đã hoàn thành hợp tác hóa ở ngoại thành, Thủ tướng Kim Nhật Thành về thăm đã ghi lưu niệm những lời quý báu. Hôm nay, hàng ngàn bà con Xuân La, hàng vạn bà con nông dân ngoại thành, theo dõi tin tức tiễn chào đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên rời Tổ quốc chúng ta, không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm chân tình, chí thiết của đồng ruộng, làng quê ngoại thành với các bạn Triều Tiên”.


Bài "Nhớ bạn Triều Tiên - Buổi chiều vàng hữu nghị" đăng trên tờ Thủ đô, số ra ngày 3-12-1958.

Với người dân thôn Quán La xã thời điểm đó, những kỷ niệm về chuyến thăm thôn của nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn còn lâng lâng cảm xúc. Với người đọc hôm nay, khi đọc những dòng tin năm nào, chuyến thăm ấy như hiện rõ mồn một ngay trước mắt:

“Thủ tướng Kim Nhật Thành cùng Đoàn đại biểu về thăm thôn Quán La xã, đi trên đường đồng nhỏ hai bên ruộng mùa đã gặt. Nắng chiều vàng rực rỡ, chiều vàng óng mượt của đồng quê chúng ta càng đẹp thêm vì đương giữa mùa màng. Hương thơm thoang thoảng của lúa chín tới xen lẫn mùi hăng hắc nhè nhẹ của rạ mới ngả, tạo thành một hương vị đặc biệt của ngày mùa. Trước hết, Thủ tướng Kim Nhật Thành đi thẳng tới những thửa ruộng đang gặt dở. Anh chị em nông dân cùng học sinh Chu Văn An đang thoăn thoắt tay liềm tay hái dưới ruộng, cùng ngẩng lên giơ cao những lượm lúa vừa gặt, hoan hô đoàn đại biểu. Một chị nông dân chạy tới sát bờ ruộng tặng Thủ tướng một bó lúa trĩu hạt của vụ mùa thắng lợi, Thủ tướng cười tươi: “Cố gắng nữa lên nhé!” và Người quay sang nói với anh chị em học sinh đang đẫm mồ hôi dưới ruộng: “Lao động và giáo dục kết hợp với nhau như thế là rất tốt!”.

Thủ tướng vào thôn đi trên những con đường lát gạch rợp bóng tre xanh. Người dừng lại lâu trước một cây đa lớn. Cây đa đã già, ruột rỗng, những năm địch khủng bố ác liệt, cán bộ ta vẫn lấy cây đa đó làm hầm trú ẩn, ngày đêm sống sát nhân dân, cùng nhân dân chống giặc giữ làng. Địch định nổ mìn phá hủy cây đa đó nhưng toàn dân làng đều tranh giữ được. Các cụ già nói: “Hãy giết cả làng chúng tôi đi rồi hãy triệt cây đa vì cây đa không còn nữa thì “cộng” chúng tôi cũng không sống được! Thế là địch chịu, nhưng một góc nhỏ cũng đã bị chúng nổ mìn, nay vẫn còn những vết phá nham nhở. Nghe giới thiệu thành tích của cây đa kháng chiến, Thủ tướng thoáng một vẻ suy nghĩ và quay lại nhìn nét mặt của các cán bộ và đại biểu nhân dân thôn, xã đi theo. Vừa qua, về thăm Quán La xã, Hồ Chủ tịch cũng dừng lại đây lâu và căn dặn cần phải bảo vệ cây đa đó.


Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm thôn Quán La xã năm 1958. Ảnh tư liệu.

Đoàn đại biểu vào một nhà gạch năm gian, trong sân rộng đang rào rào tiếng đập lúa. Những bó lúa giơ cao, giáng mạnh xuống cối đá, những bông lúa vàng mẩy hạt rụng rào rào xuống sân gạch. Vui thích, nữ đồng chí Phác Chính Ái đã vén tay áo tập đập lúa xay lúa và hỏi chị em về cách giàn gạo, sàng gạo. Đồng chí vừa lao động, vừa cười tươi: “Bây giờ tôi đã là nông dân Việt Nam”. Thủ tướng Kim Nhật Thành cũng đứng xem lâu, Thủ tướng quan sát kỹ động tác đập lúa của nông dân ta rồi nhấc lên tay từng bông lúa; cuối cùng giữ lấy một bông và quay lại nói với đồng chí bí thư chi bộ xã: “Hảo” (Tốt).

(.......)

Và, với tất cả nhiệt tình trân trọng mến yêu khách quý, nông dân ta trao tặng Thủ tướng và Đoàn đại biểu những sản phẩm của đồng ruộng làng quê Việt Nam: lượm lúa vàng, cây quất sai quả, chiếc làn mây, chậu hoa cúc vàng, quả bí to, chiếc nón lá...

Giờ đây, Thủ tướng Kim Nhật Thành cùng Đoàn đại biểu đã rời xa đất nước chúng ta nhưng hình ảnh thân thiết của các đại biểu dân tộc Triều Tiên anh hùng sống mãi trong lòng nông dân ngoại thành, trong lòng nhân dân Việt Nam quý bạn. Nông dân ngoại thành mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm đằm thắm trong buổi chiều vàng hữu nghị, Thủ tướng và đoàn đại biểu đã về thăm Xuân La; mãi mãi ghi nhớ buổi chiều vàng rực rỡ, ngày hội rợp bóng cờ Triều Tiên - Việt Nam, dưới bóng tre làng trong hương thơm lúa chín ngày mùa của đồng ruộng Việt Nam”.


Những tin, bài về chuyến thăm của Thủ tướng Kim Nhật Thành được đăng tải trên báo Thủ đô năm 1958.

Cùng với bài ghi chép ấy, trong suốt những ngày Đoàn Triều Tiên thăm Việt Nam, thông tin về các hoạt động của chuyến thăm đều được Báo Thủ đô đăng tải trang trọng: Các đồng chí Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hội đàm với các đồng chí Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên hội đàm với Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam; Tuyên bố chung của Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đến viếng mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Mai Dịch; Đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên thăm Trường sĩ quan lục quân Việt Nam; Báo chí Triều Tiên chúc mừng tình hữu nghị Việt - Triều; Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đã lên đường về nước; Hà Nội tặng Bình Nhưỡng một bức trướng “Chúc nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng kiến thiết thắng lợi”...

Đặc biệt, để chào mừng chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên, ngày đó, thủ đô Hà Nội đã phát động một phong trào thi đua yêu nước, tham gia lao động kiến thiết thành phố vô cùng sôi nổi với nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng. Ngày 30-11-1958, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, thay mặt nhân dân Thủ đô đã đọc bức thư hứa hẹn thi đua với nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng. Bức thư có đoạn:

“….Trong cuộc mít tinh ngày 28-11 để chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên do Thủ tướng Kim Nhật Thành dẫn đầu sang thăm nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với nhân dân thủ đô Hà Nội và nhân dân Việt Nam thi đua với nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng và nhân dân Triều Tiên trong phong trào kiến thiết chủ nghĩa xã hội.

Chúng tôi đã hứa trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành: “Ra sức thi đua lao động kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội tươi vui và phồn thịnh”.

Chúng tôi được biết rằng, nhân dân Thủ đô Bình Nhưỡng đang lao động quên mình, ngày đêm xây dựng với tốc độ nhảy vọt như cưỡi trên mình ngựa phi nghìn dặm. Những thành tích của các đồng chí đã động viên chúng tôi ra sức kiến thiết.

Tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đang xây dựng nhà máy, các hệ thống thuỷ nông ngoại thành, các khu lao động, các công viên và nhiều công trình lợi ích công cộng.

Hôm nay, 30-11-1958, nhân ngày phát động phong trào lao động kiến thiết thủ đô, chúng tôi phấn khởi và quyết tâm giữ lời hứa thi đua với nhân dân thủ đô Bình Nhưỡng.

Nhân dân hai thủ đô chúng ta cùng ra sức kiến thiết và cùng kiên quyết phấn đấu cho Tổ quốc thân yêu mau thống nhất.

Chúng ta sẽ cùng nhau báo cáo thành tích, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cùng học tập lẫn nhau…”.

Thông tin về buổi lễ phát động thi đua và các tin tức về việc hưởng ứng thi đua của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã được tờ Thủ đô phản ánh đầy đủ trên mặt báo.

Thông tin về buổi lễ phát động thi đua và các tin tức về việc hưởng ứng thi đua của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã được tờ Thủ đô phản ánh đầy đủ trên mặt báo, với các tít tin như: Hà Nội - Bình Nhưỡng thi đua lao động kiến thiết chủ nghĩa xã hội; 5.000 đại biểu nhân dân thủ đô dự khai mạc khởi công xây dựng Công viên Bẩy Mẫu; Cổ Ngư, Bắc - Hưng - Hải: Tuần lễ lao động Việt - Triều hữu nghị; Các đảng viên Đảng xã hội ở Hà Nội tham gia lao động xã hội chủ nghĩa...

Còn thôn Quán La xã, xã Xuân La niềm cảm hứng cho bài viết trên Báo Hànộimới thời đó về chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Kim Nhật Thành, sau này đã đi vào lịch sử của mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Triều Tiên với một dấu ấn vô cùng đặc biệt: Được Thủ tướng Kim Nhật Thành tới thăm lần thứ hai, trong chuyến thăm không chính thức của ông tới Việt Nam sau đó vào năm 1964.

Trở lại xã Xuân La xưa (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ) sau ngày Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân tới Hà Nội, câu chuyện rôm rả nhất của người dân lúc này chính là những ký ức Triều Tiên năm nào. Hai lần được đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành về thăm - đó là niềm vinh dự, tự hào không làng quê nào ở Hà Nội có được.

Xuân La những ngày này rực sắc cờ hoa chào đón chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Câu chuyện về hai lần đón nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm cách đây hơn nửa thế kỷ được nhân dân địa phương kể lại rất đỗi tự hào.

Bà Nguyễn Thị Mầu, năm nay đã 76 tuổi, nhớ lại: “Ngày ấy, tôi là một đảng viên mới ngoài 20 tuổi, dạy ở trường mầm non của xã. Tôi được tổ chức phân công tặng hoa cho đoàn cán bộ về thăm địa phương. Chỉ bấy nhiêu thông tin cũng đủ để tôi hồi hộp và lo lắng làm sao hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi đoàn cán bộ đến, tôi mới biết mình và một người nữa được tặng hoa Bác Hồ và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành…”. Niềm vinh dự ấy, dù đã qua khá lâu nhưng vẫn đang được bà Mầu kể lại cho con cháu để nhắc nhớ về thời tuổi trẻ và về mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam - Triều Tiên.

Cuốn "Lịch sử truyền thống và cách mạng phường Xuân La" ghi rõ: Ngày 23-11-1958, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Quán La (một thôn của Xuân La) khi vừa chuyển đổi thành công từ tổ đổi công lên hợp tác xã nông nghiệp. Chứng kiến hợp tác xã cấp thấp thí điểm đầu tiên của huyện ngoại thành làm ăn tiến bộ, phát triển nên Bác Hồ đã trao đổi với phía Triều Tiên mời bạn về thăm.

Cũng trong năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Kim Nhật Thành và đoàn đại biểu Triều Tiên đã đến thăm xã Xuân La. Thủ tướng Kim Nhật Thành, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí trong Đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên đã lần lượt đi thăm các nơi làm việc của hợp tác xã Quán La… Bí thư Chi bộ thôn Quán La Hoàng Kim Nhì thay mặt nhân dân trong xã đã hứa với Thủ tướng sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ngày càng phát triển và cố gắng thực hiện vượt mức kế hoạch vụ sản xuất Đông - Xuân.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm lớp mẫu giáo (ảnh trái) và xem sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị. Ảnh tư liệu.

Tháng 6-1959, Hợp tác xã nông nghiệp Quán La kết nghĩa với một hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành thủ đô Bình Nhưỡng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và đổi tên là Hợp tác xã Việt - Triều. Đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi “thôn Việt - Triều” mà nhiều người vẫn dành để gọi chung cho tổ dân phố Quán La.

Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong khoảng thời gian từ 1958-1964, Triều Tiên đã tặng cho Hợp tác xã Việt - Triều một xe ô tô tải 2,5 tấn, 1 máy bơm nước, 1 đầu máy kéo, 1 máy thái bèo cho trại chăn nuôi.

Đến ngày 23-11-1964, Thủ tướng Kim Nhật Thành sang Việt Nam và về thăm lại hợp tác xã Việt - Triều lần thứ hai. Sau khi làm việc tại trụ sở hợp tác xã, Thủ tướng Kim Nhật Thành đã ra sân đình nói chuyện với bà con, thăm lớp mẫu giáo, thăm trại chăn nuôi…


Trân trọng những kỷ niệm năm xưa nên nơi từng được đón Bác Hồ và Thủ tướng Kim Nhật Thành về thăm nay đã được cán bộ, nhân dân phường Xuân La xây dựng thành khu lưu niệm. Ông Nguyễn Văn Ngư, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 5, phường Xuân La, người đang trông coi khu di tích cho biết, nơi đây không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa cho nhân dân, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.

Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Việt - Triều Trương Đức Phổ cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa hợp tác xã phát triển, xứng đáng từng được đón Bác Hồ và Thủ tướng Kim Nhật Thành đến thăm, Ban lãnh đạo hợp tác xã đã chuyển đổi thành công mục tiêu kinh doanh. Nếu như trước kia, Hợp tác xã Việt - Triều là hợp tác xã thuần nông thì nay đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ tổng hợp, làm ăn hiệu quả và chăm lo tốt đời sống cho người lao động. 100% người lao động được đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho lao động trẻ đi học đầy đủ. Hình ảnh của Bác Hồ và Thủ tướng Kim Nhật Thành trong những lần về thăm hợp tác xã vẫn đang được treo trang trọng tại trụ sở làm việc để các thành viên tự răn mình không được quên sự giúp đỡ của các bạn Triều Tiên”.

Ông Trương Đức Phổ cho biết thêm, mối quan hệ giữa Hợp tác xã Việt - Triều nhiều năm qua vẫn được duy trì khăng khít. Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên vẫn mời lãnh đạo Hợp tác xã hai nước gặp mặt, giao lưu. Đại sứ quán Triều Tiên vẫn về thăm Xuân La, thăm những địa điểm mà nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành từng đến như nhà trẻ, sân đình và thu thập tài liệu liên quan đến các lần gặp gỡ.

Cùng với sự đi lên của Hợp tác xã Việt - Triều nói riêng, phường Xuân La cũng có những bước khởi sắc về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2018, phường Xuân La được UBND thành phố tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.

Không ồn ào, không phô trương, nhưng cách làm của người dân phường Xuân La dành cho những kỷ niệm liên quan đến Bác Hồ và Chủ tịch Kim Nhật Thành đang là hành động thiết thực nhất để vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước.

“Chúng tôi mong muốn, cán bộ, nhân dân phường Xuân La sẽ lại được đón lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên về thăm như năm nào, và hy vọng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Triều Tiên sẽ được thắt chặt bền vững hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Chiều 27-2-2019, ở ngôi trường mang tên Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị, cô và trò nhà trường đang tất bật, háo hức với việc trang trí trường, lớp thật đẹp, tập đi tập lại những bài hát ca ngợi đất nước và tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên... Cả cô và trò nhà trường đều mong muốn sẽ được đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ghé thăm trường trong dịp ông sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

rong số hàng nghìn ngôi trường của Hà Nội, Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị là một ngôi trường khá đặc biệt: được coi là một trong những minh chứng, dấu ấn đẹp và tự hào của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam, Triều Tiên trong nhiều năm qua.

Lịch sử hình thành và phát triển của Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị, minh chứng cho tình hữu nghị Việt – Triều vượt thời gian, không gian, một lần nữa được tái hiện qua lời kể của Nhà giáo ưu tú Ngô Thị Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường.

Năm 1978, Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị được xây dựng bằng nguồn viện trợ của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tại phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) với quy mô 4 lớp, 120 bé. Sự hỗ trợ của nước bạn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đã giúp nhiều trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội có một môi trường chăm sóc, giáo dục tốt. Với sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ hai nước, phát huy truyền thống của ngành Giáo dục Thủ đô, tập thể giáo viên, học sinh nhà trường đã nỗ lực cố gắng xây dựng ngôi trường ngày càng phát triển. Nhà trường đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (năm 2018). Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị còn là một trong số ít trường học của Thủ đô được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, là điểm sáng của giáo dục mầm non Thủ đô trong nhiều năm qua.


Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Hà chia sẻ, sự quan tâm, hỗ trợ, động viên thường xuyên của các bạn Triều Tiên về cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc, giáo dục trẻ và kinh nghiệm về phát triển giáo dục mầm non, đã giúp Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị góp phần khẳng định những nỗ lực trong việc xây dựng, giữ gìn, phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hòa bình của hai nước Việt Nam - Triều Tiên.

Hiện nay, nhà trường có 17 lớp học với gần 500 bé ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Đáng chú ý, ngoài các chuyên đề, hoạt động giáo dục theo chương trình chung của ngành Giáo dục, các bé còn thường xuyên được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Triều Tiên. Các bé được dạy làm các món ăn, mặc trang phục truyền thống, tập hát một số ca khúc truyền thống và ca khúc thiếu nhi... của nước bạn. Đặc biệt, tất cả giáo viên, học sinh của trường đều có thể hát được bài “Arirang” (hay còn gọi là A Lý Lang) - một bài hát dân ca khá nổi tiếng của Triều Tiên.

41 năm qua, nhà trường luôn giữ vững mối quan hệ gắn bó, mật thiết với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Nhiều phái đoàn của nước bạn mỗi dịp sang Việt Nam đều ghé thăm cô và trò nhà trường. Hai bên cũng thường xuyên có hoạt động giao lưu, trao đổi về văn hóa, giáo dục... Điều đặc biệt trong ngôi trường này là sự hiện hiện của lớp mẫu giáo mang tên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Đây là dấu ấn sau chuyến thăm của đoàn đại biểu Triều Tiên tới trường nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giáo dục mầm non vào năm 2012.

Cô giáo Phạm Thị Hoa Lê, lớp mẫu giáo Kim Nhật Thành cho biết, ngay từ những ngày đầu tiên nhập trường, các bé của lớp mẫu giáo Kim Nhật Thành nói riêng và tất cả các bé của Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị nói chung đều được nghe kể về lịch sử hình thành và nguồn gốc tên gọi của trường, của lớp. Sau này, trong những dịp khai giảng, các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các bé thường xuyên được nghe các cô giáo nói về ý nghĩa, tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên, về sự hỗ trợ của nước bạn Triều Tiên trong những ngày còn khó khăn để góp phần có được một ngôi trường khang trang như hiện nay... Hiện nhà trường còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về tình đoàn kết giữa hai nước như đồ chơi vòng quay ngựa mang tên “Thiên lý mã”, cây đàn piano do đoàn đại biểu Triều Tiên tặng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành...

Những ngày này, ở lớp mẫu giáo Kim Nhật Thành, các bé xúng xính trong trang phục truyền thống của Việt Nam và Triều Tiên đang háo hức với việc trang trí lớp học, dán cờ lên má, tập nói những câu giao tiếp đơn giản, tập văn nghệ... Những ca khúc về tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và Triều Tiên được cô và trò cùng ngân vang...

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu là con thứ 7 trong gia đình 9 anh chị em. Cha ông là nhà khoa học, chính khách nổi tiếng Nguyễn Xiển. Nhà báo Nguyễn Lưu có nhiều tình cảm tốt đẹp với đất nước, con người Triều Tiên không chỉ bởi vì cha ông từng có kỷ niệm với đất nước này, mà bản thân ông cũng có nhiều quan hệ trực tiếp với nước bạn.

“Vào năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Triều Tiên sang thăm Việt Nam. Người dẫn đầu lúc bấy giờ là Thủ tướng Kim Nhật Thành và Thủ tướng Kim đã tặng cho Việt Nam 10 hộp sâm quý với ý nghĩa truyền thêm sức mạnh, tinh thần chiến đấu cho nhân dân Việt Nam đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Bố tôi - GS Nguyễn Xiển là một trong 10 người được nhận món quà quý ấy.

Sau này, mỗi lần nhắc lại tình cảm với Triều Tiên, bố tôi vẫn rất xúc động, tự hào. Ký ức đẹp của cha đã truyền sang cho tôi, lúc đó là cậu học sinh vừa 17 tuổi, và thôi thúc tôi sau này phải tìm hiểu kỹ hơn về đất nước, con người Triều Tiên. Khi đã hiểu hơn về truyền thống văn hóa, nghệ thuật, thể thao của nước bạn, tôi càng thêm yêu quý và trân trọng đất nước, con người Triều Tiên. Họ là một dân tộc có ý chí kiên cường và quyết tâm cao, rất đáng để chúng ta học hỏi”, nhà báo Nguyễn Lưu mở đầu câu chuyện bằng ký ức đẹp về người cha của mình.

Theo nhà báo Nguyễn Lưu, trong quá khứ, Việt Nam và Triều Tiên có hoàn cảnh tương đối giống nhau là bị chia cắt bởi chiến tranh. Dù còn nhiều thiếu thốn, hai dân tộc vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền. Từ những năm 1950 - 1957, dù hai nước đều gặp khó khăn vì chiến tranh, nhưng tinh thần “tương thân tương ái” luôn được duy trì. Khi thì Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên, lúc thì Triều Tiên giúp đỡ Việt Nam, không chỉ về quân tư trang, mà còn cả về con người…

“Khi nhìn lại quá khứ, chúng ta vẫn luôn cảm kích tình cảm chân thành, hết mình của người Triều Tiên. Tinh thần “nhường cơm sẻ áo” trong lúc khó khăn là nền tảng để thắt chặt thêm mối quan hệ sâu đậm của hai nước sau này”, ông Nguyễn Lưu bày tỏ.

Theo nhà báo Nguyễn Lưu, tính cách của người Triều Tiên và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, đó là sức mạnh nội tâm và ý chí chiến đấu, là quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết hướng tới mục tiêu chung. Đây là nét tính cách được tôi rèn trong gian khó.

Đến nay, người Triều Tiên, dù sống ở đất nước nhỏ bé, nhưng nét tính cách ấy vẫn được thể hiện rõ nét. Đó là lý do, ở nhiều lĩnh vực, từ thể thao đến nghệ thuật, người Triều Tiên luôn có những thành tích đáng nể.


Ảnh tư liệu

Là người theo sát hoạt động thể thao của Triều Tiên, ông Nguyễn Lưu cho biết, Triều Tiên có nhiều nhà vô địch thế giới, luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng huy chương Olympic. Ở môn bóng đá nam, trước khi dự World Cup 2010 tại Nam Phi, các cầu thủ Triều Tiên đã gây chấn động lớn khi đánh bại Italia với bàn thắng duy nhất tại World Cup 1966 để vào tới tứ kết. Ở bộ môn cử tạ, Triều Tiên đang là cường quốc hàng đầu thế giới. Từ những năm 1966, Triều Tiên đã xây dựng sân vận động thể thao lớn nhất thế giới.

Nhà báo Nguyễn Lưu cũng cho biết, trong lĩnh vực thể thao, Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo những cán bộ ở các bộ môn: judo, thể dục, điền kinh, bóng chuyền, nổi bật nhất là bóng bàn. Nhiều huấn luyện viên và vận động viên bóng bàn nổi tiếng của Việt Nam đã trưởng thành từ “nôi đào tạo” Triều Tiên, ví như các danh thủ Tạ Đình Khoa, Nguyễn Trọng Phúc, Nguyễn Danh Thái, Vũ Thị Nô En, Lê Xuân Phong, Nguyễn Thị Tuyết…


Kịch bản, tác phẩm "Núi rừng hãy lên tiếng".

Không chỉ xuất sắc ở lĩnh vực thể thao, trong lĩnh vực nghệ thuật, Triều Tiên là nước có trình độ chuyên môn cao với nhiều thành tích trên trường quốc tế. Triều Tiên đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, trong đó nhạc sĩ Thanh Tùng là người đầu tiên được qua Triều Tiên nghiên cứu, học tập về nhạc nhẹ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng được cử đi học tại Học viện âm nhạc Quốc gia Bình Nhưỡng. Đáng ghi nhận hơn nữa, Triều Tiên đã trực tiếp giúp Việt Nam xây dựng nền opera – giao hưởng và vở nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên đã được nhạc trưởng Thôi Long Lân trực tiếp dàn dựng và chỉ huy để biểu diễn tại Hà Nội năm 1971. Đây cũng là vở opera đầu tiên mà các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn, trong đó nổi bật nhất là hai nghệ sỹ Trần Chất và Ngọc Dậu.

Cùng với nhạc trưởng Thôi Long Lân, hai nhạc trưởng Triệu Đại Nguyên và Lý Anh Vân cũng sang Việt Nam giúp đỡ xây dựng các dàn hợp xướng và đào tạo các nhà chỉ huy cho chúng ta. Đến năm 1964, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Triều Tiên đã biểu diễn và thu âm bản giao hưởng “Quê hương” dài 4 chương của nhạc sỹ Hoàng Việt và gửi sang tặng Việt Nam - thật là một nghĩa cử chân tình!

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khởi hành tại ga Bình Nhưỡng vào khoảng 16h30 (giờ địa phương) ngày 23-2. Từ đây, hành trình của ông đi qua Trung Quốc để đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, Việt Nam. Tổng thời gian chuyến đi là hơn 60 tiếng cho chặng đường ước tính 4.500 km.

h15’ ngày 26-2, Chủ tịch Kim Jong-un đặt chân tới ga Đồng Đăng. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Chuyến thăm được thực hiện sau hơn 60 năm kể từ chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Tại ga Đồng Đăng, Chủ tịch Triều Tiên bước xuống từ đoàn tàu màu xanh lá nổi tiếng và được đón trọng thị với thảm đỏ, đội vệ binh danh dự cùng những lá cờ của Triều Tiên và Việt Nam. Hàng nghìn người dân Lạng Sơn đã có mặt tại khu vực nhà ga từ rất sớm, hân hoan chào đón khi ông bước ra khỏi ga Đồng Đăng để lên xe về Hà Nội. Khi xe lăn bánh rời đi, Chủ tịch Kim Jong-un đã chủ động hạ kính xe chống đạn, mỉm cười vẫy chào người dân Việt Nam - một hành động không có tiền lệ của ông trong các chuyến công du nước ngoài. Khoảnh khắc đó thể hiện sự gần gũi của nhà lãnh đạo Triều Tiên với người dân bình thường, đồng thời cho thấy sự tin tưởng của Chủ tịch Triều Tiên về một nước Việt Nam thanh bình.


Hình ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được đón tiếp nồng nhiệt khi tới Việt Nam ngày 26-2-2019.

Và cũng bắt nguồn từ lịch sử ngoại giao thân tình giữa hai đất nước, Triều Tiên đã nhất trí chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai cùng với Hoa Kỳ.

Những thực tế sinh động ấy đã thay vạn lời nói, là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Việt Nam đã tích cực, góp phần hiệu quả tham gia vào tiến trình kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thế giới, đồng thời là sự khẳng định, viết tiếp mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên đã được các bậc lãnh đạo tiền bối đặt nền móng từ gần 70 năm trước.

Điều đặc biệt cảm động là trong những năm tháng Việt Nam chiến tranh, Triều Tiên đã hết lòng hỗ trợ Việt Nam cả về con người và vật chất, giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên... Và điểm sáng đẹp đẽ đến tận hôm nay trong quan hệ hai nước đó là Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị tại Hà Nội vẫn đang hoạt động vô cùng hiệu quả.

Không quên những ân tình đó, khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên năm 1994 -1998, Việt Nam đã viện trợ 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Giai đoạn 2000-2012, Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu...

Từ những nỗ lực đặt nền móng của các nhà lãnh đạo hai nước, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Triều Tiên thường xuyên được duy trì tốt đẹp thông qua các chuyến thăm hữu nghị, trao đổi đoàn, hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục, thể thao…

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Triều Tiên được tăng cường đáng kể từ những năm 2000 với những chuyến công du như chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002; Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng năm 2013; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn năm 2015; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh năm 2019… Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong Nam cũng đã thăm Việt Nam năm 2001, 2012; Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su Yong năm 2014; Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang Triều Tiên năm 2015; Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Choe Thae Bok năm 2016; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ri Yong Ho năm 2018...

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho từng bày tỏ hy vọng, hai nước sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới. Tại chuyến thăm Triều Tiên đầu năm 2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên; ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Lao động Triều Tiên, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt - Triều do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước chung tay vun đắp, vẫn không ngừng được củng cố và phát triển.

Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình - nơi dừng chân của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành hơn 6 thập kỷ trước - nay được tiếp nối với chuyến thăm của người cháu nội của ông - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm là dấu mốc mới cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước; khẳng định lập trường kiên định trước sau như một, coi trọng và quyết tâm tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Triều, coi đây là di sản quý báu cần được gìn giữ và phát huy.

Trong những ngày đặc biệt này, nghĩ về hình ảnh bó lúa vàng mà người dân thôn Quán La xã tặng Chủ tịch Kim Nhật Thành năm xưa, càng thêm tin tưởng vào những mùa vàng bội thu trên cánh đồng tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành gieo những hạt đầu tiên.

Bài viết: Vân An - Nguyên Hoa - Hồng Hạnh - Hoàng Lân
Video clip: Bùi Việt

Bài có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh và TTXVN