ông thôn mới như một cuộc cách mạng, giúp người dân bứt phá, làng quê thay da đổi thịt vươn lên cuộc sống mới - ông Vũ Ngọc Anh, một Bí thư chi bộ thôn ở vùng quê ngoại thành Hà Nội quả quyết...

10 năm trước, ngay sau cuộc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã bắt tay ngay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một chương trình tổng thể của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.

Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Hồng, với 584 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn; trong đó có 386 xã nông thôn. Với vị thế Thủ đô, nông thôn Hà Nội có vai trò quan trọng, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Việc xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội. Trên tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (khoá X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các nghị quyết Đại hội XV, XVI của Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020).

Năm 2009, xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm. Đến nay, toàn thành phố đã có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 76,16%), 4 huyện được Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Xóm làng đổi thay, hạ tầng nông thôn được cải thiện, giao thông thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao, tác động sâu sắc đến cuộc sống nông dân…

Quá trình ấy dù có không ít trở ngại, nhưng cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, rất nhiều cá nhân, tổ chức cơ sở Đảng, với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, gương mẫu trong việc làng, việc nước, chung sức đồng lòng, như những “hạt giống đỏ” gieo niềm tin, thắp lên khát vọng đổi thay cho những miền quê của Thủ đô…

Chẳng phải bỗng dưng mà chàng thanh niên Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1982), sau 5 năm tha hương để mưu sinh, lại tay nải trở về với vùng quê nơi sinh ra. Đã từng khăn gói vào tận Tiền Giang học Trung cấp Bưu điện, rồi lại ngược lên Bình Phước làm việc ở Công ty Viễn thông, nhưng đến năm 2008, Thuận trở về Kim An, cho một khởi đầu mới…

Nằm ngoài đê tả sông Đáy, xã Kim An thuộc vùng phân lũ và là xã thuần nông vốn thuộc diện nghèo nhất huyện Thanh Oai.

Về quê năm 2008, đúng vào năm Kim An trở thành một vùng quê mới của Thủ đô, vốn nhanh nhẹn và thông minh, Thuận vừa giúp bố mẹ việc ruộng đồng, vừa tham gia vào Đoàn thanh niên thôn. Sau một năm, Thuận được kết nạp Đảng và trở thành Phó Bí thư Đoàn thanh niên thôn Tràng Cát. Kể từ đó, những biến chuyển nhỏ hay lớn của quê hương đều có phần can dự của Thuận.

Từ việc phụ giúp bố mẹ trồng các loại cây ăn quả, chủ yếu là bưởi và cam, Thuận dần nắm bắt được kĩ thuật và chuyển sang trồng bưởi Diễn, cam Canh. Thật may là cả hai loại cây khó tính này đều trở nên tươi tốt, ra hoa kết trái đều đặn dưới đôi bàn tay của Thuận.

Thậm chí, mấy năm gần đây, khi người tiêu dùng thích bưởi Diễn, cam Canh cảnh để chơi Tết, Thuận đã làm chủ được cách đưa cây vào chậu và bắt hoa, bắt quả ngay ở trên chậu để bán. “Ra chậu nào hết chậu ấy”, Thuận vui vẻ kể, “Tết rồi em lãi quãng 400 triệu đồng từ khu vườn 7 sào này”.

Không như người khác, Thuận chẳng giấu bí kíp trồng trọt, bắt hoa, bắt quả cam Canh, bưởi Diễn với các bạn thanh niên cùng trang lứa. Thuận cười nói: “Những lúc rảnh, thanh niên trong thôn vẫn tụ tập về đây cùng trao đổi cách chăm sóc cây”. Theo Thuận, một cán bộ Đoàn không chỉ biết làm kinh tế riêng mà còn phải gương mẫu, nói được làm được, cùng với chính quyền, đoàn thể vận động chòm xóm tham gia các phong trào chung, xây dựng nông thôn mới.

Rồi chàng trai trẻ nhận định chắc nịch: “Kim An chỉ thực sự thay đổi, đời sống người dân khấm khá lên sau khi thực hiện nông thôn mới”.

Với vườn cam cảnh rộng 7 sào, Nguyễn Đức Thuận lãi khoảng 400 triệu đồng trong vụ Tết 2018.

Khi khảo sát đánh giá nông thôn mới vào năm 2012, Kim An chỉ hoàn thành được 1 tiêu chí và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Có 15 tiêu chí chưa đạt như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 14%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên thấp.

“Đó đều là những tiêu chí khó thực hiện, tốn nhiều kinh phí, cần sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân”, ông Đoàn Văn Huỳnh - Chủ tịch UBND xã Kim Anh đánh giá. Mặc dù vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim An xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành bằng được.

Những khó khăn ban đầu ở Kim An tuy cũng giống như ở nhiều nơi khác nhưng còn có phần nặng nề hơn vì xuất phát điểm của Kim An rất thấp.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng cho được nông thôn mới, Đảng ủy xã Kim An quán triệt trong Đảng bộ, tổ chức lễ phát động, tuyên truyền tới các ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ông Đoàn Văn Huỳnh cho biết: “Do đặc thù là vùng đất bãi ven sông có lợi thế cho việc phát triển cây ăn quả nên xã chọn khâu đột phá và mũi nhọn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng cây ăn quả, giảm diện tích cây hoa màu và diện tích trồng lúa”.

Sau 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ lúc chỉ đạt 1/19 tiêu chí, đến cuối năm 2017, xã Kim An đã giành đủ 19/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,67%; 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 trường phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2018; xã đạt chuẩn về y tế quốc gia; 3/3 làng và 5/5 cơ quan đơn vị văn hóa. Xã đã quy hoạch và chuyển đổi được 130/203,6ha đất nông nghiệp trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (cam đường, bưởi Diễn) và 20ha rau hữu cơ, rau an toàn.


Mỗi vụ cà mang lại cho ông Lê Văn Dư khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Ngày 17-12-2017, tổ công tác của thành phố về thẩm định, chấm điểm nông thôn mới, xã Kim An đạt 97,15 điểm, số điểm cao không ngờ.

Giờ đây, người dân Kim An dường như hài lòng với những gì đang có. Chia sẻ ngay trên ruộng cà đang độ thu hoạch của mình, ông Lê Văn Dư (thôn Hoạch An) khảng khái nói: "Nông thôn mới có đường, có điện, rất thuận tiện. Trước kia lấy nước ruộng khó khăn, giờ điện ra tận nơi chỉ việc xách máy bơm ra tưới. Dân nhàn bao phần…”.

Thế nhưng, đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong nỗ lực thay đổi diện mạo quê hương của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Kim An. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Kim An Trần Văn Phấn: Đảng ủy, HĐND, UBND xã và cả hệ thống chính trị xác định, đạt chuẩn nông thôn mới đúng là bước ngoặt nhưng mới là kết quả bước đầu. Sắp tới Kim An sẽ phấn đấu nâng cao các tiêu chí!

Mấy hôm liền, ông Vũ Ngọc Anh, Bí thư Chi bộ thôn Chương Lộc, xã Chương Dương (huyện Thường Tín) mất ăn, mất ngủ vì suy nghĩ đến cuộc họp Chi bộ thôn đầu tháng 8 này. Đang vào tháng Ngâu nên lo nhất là lụt, bão. Nếu không phòng bị trước thì những thành quả tích góp được từ ngày cả xã được công nhận nông thôn mới lại vơi bớt...

Tính ông Ngọc Anh vốn thế từ ngày trong quân ngũ. Cứ mỗi lần gặp việc mà chưa hoàn thành ông lại mất ngủ. Hai quầng mắt trũng sâu. Cuộc họp Chi bộ thôn tháng 8 này ngoài việc phòng bị mưa bão, ông đang tính cách trao đổi với các đảng viên về việc chuẩn bị tiến tới xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo vừa được Đảng bộ xã quán triệt.

Nhận việc mới ông lại phải suy nghĩ. Không suy nghĩ không được, một phần là tại bản tính, còn phần khác là bởi cả hai Phó Bí thư thôn đều chưa đến tuổi “Tam thập nhi lập” và đang được ông dìu dắt, bồi dưỡng. Họ là hạt giống đỏ của địa phương, nếu ông ươm mầm không khéo lại “xôi hỏng, bỏng không”. Trong lúc suy tính miên man, ông lại nhớ về những ngày đầu khi cùng người dân trong thôn và toàn xã cùng bắt tay xây dựng nông thôn mới theo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội.

Những ngày đầu triển khai, nhiều người, trong đó có cả cán bộ cấp cơ sở chưa hình dung được nông thôn mới là như thế nào. Nhìn trước, nhìn sau đâu cũng thấy khó khăn, vướng mắc. Sau nhiều cuộc họp, Đảng bộ xã Chương Dương thống nhất chọn xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh trước rồi từ đó mới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thấy cái hay, cái đẹp, cái được của việc xây dựng nông thôn mới.


“Hệ thống chính trị cơ sở có vững vàng, đoàn kết thì mới thuyết phục được nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí, tôi thấy tiêu chí về hệ thống chính trị là quan trọng nhất… Nếu ông đề ra, tuyên truyền nhưng người dân họ không nghe ra, không tán thành, ông chẳng giải quyết được gì cả…”, ông Vũ Ngọc Anh khẳng định.

Khó khăn ban đầu chính là việc thuyết phục người dân dồn điền đổi thửa và giải phóng mặt bằng để xây dựng đường liên thôn. Trước đây, xã chia ruộng khoán cho dân, mỗi nhà vài mảnh, lại ở xa rất bất tiện cho việc trồng trọt, cấy hái. Nhưng thuyết phục người dân không phải dễ dàng. Dù các đảng viên trong Chi bộ của thôn Chương Lộc đã đồng lòng nhưng có những cuộc họp với nhân dân kéo dài đến tận đêm mới đi đến thống nhất.

Khó khăn nữa là mỗi thôn có vị trí canh tác khác nhau, thôn thì gần đường tiện hơn, thôn gần mương, điện tiện hơn…. Nên xảy ra nhiều mâu thuẫn về việc phân chia. Đảng bộ có nghị quyết nhưng một lần nữa phải xuống từng chi bộ, cụm dân cư. Đây mới là vấn đề cuối cùng, cốt lõi của việc dồn điền đổi thửa. Lãnh đạo địa phương nhiều lần họp cấp ủy, chi bộ, công tác mặt trận để vận động nhân dân đồng thời tuyên truyền để nhân dân hiểu được.


Nông thôn mới mang lại diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp cho làng quê Thường Tín.

“Chúng tôi phân tích cho người dân cái lợi, hại, bất cập. Dần dần người dân đã hiểu được và nhất trí. Tuy nhiên nhất trí rồi nhưng phải làm thế nào để mọi người đồng thuận mới là vấn đề phải bàn. Sau nhiều lần họp, bà con bộc bạch nhiều khó khăn, rồi dần dần bà con hiểu được và chấp nhận. Đến nay đa phần mỗi người dân địa phương còn một thửa để canh tác”, ông Ngọc Anh kể lại.

Khó khăn trong dồn điền đổi thửa chưa dứt thì lại vướng việc thuyết phục nhân dân cắt đất vườn, đất ở để làm đường liên thôn cho đúng tiêu chí. Lần này, chẳng phải việc đổi mảnh này lấy mảnh khác. Người dân vốn coi trọng đất đai giờ phải hy sinh phần đất tổ tiên để lại vì con đường chung.

“Thuyết phục dân không gì bằng chính cán bộ cơ sở làm gương đi đầu trong mọi việc”, ông Ngọc Anh đúc rút kinh nghiệm.

Sau những khó khăn ban đầu, quá trình xây dựng nông thôn mới theo Chương trình 02 của Thành ủy đã ngày càng được người dân đồng thuận vì chính người dân được hưởng những quả ngọt đầu tiên. “Khi xã Chương Dương thực hiện Chương trình 02, cả huyện Thường Tín ngỡ ngàng không hiểu tại sao người dân lại làm nhanh như vậy. Chỉ hơn một năm gần như đã đạt 60, 70% đường nông thôn. Bây giờ đường rộng 4-5 mét thuận tiện. Đường làm đến đâu lắp đèn đến đó, bao trùm cả xã. Đêm đến như thành phố thu nhỏ, nâng lên đời sống văn hóa, tinh thần, hạn chế tệ nạn”, ông Vũ Ngọc Anh tự hào.

Xong dồn điền đổi thửa, đến đầu tư xây dựng kênh mương và giao thông nội đồng. Nhà nước đầu tư xi măng, cát vàng, đá sỏi còn nhân dân góp công lao động và giám sát. Từ chỗ canh tác phần lớn là lúa, sau khi dồn điền đổi thửa, cấp cho dân giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mọi người tìm các loại cây, con vật để phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ của nhà nước về khoa học, như dự báo thời tiết, sâu bệnh, trồng cái gì vào thời điểm nào nên người dân đã tăng gia sản xuất.

Nông dân bây giờ không còn trồng cây lúa đơn thuần nữa mà chuyển sang trồng nhiều cây khác như nhãn, bưởi Diễn, cây cảnh… Đặc biệt, ở xã Chương Dương, bà con thường trồng xen canh cây lá lốt ở ruộng, cho thu nhập gấp 8 lần trồng lúa. Hiện nay, mỗi chiều bà con thu hái khoảng 4-5 vạn mớ, với giá bán 800 đồng. Tính ra thu về khoảng 40 triệu.

Giờ thôn Chương Lộc không còn hộ nghèo, nhiều hộ nghèo xưa nay đã có đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, điều hòa. Nói như ông Ngọc Anh thì “Nhà nước tạo cho cách làm ăn để giàu thì tội gì không làm”.

Tiếp theo, nhân dân cùng với Đảng, chính quyền chung tay xây nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt chung, đoàn thể biểu diễn văn nghệ mỗi dịp lễ tết. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng đi lên thấy rõ. “Nông thôn mới như một cuộc cách mạng, giúp người dân bứt phá, làng quê thay da đổi thịt vươn lên cuộc sống mới. Tôi nhớ có anh nhà báo về đây và thốt lên câu ‘nông thôn nay thật đáng sống”, vị Bí thư chi bộ thôn Chương Lộc kết luận.

Sự đổi thay từ gốc rễ trong đời sống nông thôn có được là nhờ chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, sự cụ thể hóa và áp dụng sáng tạo vào thực tiễn của chính quyền, cả sự đồng thuận của người dân. Nhưng, xây dựng nông thôn mới suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Nếu sớm dừng lại ở nông thôn mới sẽ tụt hậu, không duy trì, không nâng lên nữa thì chẳng mấy chốc lại trở về “nông thôn cũ”… Nhiệm vụ ấy, trước tiên thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của đảng viên, người đứng đầu.

Chiều về, ông Bùi Văn Trường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đưa hai đứa cháu ra hồ ngay trước trụ sở UBND xã để bơi. Nhìn lũ trẻ vui vẻ bơi lội trong hồ nước mà ông cùng bà con trong thôn góp công cải tạo từ hơn 5 năm trước, ông Trường cảm thấy vui với thành quả xây dựng nông thôn mới ở quê hương.


Buổi tối, ông Trường có cuộc họp Chi bộ thôn. Dù không còn căng như những cuộc họp hồi năm 2011 khi toàn thôn, toàn xã triển khai xây dựng nông thôn mới, nhưng ông vẫn đến trước khá sớm.

Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Và hiện nay, xã Song Phượng được chọn là một trong những xã điểm triển khai nông thôn mới nâng cao nên công việc nhiều và sức ép cũng lớn. Nhưng càng làm, ông Trường càng hăng vì thấy sự đổi thay hiển hiện từng ngày. Từ năm 2013, khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, Song Phượng đã khác hoàn toàn so với trước. Đường sá rộng rãi, sạch đẹp, khang trang, ao hồ được cải tạo tách nước thải riêng và được đổ cát để con trẻ có chỗ bơi lội. Kênh mương và giao thông nội đồng ngay ngắn, rộng rãi. Điện được kéo ra tận ruộng.

Những con đường trong xã còn được tô điểm thêm bởi những tấm bích họa sinh động, tươi tắn. Thế nhưng, theo quan điểm của Bí thư Chi bộ thôn Tháp Thượng thì: “Để xã tiếp tục đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới điển hình tiên tiến thì những người cán bộ cấp cơ sở như tôi phải nỗ lực nâng cao các tiêu chí trong thôn trước đã. Khi các thôn đều đạt thì đương nhiên xã cũng đạt”.


Hằng ngày, ông Bùi Văn Trường vẫn cùng bà con trong thôn dọn dẹp, chăm lo để giữ đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Bắt đầu từ Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29-8-2011 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. Sau 5 năm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chương trình 02 đã thực sự trở thành phong trào rộng lớn trên địa bàn Hà Nội.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo 8 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI, trong đó có Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Trong suốt quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đặc biệt là các chi bộ nông thôn. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Quan tâm công tác phát triển đảng viên; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn. Qua đó, khẳng định vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự tiên phong của tổ chức Đảng.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, thăm mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Thanh Trì.

Ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Trước đó, Thành ủy cũng có Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 "Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đổi với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây là những cơ sở quan trọng nhằm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong sạch, vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn và bình yên để nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Trong các lần làm việc hoặc đi kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU vẫn nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền rất quan trọng. Nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt thì trong hoàn cảnh khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Tuy rằng thôn không phải là cấp chính quyền chính thức, nhưng những người như Bí thư Chi bộ Bùi Văn Trường, Vũ Ngọc Anh đều tâm niệm, guồng máy tự quản ở thôn như những nhánh rễ lan rộng và bám sâu. Nếu gốc rễ ấy không bền vững thì cây sẽ yếu.

“Và chúng tôi là những người ‘ở tuyến đầu’ sẽ làm tốt công việc của mình. Phải quyết tâm cao hơn nữa. Nếu dừng lại là lạc hậu”, Bí thư Chi bộ Vũ Ngọc Anh quả quyết…

Nông thôn Hà Nội được đầu tư đồng bộ, cảnh quan, môi trường sạch đẹp, chất lượng sống của người dân ngày càng cao. Nông thôn mới đang trở thành những vùng quê đáng sống… Clip có sử dụng tư liệu của Đài TT Thanh Oai

Thực hiện: Báo điện tử Hànộimới