gày 29-5-2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan", có hiệu lực từ ngày 1-8-2008.

Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Sáng 1-8-2008, phát biểu tại kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một quyết định mang tầm vóc lịch sử, chẳng những vẫn giữ được thế "Rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi" mà còn nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh".

Lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) năm ấy đã được kiểm chứng sống động sau 10 năm, cho thấy sự đúng đắn của một quyết định mang tính lịch sử.

Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực: Phát huy hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong nước theo tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội"... Đặc biệt, những năm vừa qua, Hà Nội đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, nổi bật về đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó có những mô hình, kinh nghiệm tiêu biểu được trung ương ghi nhận, đánh giá cao; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh...

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có thế và lực mới, với sức mạnh được nhân lên không chỉ từ quy mô, tiềm năng, thế mạnh sẵn có; từ những thành tựu đáng tự hào đạt được trong suốt quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục; từ sự phong phú, đa dạng về các giá trị lịch sử, văn hóa; mà quan trọng hơn, là từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, và sự đồng thuận to lớn của nhân dân.

Công việc đầu tiên của cơ quan chức năng Hà Nội và tỉnh Hà Tây diễn ra lặng thầm ngay từ thời khắc đầu tiên của ngày 1-8-2008 cách đây tròn 10 năm. Đúng "giao thừa" hôm đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) và lực lượng thanh tra giao thông của Hà Nội, Hà Tây cùng tiến hành dỡ bỏ hàng loạt biển báo mốc giới phân chia Hà Nội - Hà Tây.

Chỉ còn nửa giờ nữa bước sang ngày mới, đoàn công tác Sở GT-VT bắt đầu làm nhiệm vụ thiêng liêng là nhổ cột mốc ngăn cách địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ để hai vùng đất hòa cùng một nhịp đập trước khi ánh bình minh ngày mới đến.

Đoàn xe lao vun vút trên đường để kịp thời khắc 0h ngày 1-8. Địa điểm được lựa chọn đầu tiên chính là mốc giới phân chia 2 địa danh Hà Nội cũ và Hà Tây cũ trên đường Nguyễn Trãi. Đúng thời khắc lịch sử, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Quốc Hùng (nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) nhìn đồng hồ ra hiệu lệnh nhổ cột mốc tại Km9+200.

Đêm đó, đông đảo phóng viên của các cơ quan báo chí cùng nhân dân đã chứng kiến sự kiện mang tính "biểu tượng" đặc biệt này. Chỉ sau ít phút, cột mốc phân chia đường Nguyễn Trãi khu vực quận Thanh Xuân và khu vực thành phố Hà Đông cũ được dỡ xuống. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mọi người. Việc dỡ bỏ mốc giới, nối liền hai vùng đất Hà Nội - Hà Tây là thời khắc thiêng liêng đón "ánh bình minh" đầu tiên mở ra tương lai mới cho một Thủ đô bề thế hơn.



Cột mốc phân chia hai địa danh Hà Nội cũ và Hà Tây cũ tại Quốc lộ 6 Km9+200 trên đường Nguyễn Trãi là mốc giới đầu tiên được dỡ bỏ. Nhà báo Phạm Phúc Hưng - Tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Dân trí nhớ lại: "Thời khắc đó vô cùng thiêng liêng với mọi thành viên trong đoàn và người dân có mặt tại đó. Chúng tôi biết đang được chứng kiến một thời khắc lịch sử, hứa hẹn một tương lai mới của Thủ đô. Trong đoàn không ít người sống mũi cay cay…".

Còn nhà báo Hoàng Trọng Hiếu - Trưởng ban Thời sự Truyền hình Quốc hội vẫn nhớ như in kỷ niệm phỏng vấn những người dân đi chợ sớm qua đường Nguyễn Trãi. Họ rưng rưng bày tỏ niềm vui khi trở thành công dân của Thủ đô, khi người Tràng An và người con quê lụa về cùng một nhà. Kể từ giờ phút đó, không còn sự phân biệt đường Nguyễn Trãi của quận Thanh Xuân và đường Nguyễn Trãi của thành phố Hà Đông.

Chánh Thanh tra Giao thông (Sở GT-VT) Trần Nhật Quang, người có mặt tại sự kiện đêm đó nhớ lại, với quyết tâm phải hoàn thành khối lượng công việc lớn trước 5h ngày 1-8 để bà con hai địa phương khi dậy sớm đi tập thể dục, đi chợ, hay đến chỗ làm không còn khái niệm "người Hà Nội cũ", "người Hà Tây cũ", xóa nhòa khoảng cách, ngay sau khi hoàn thành công việc tại Quốc lộ 6, tổ công tác lại về Quốc lộ 1 đoạn giáp ranh Thường Tín - Thanh Trì, lên đường 32 đoạn giáp ranh Hoài Đức - Từ Liêm cũ và sang tận Mê Linh (lúc đó thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) giáp với huyện Đông Anh. Công việc chỉ hoàn tất khi ánh bình minh ngày mới đã lấp ló, nhưng ai cũng phấn khởi, bởi đây là phần việc quan trọng, mang tính biểu tượng trong việc chào đón một Thủ đô rộng mở, to đẹp hơn trước ngưỡng cửa nghìn năm.

Thức trọn một đêm không ngủ, khi chúng tôi về tòa soạn cũng là lúc tờ báo Hànộimới của ngày đầu hợp nhất bắt đầu rời xưởng in. Tờ báo với những dòng tít chính vô cùng ấn tượng: "Cuộc kiến tạo vĩ đại", "Quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước", "Kỷ nguyên lạc nghiệp", "Náo nức tương lai"… lại theo chân chúng tôi đến những bản làng xa, đón ánh bình minh đầu tiên của thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, là điểm tựa để những cư dân mới của Thủ đô thêm vững tin vào tương lai.

Về chung "một nhà", bên cạnh sự hồ hởi, không ít cán bộ, công chức, người lao động có tâm trạng lo lắng, bâng khuâng và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, họ đã gạt những điều đó sang một bên để làm việc với tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm và chia sẻ lẫn nhau. Nhờ đó, những trở ngại mau chóng được san bằng, công việc chung dần đầy thêm những tín hiệu vui.

ng Đào Duy Hải - Phó Chánh Văn phòng - Trưởng bộ phận một cửa của Sở Xây dựng Hà Nội nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ mới sau khi Sở Xây dựng hai địa phương hợp nhất, ông gặp không ít khó khăn. Đó là cảm giác bâng khuâng, bỡ ngỡ khi phải xa nơi làm việc thân thương, xa con đường quen thuộc, rồi đường đến chỗ làm mới đông đúc hơn, đi lại mất thời gian hơn… Chưa kể, từ vị trí Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hà Tây, sau khi hợp nhất, ông được phân công làm Phó phòng Hành chính quản trị, lo cả công việc quản lý tài sản, điều động xe ô tô trong cơ quan và tham gia bộ phận một cửa của sở.

Với ông, việc điều động xe ô tô cơ quan thời điểm đó thật chẳng dễ dàng, bởi đội ngũ lái xe có người đã có tuổi, quen làm việc theo nếp cũ, trong khi ông lại là người trẻ tuổi, mới về. Hơn nữa, khi hai sở hợp nhất, số lãnh đạo đông nhưng xe ô tô phục vụ lãnh đạo không nhiều, mà cơ quan lại chưa có quy định cụ thể về việc điều động xe.

Là người trẻ tuổi, lúc bấy giờ ông Hải xác định, thời gian cống hiến còn dài, phải khẳng định được bản thân qua công việc tại tổ chức mới. Ông đi làm sớm hơn so với trước nhằm bảo đảm đúng thời gian làm việc. Để quen với môi trường làm việc, một mặt ông tìm hiểu đồng nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách, một mặt tiếp tục gắn bó với đồng nghiệp cũ. "Người cũ và người mới trao đổi với nhau những điều hay của mỗi bên để tham mưu cho cơ quan hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như tham mưu về quy chế quản lý sử dụng tài sản, quy chế điều động xe ô tô…", ông Hải nhớ lại.

Với sự trao đổi, hợp tác và hỗ trợ giữa đồng nghiệp hai bên, Phòng Hành chính quản trị của Sở Xây dựng Hà Nội nhanh chóng ổn định về mặt tổ chức, nhân sự, cán bộ, công nhân viên ngày càng hiểu và giúp đỡ nhau hơn trong công việc. Nhờ đó, sau một năm hợp nhất, đơn vị của ông đã hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngỡ ngàng ngày đầu hợp nhất không chỉ xảy ra ở riêng ngành xây dựng. Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) Hà Nội chia sẻ, trước kia, ông là Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Tây. Sau ngày thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ông là Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, được phân công phụ trách lĩnh vực duy tu cầu đường và công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố.

Trong khi toàn Sở GT-VT Hà Nội đang tập trung triển khai ổn định tổ chức, bộ máy, cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, Hà Nội xảy ra trận mưa lớn gây ngập lụt diện rộng. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã huy động 100% lực lượng, thành lập các tổ công tác, tổ chức ứng trực tại các cung đường 32, quốc lộ 6, quốc lộ 70…, hỗ trợ, vận chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân. Sau khi nước rút, Sở lại tập trung khắc phục, sửa chữa nhiều tuyến đường bị hư hỏng, trong đó có 126 điểm hư hỏng nặng. Một nhiệm vụ đột xuất với khối lượng công việc lớn đã giúp tập thể cán bộ, nhân viên của sở gần nhau hơn, xóa nhòa bỡ ngỡ ngày đầu một cách tự nhiên, hiệu quả.

Mặc dù đã nghỉ hưu khá lâu, bà Trần Phương Năm, nguyên Trưởng ban Điện tử Báo Hà Tây vẫn nhớ như in cảm giác những ngày đầu hợp nhất hai cơ quan Báo, bà được giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban Báo Điện tử Hànộimới. Đó là sự bâng khuâng, những phút dao động vì thay đổi lớn… Nhưng gạt nỗi niềm sang một bên, xác định trách nhiệm của một đảng viên, một viên chức, hơn nữa lại là người cầm bút, có nhiệm vụ định hướng dư luận, bà tập trung cho công việc. Chọn cách sống chân thành, cởi mở, coi cơ quan là mái nhà chung, không có sự phân biệt giữa người mới hay người cũ - bà cùng các đồng nghiệp đã gắn kết với nhau như vậy, góp phần vào cuộc sống mới của Thủ đô mở rộng.

"Khi có tấm lòng chân thành, sống cởi mở, sống vì cái chung, mọi người có sự thông cảm thì lúc đầu có thể còn lạ, còn e ngại, sau đó sẽ dần hiểu nhau, thông cảm, chia sẻ, yêu thương, đùm bọc, có trách nhiệm và giúp đỡ nhau trong công việc", bà Năm đúc kết.

Ông Đinh Công Vụ, công chức Văn hóa - Xã hội xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho biết, trước khi về với Thủ đô, là xã miền núi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), điều kiện, cơ sở hạ tầng của Đông Xuân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đường giao thông vào mùa mưa lầy lội, trơn trượt… Nhưng chỉ sau một thời gian về với Hà Nội, đường giao thông quanh xã, quanh thôn đã được bê tông hóa, trải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển.

"Không thể nói hết được niềm vui của người dân trong xã khi được đi trên những con đường bê tông kiên cố, trải nhựa êm thuận. Đây là tín hiệu vui đầu tiên đối với chúng tôi khi về với Thủ đô" - ông Vụ chia sẻ.

Chặng đường 10 năm, không quá ngắn cũng chưa thật dài. Nhưng sự thay đổi nhanh chóng của Hà Nội hôm nay, tầm vóc mới của Thủ đô hôm nay đủ để mỗi công dân Thủ đô cảm nhận rõ nét những thành quả đáng tự hào...

au sự kiện hợp nhất lịch sử, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô lập tức đặt công việc chung lên trên hết, đoàn kết một lòng để vượt qua khó khăn, thử thách. Tròn một thập kỷ, những thành tựu, đổi thay mà ai cũng thấy rõ, ấn tượng nhất chính là sự phát triển khá toàn diện của thành phố trên nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, không gian kinh tế được mở rộng, đến sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.


Con số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm và thu nhập bình quân của người dân năm 2017 cán mốc 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008... đã đủ sức nặng "nói thay" hàng loạt những chỉ số, số liệu khác về tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Hà Nội - với thế và lực mới - tiếp tục giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, tại thời điểm hợp nhất, Hà Nội đứng trước khó khăn, thách thức mới vô cùng lớn là khu vực nông thôn chiếm diện tích rất lớn (khoảng 2/3 diện tích của Hà Nội) và 60% dân số sống ở khu vực nông thôn. Nhưng thách thức này đã được Đảng bộ thành phố biến thành thế mạnh với việc dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực nông thôn, đưa Hà Nội hôm nay dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã có 4 huyện và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn thực sự đổi mới, khởi sắc toàn diện và rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt với thu nhập bình quân tính đến ngày 30-6-2018 đạt 43,1 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008…

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, giao thông, cảnh quan đô thị của Thủ đô được tập trung đầu tư, ngày càng hiện đại. Hà Nội cũng đặc biệt chăm lo phát triển giáo dục, y tế, đời sống văn hóa - xã hội; khơi dậy và phát huy cao nhất truyền thống nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, gìn giữ, phát triển văn hóa xứ Đoài cũng như sự đa dạng của văn hóa các vùng miền khác để từng bước giải quyết hài hòa vấn đề tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong 10 năm, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học; xây mới, thay thế hàng chục nghìn phòng học tạm, xuống cấp, phòng học bộ môn, phòng học văn hóa; các xã, phường, thị trấn cơ bản đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 140.000 người/năm. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 1,69% theo chuẩn mới…

Với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn làm tốt công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Thành phố tiếp tục chủ động tăng cường hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế, đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại của đất nước, đến nay đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới…

10 năm qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hà Nội có nhiều mô hình và cách làm hay được Trung ương nghiên cứu, nhân rộng và các tỉnh, thành trong nước học tập kinh nghiệm. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp đã ghi dấu ấn đậm nét, với sự sâu sát, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”.

Với việc tích cực thực hiện cải cách hành chính, đặt người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, một chính quyền đi sâu, đi sát, giải quyết tận gốc mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cuộc sống, hành động hiệu quả mỗi ngày đã và đang động viên sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào mục tiêu chung một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và bản sắc.

Phóng sự truyền hình: Thay đổi ở vùng quê

"Vạn sự khởi đầu nan" - những khó khăn, thử thách đặt ra từ 10 năm trước không thể khiến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô nản lòng, có tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại. Và những kết quả bước đầu, to lớn và toàn diện trên nhiều mặt hôm nay là minh chứng, thành quả xứng đáng nhất cho bản lĩnh tiên phong, chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của tập thể lãnh đạo thành phố cùng sự đồng thuận, sát cánh của nhân dân. Trong dặm dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội linh thiêng, hào hoa, thành tựu của 10 năm qua chắc chắn sẽ là sức bật mới, đưa Thủ đô vững bước tiến vào kỷ nguyên mới với tầm vóc mới!

Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và sự trưởng thành, lớn mạnh, phát triển của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được đánh giá là nhân tố then chốt, quyết định, làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ thành phố trong 10 năm qua.

Về Tam Đồng, mảnh đất trũng của huyện Mê Linh hôm nay, ngoài những điều "mắt thấy, tai nghe" về đời sống bà con đang dần khấm khá, còn cảm nhận rõ không khí ổn định, đoàn kết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã.

Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thành Đô sau 40 tháng được điều chuyển về Tam Đồng có lẽ đã tạm hài lòng khi mọi gian khó đã ở lại phía sau. Tâm niệm càng gặp khó khăn càng phải quyết tâm, thể hiện bản lĩnh người đảng viên của ông khiến nhiều người cảm phục.

"Khó khăn lớn nhất của Tam Đồng khi đó là công tác tổ chức cán bộ. Sau hàng loạt "biến cố", đội ngũ cán bộ xã bị thiếu hụt trầm trọng. Không những thế, nội bộ lãnh đạo xã lại không đoàn kết, chưa ổn định" - ông Đô nhớ lại những ngày đầu được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Đồng.

Được sự ủng hộ của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã quyết tâm kiện toàn bộ máy lãnh đạo: Lựa chọn người có năng lực, trình độ, song song với rà soát bổ sung quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Nhờ đó, công tác cán bộ sớm đi vào ổn định, đội ngũ được kiện toàn cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng tại đó khi việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng và dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đều có những tồn tại, gây khiếu kiện và "tâm tư" trong bà con. Để "giảm nhiệt", Đảng ủy xã đã cho thành lập và kiện toàn tiểu ban dồn ghép ruộng đất, giải quyết "thấu tình, đạt lý" những băn khoăn, trăn trở của bà con.

Nhờ vậy, người dân trên địa bàn xã đã phấn khởi, yên tâm sản xuất, đời sống vì thế ổn định hơn. 78 hộ đang đăng ký chuyển dịch sang làm trang trại và một số vùng chuyên canh trồng hoa, cây cảnh, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cao so với việc trồng lúa đơn thuần trước đây.

Chuyện ở xã Tam Đồng và Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thành Đô chỉ là một chấm nhỏ trong 2.700 tổ chức cơ sở Đảng với trên 420.000 đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội đang nỗ lực nâng cao năng lực, sức chiến đấu, hướng tới trong sạch, vững mạnh và giải quyết triệt để mọi khó khăn, vướng mắc từ cuộc sống, có nguy cơ phát sinh thành "điểm nóng", gây mất ổn định trật tự xã hội.

Được xác định ở vị trí then chốt, là nhân tố quyết định cho mọi thành công, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng bộ TP Hà Nội chú trọng thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); các Chỉ thị số 03, 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thành ủy Hà Nội đã vào cuộc đồng bộ, một mặt đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên; mặt khác tập trung củng cố những "mắt xích" yếu. Trong một năm qua, toàn Đảng bộ thành phố đã củng cố được 75/86 tổ chức cơ sở Đảng còn những tồn tại và yếu kém.

Cùng với việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng ngày càng được củng cố. Hiện nay, 100% cán bộ chủ chốt cấp thành phố và quận, huyện, thị đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. 94,9% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn tốt nghiệp cao đẳng, đại học; 98,5% đạt trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đáng chú ý, với cách làm bài bản, sáng tạo, khoa học, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW cũng như nhiều chỉ thị, nghị quyết khác về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Có thể khẳng định, 10 năm qua, việc thực hiện các Nghị quyết của trung ương và thành phố về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Hà Nội đã đi vào chiều sâu, ngấm xuống từng cơ sở. Đội ngũ cán bộ của Hà Nội đã có những thay đổi cơ bản về chất, đảm đương ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ. Tổ chức cơ sở Đảng phát huy tốt tinh thần đoàn kết, không để những vấn đề cá nhân, nội bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Từ kết quả này, thành phố đã vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện thành công nhiều việc lớn, việc khó, việc chưa có tiền lệ trong quá trình xây dựng và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.

Mở rộng địa giới hành chính đồng nghĩa với mở rộng sự hội nhập, giao thoa giữa ba vùng văn hóa lớn: Thăng Long - Hà Nội, xứ Đoài, Sơn Nam Thượng mang đến cho Hà Nội nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức về bảo tồn, phát huy giá trị di sản sao cho xứng tiềm năng và hơn hết là không bị "vênh" về nếp sống ứng xử. Hà Nội đã từng bước giải bài toán cộng hưởng và phát triển ấy một cách bài bản, chắc chắn.

Cách đây 10 năm, nhiều chuyên gia văn hóa và không ít người dân đã bày tỏ sự lo ngại, băn khoăn về việc hợp nhất của ba vùng văn hóa, vốn đã nổi tiếng và có những điểm khác biệt. Nếu như Thăng Long - Hà Nội có nét riêng là văn hóa đô thị, thể hiện ở cung cách ứng xử của người Kẻ Chợ, thì văn hóa xứ Đoài lại nổi bật ở nét tinh khôi, bình dị của văn hóa làng, xã. Tương tự, Sơn Nam Thượng - một gạch nối văn hóa kinh kỳ với vùng văn hóa Sơn Nam rộng lớn nhiều giá trị phong phú, độc đáo.

Nói về những đổi thay trong đời sống nghệ thuật của Hà Nội trong 10 năm qua, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành cho rằng, văn hóa Thăng Long và xứ Đoài có mối quan hệ gắn bó mật thiết, trong đó có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những nét riêng biệt khó trộn lẫn. Bởi thế, khi hợp nhất hai địa phương, đời sống văn hóa của người Hà Nội thêm phần phong phú hơn, được tiếp cận nhiều giá trị tinh thần mang tính bền vững. Sáng tạo của nghệ sĩ vì thế mà thăng hoa, sâu sắc hơn.

Thời gian đã minh chứng việc mở rộng địa giới hành chính giúp Hà Nội thêm "giàu có" hơn khi sở hữu vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Trước tháng 8-2008, Hà Nội có 1.952 di tích. Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành địa phương có số lượng di tích, di sản nhiều nhất cả nước với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích quốc gia cấp đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.325 di tích cấp thành phố.

Khối lượng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cũng "đầy đặn" hơn với 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận là Ca trù; Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc; nghi lễ và trò chơi kéo co. Những con số đó cho thấy, dòng chảy văn hóa các vùng khi hòa vào nền văn hóa chung của Hà Nội đã tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa tốt đẹp.

Hà Nội giờ đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa - đó là điều không thể phủ nhận. Ngành Du lịch đã phát triển nhanh, lượng khách du lịch tăng trung bình 12%/năm; Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trung tâm du lịch lớn, chiếm gần 40% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Khách quốc tế tăng nhanh, từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (gấp 3,8 lần).

Nếu như trước kia, khi đến Thăng Long - Hà Nội, du khách chỉ hay nhắc đến các di tích như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, Cổ Loa… Nay, Hà Nội có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, nức tiếng cả nước như: Chùa Hương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc và hàng loạt các làng nghề truyền thống ở các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên...

Nhưng Hà Nội ngày nay đâu chỉ "giàu" các điểm tham quan tĩnh. Du khách đến đây còn bị níu chân bởi nhiều loại hình biểu diễn văn hóa truyền thống được thổi sức sống mới.

Về chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), chúng tôi được giao lưu với những nông dân trực tiếp tham gia biểu diễn trong vở diễn thực cảnh đồ sộ nhất ở khu vực phía Bắc. Họ phấn khởi kể về những thay đổi của làng quê và cuộc sống của chính mình. Bà Nguyễn Thị Soạn đã sắp tuổi thất thập. Ở độ tuổi ấy, nhiều người chọn ở nhà vui vầy cùng con cháu, còn bà chọn làm… nghệ sĩ.

Bà Soạn từ tốn bảo, đất chùa Thầy, Sài Sơn nay có nhiều đổi khác. Từ khi Hà Nội - Hà Tây nhập thành một, nhiều thứ thay đổi, rõ nhất là đường sá về chùa Thầy tiện lợi hơn, du khách nườm nượp kéo về. Bởi thế, bà con có đời sống tốt hơn hẳn trước, vì ngoài làm nông, họ còn biết làm dịch vụ du lịch để nâng cao thu nhập.

Anh Trần Minh Tuấn, một nông dân và là nghệ sĩ múa rối "chính hiệu" ở chùa Thầy bộc bạch, những người nông dân như anh cảm nhận rõ nét sự thay đổi của làng quê so với trước đây. Người Sài Sơn đã biết làm du lịch, rối nước Sài Sơn giờ không chỉ đơn thuần biểu diễn cho bà con làng xóm vào mỗi dịp lễ hội, mà đã được nâng cấp thành sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách gần xa.

Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và Sơn Nam Thượng vốn đã có sự đồng hành, giao thoa từ hàng nghìn năm lịch sử, khi về "một nhà", các vùng văn hóa ấy tiếp tục tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển và từng bước kết tinh thành nhiều giá trị văn hóa mới. Và văn hóa Hà Nội giờ đây lại càng giàu có, thịnh vượng hơn, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, tạo nền tảng tinh thần vững chắc trong mỗi bước đi lên của Thủ đô.

Sau 10 năm đã có bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Hà Nội lại đứng trước những nhiệm vụ, trọng trách lớn lao, đòi hỏi sự sáng tạo và bản lĩnh, quyết tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị để đưa Thủ đô tiếp tục đi lên, xứng với tầm vóc và vị thế mới hôm nay.

hững thành tựu của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính mang đến nhiều ý nghĩa, là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong quá trình xây dựng Thủ đô. Sức bật về kinh tế cộng với sự ổn định về chính trị, sự mở rộng về đối ngoại và tầm ảnh hưởng quốc tế đã thực sự mang đến luồng gió mới cho Hà Nội. Và hơn ai hết, người dân - những chủ nhân của đời sống Thủ đô - đã và đang được thụ hưởng những thành quả vô cùng rõ nét từ bước đi chiến lược này.

Sau 10 năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các địa bàn hợp nhất về Hà Nội được nâng cao. Hà Nội mở rộng với một vùng nông nghiệp rộng lớn, nhưng đến nay đã dẫn đầu toàn quốc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nông thôn thay đổi từng ngày, cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ, đồng bộ…

Quy mô và diện mạo đô thị của thành phố cũng được mở rộng, thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh. Bộ mặt đô thị đã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn với hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Việc quy hoạch, tổ chức không gian đô thị hợp lý đi cùng với việc chú trọng gìn giữ, cải thiện môi trường sống, thực hiện việc thu gom rác một cách bài bản, trồng mới và thay thế gần 1 triệu cây xanh… đã mang đến cho Hà Nội một sức sống mới hấp dẫn hơn...

Vẫn biết, những tín hiệu vui đó mới chỉ là bước đầu, cũng như chặng đường 10 năm mở rộng địa giới hành chính chỉ là một chặng đường ngắn so với chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Song, đây thực sự là một giai đoạn quan trọng để minh chứng, khẳng định về tính đúng đắn, hợp lý của một chủ trương lớn, quyết sách có tính lịch sử của Đảng và Nhà nước, là động lực, nguồn sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của mình.

Hướng tới một Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", một đô thị phát triển năng động, hiệu quả nhưng không mất đi các giá trị văn hóa đặc sắc nghìn năm văn hiến là mục tiêu, cũng là thách thức của Hà Nội trong những năm qua và cả những năm sắp tới.

Yêu cầu của thời kỳ phát triển mới đang đặt ra cho Hà Nội nhiều thách thức rất lớn cần phải giải quyết, như: Áp lực gia tăng dân số và năng suất lao động; quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu; vấn đề bảo vệ môi trường và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế; thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược, đi đầu trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi khả năng và tiềm lực của các thành phần kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh doanh hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Trong quá trình đó, thành phố quan tâm giải quyết hài hoà vấn đề tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, coi văn hoá và con người Hà Nội trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng của Thủ đô và cả nước.

Với quy mô dân số hiện nay, Hà Nội sẽ luôn nỗ lực để quản lý tốt về đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, dân cư, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng hơn nhiều việc tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái; khắc phục những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trở thành đô thị Xanh - Sạch - Đẹp…

Làm thế nào để những bước đi trên được triển khai thành công, khơi dậy nguồn sức mạnh của hàng triệu người dân Hà Nội cũng như tinh hoa trong nước, quốc tế cho công cuộc kiến thiết mới, đưa Thủ đô trở thành "thành phố rồng bay" là điều mà lãnh đạo thành phố ngày đêm trăn trở. Và lời giải, cũng là phương châm hành động của lớp lớp cán bộ, nhân dân Thủ đô, đã được khẳng định trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) ngày 3-7-2018 của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải: "Quan trọng nhất là luôn chủ động, sáng tạo, tận tuỵ, với phương châm "kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20" mới đáp ứng được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn của Thành phố trước yêu cầu của thời kỳ mới". Trong mọi công việc, luôn xác định "Nhân dân là gốc", sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân là yếu tố quyết định của mọi thành công.

Từ "Hà Nội có tàu điện. Đi về cứ leng keng" trong thơ Trần Đăng Khoa thuở nào, Hà Nội ngày nay đang hình thành ngày một rõ nét hơn dáng hình của siêu đô thị hiện đại với những yếu tố phát triển mới, giúp Hà Nội nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp tục vươn tới tầm cao mới. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác...", Đảng bộ Hà Nội luôn đoàn kết, lãnh đạo nhân dân Thủ đô đưa Hà Nội phát triển xứng đáng với tình yêu và sự gửi gắm của cả dân tộc, vững vàng với vị trí là trái tim của cả nước.

Thực hiện: Báo điện tử Hànộimới

Ảnh: Nhiều tác giả