ừ ngàn xưa, khi nói đến Hà Nội, người ta thường nghĩ đến vùng đất văn hiến, vùng đất của những con người hào hoa, thanh lịch:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Những phẩm chất ấy được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước hội tụ về Thủ đô.
Không thể phủ nhận, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội, sự hội nhập đời sống quốc tế đã mang lại cho Hà Nội một diện mạo, sức sống mới - năng động, hiện đại nhưng nó cũng khiến nền văn hóa truyền thống của Hà Nội, đặc biệt là văn hóa ứng xử, bị tác động. Có nhiều điều chưa được, nhiều điều không hài lòng, nhiều điều khiến ta trăn trở. Những thiếu hụt về văn hóa, đạo đức khiến nhiều biểu hiện chưa đẹp trong đời sống, trong cách hành xử, lời ăn tiếng nói… không chỉ hiện diện ở nơi công cộng mà đã len lỏi vào chốn công sở.
Mặc dù chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, nhưng việc cán bộ, công chức ứng xử thiếu văn hóa đang là tiếng chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử của đội ngũ này và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Làm thế nào để xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp ở Hà Nội, nhất là tại các cơ quan, công sở đã trở thành mối quan tâm của mọi người dân Hà Nội và tất cả những ai mến yêu Hà Nội. Từ trước đến giờ, Hà Nội vẫn luôn là địa phương quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa và phát triển văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực khác, trong đó Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” cùng với Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng văn hóa công sở của Hà Nội.
Nhìn lại kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và hơn 1 năm thực hiện QƯTX, có thể thấy rất nhiều điều Hà Nội đã làm được, nhất là trong việc tạo dựng lại hình ảnh đẹp về cán bộ, công chức Thủ đô, góp phần tích cực xây dựng chính quyền thân thiện, thúc đẩy phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lan tỏa rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Văn hóa công sở, văn hoá đơn vị, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trường học… đã từng bước định hình và đang xuất hiện những mô hình hay.
Tất nhiên, cũng còn không ít việc cần tiếp tục làm, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn và sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của mỗi công chức, viên chức Thủ đô, để dù cuộc sống có xoay vần, xã hội có phát triển đến đâu, những tinh hoa văn hoá đẹp đẽ của Hà Nội, chất thanh lịch của người Hà Nội sẽ vẫn luôn được giữ gìn, bồi đắp và là giá trị tinh thần cốt lõi tạo nên bản sắc riêng của người Tràng An xưa và Hà Nội hôm nay.
hớ lại không khí làm việc của người Hà Nội sau khi giải phóng Thủ đô (1954), cụ bà Ngô Phan Yến, nay đã 84 tuổi, chậm rãi kể, năm 1957, bà bắt đầu đi làm ở Bộ Công nghiệp Việt Nam (sau này là Bộ Công Thương). Ngày đó, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan đóng tại Hà Nội đều rất giản dị, bởi mọi người đều cùng chung nỗi khó khăn, vất vả như bao người Việt Nam khác. Chiếc xe đạp thời ấy không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản quý giá nhất của công chức, người lao động.
“Cứ 7h sáng, chúng tôi ra khỏi nhà, đạp xe đến công sở, mang theo một cặp lồng cơm được chuẩn bị sẵn ở nhà để ăn trưa. 8h, mọi người đã có mặt ở cơ quan đông đủ. Ngày ấy không quản lý giờ giấc hành chính nhưng kỷ luật lao động đều được mỗi người tự ý thức thực hiện nghiêm túc. Hà Nội như bao nơi khác ở miền Bắc khẩn trương phục hồi “vết thương chiến tranh”, xây dựng xã hội, mỗi người đều hối hả, nhiệt huyết làm việc với một tinh thần tự tôn dân tộc rất cao”, bà Yến kể.
Trong trí nhớ ít nhiều bị ảnh hưởng của tuổi tác, người cán bộ 55 tuổi Đảng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời gian khó. “Ngày ấy, ai cũng khó khăn như nhau, chúng tôi đồng cảm với nhau trong công việc và cuộc sống. Bữa cơm trưa giản dị với thức ăn tự chuẩn bị sẵn thường được chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi vui vì những điều giản dị ấy. Trong gian khó chung của xã hội, người Hà Nội không cầu kỳ trong ăn mặc nhưng ra đường vẫn cố gắng tươm tất trong điều kiện có thể nhất. Phụ nữ thời ấy thường mặc áo sơ mi và quần lụa đen. Quần áo có thể cũ, nhưng cách mặc luôn chỉnh tề, ngay ngắn”, bà Yến nhớ lại.
Khi lật giở những trang viết của cha, hay mẩu thư của những người bạn văn gửi cho gia đình, những nền nếp, thói quen sinh hoạt của các công chức, văn nghệ sĩ Hà Nội xưa gợi lại trong tâm trí của ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
“Năm 1957, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giữ vai trò giám đốc, nhưng ngày đó không có khoảng cách giữa người quản lý với người biên tập. Gần 20 người làm công việc sáng tác, biên tập, xuất bản sách cùng sinh hoạt chuyên môn tại căn gác khá nhỏ ở số 57 Triệu Việt Vương. Cộng tác viên, khách đến chơi, bạn đọc đến trao đổi thông tin... cũng được tiếp ngay tại căn gác ấy. Không khí làm việc thân mật, gần gũi nhưng không bao giờ mất đi sự nghiêm túc”, ông Nguyễn Huy Thắng vừa lật giở những kỷ vật, tư liệu cũ về cha vừa kể.
Đến thời ông Nguyễn Huy Thắng làm công tác biên tập, rồi quản lý tại nhà xuất bản, công việc của một cán bộ, công chức đã đổi khác nhiều. “Thời của tôi, cơ sở vật chất tốt hơn xưa nhiều. Việc quản lý cán bộ, nhân viên đã có công nghệ lấy dấu vân tay hỗ trợ, nhưng cơ bản, mỗi người nhân viên khi làm việc đều ý thức rõ phần việc của mình. Văn hóa công sở thời nay khác xưa, nhưng cái cốt lõi cơ bản là trách nhiệm công việc, kỷ luật cơ quan vẫn được giữ nghiêm và hơn hết, mối quan hệ thân tình, coi cơ quan như gia đình, coi bạn đọc, cộng tác viên là khách quý vẫn được duy trì. Khi người công chức, lao động làm việc vì trách nhiệm và sự tự giác cao thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”, ông Thắng chia sẻ.
Hồi ức về không khí, tác phong làm việc của công chức, viên chức Hà Nội ở mỗi thời kỳ lịch sử sẽ có những câu chuyện buồn, vui khác nhau mà có lẽ đến giờ vẫn in đậm dấu ấn với những người được chứng kiến. Chị Trần Thu Hằng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đến nay còn nhớ câu chuyện kể của mẹ vào khoảng năm 1980, khi ấy là nhân viên mậu dịch – công việc có lẽ được xem là “hot” nhất của những năm bao cấp.
“Mẹ tôi kể rằng, thời bao cấp, các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đều có khẩu hiệu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm hàng hóa nên một số mậu dịch viên có thái độ không đúng mực. Một ngày, cửa hàng của mẹ nhận được một lá thư góp ý của khách hàng ký tên là Sơn Ca.
Trong thư, tác giả có gửi gắm những câu thơ đến một cô mậu dịch viên: “Cháu con nhà ai, quê ở đâu?/Đến ngành thương nghiệp tự bao giờ?/Quá trình có được ai giáo dục?/Mà sao ăn nói quá tự do…”.
Bức thư với lời góp ý văn minh, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đã giúp cho không chỉ cô mậu dịch viên nhận ra sai sót trong cách cư xử mà còn như lời nhắc nhở cho tất cả nhân viên mậu dịch cần để ý hơn trong lời ăn tiếng nói, thái độ phục vụ khách. Sau này, mẹ vẫn luôn dặn tôi, dù bạn là ai, dù có làm công việc gì cũng phải tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng - ấy mới là nét văn hóa thanh lịch”, chị Hằng nhớ lại.
Hà Nội thay đổi từng ngày cả về kinh tế, xã hội, văn hóa lẫn nếp sống. Đó là những đổi thay mang tính tất yếu bắt nguồn từ sự hội nhập quốc tế, sự hội tụ và lan tỏa của nhiều vùng kinh tế, văn hóa khác nhau trong nội tại Hà Nội. Nhiều thời cơ lớn trong quá trình vận động đi lên nhưng cũng song hành không ít thách thức đang đặt ra cho Hà Nội, đặc biệt là trong việc định hình sự chuẩn mực, chuyên nghiệp về lề lối, tác phong làm việc, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Qua một số cuộc khảo sát về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội, nhiều người đánh giá, một số nơi còn ứng xử chưa phù hợp giữa công chức với người dân đến làm việc. Người dân phàn nàn nhiều nhất ở bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính do họ phải đợi chờ, không được giải thích rõ ràng, cán bộ không linh hoạt trong giải quyết công việc khiến họ mất nhiều thời gian cho những thủ tục đơn giản… Ngoài ứng xử giữa công chức với công dân, ứng xử của công chức với đồng nghiệp, ứng xử của công chức tại nơi cư trú, nơi công cộng… cũng đang tồn tại những biểu hiện lệch chuẩn, trong khi đối tượng này lẽ ra phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Thực tế, những “thói quen” xấu của nhiều cán bộ, công chức Hà Nội hình thành do sự tùy tiện, thiếu kỷ luật làm việc và sự buông lỏng quản lý của một số đơn vị, cơ quan. Thế nên mới có những hiện tượng như lãnh đạo xã Thạch Thán (Quốc Oai) tự ý bỏ việc đi ăn cưới trong giờ hành chính; cán bộ phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) "om" hồ sơ của công dân; cán bộ xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) có thái độ không đúng với dân, hay việc giáo viên trường THCS Mỹ Lương (Chương Mỹ) đi lễ chùa trong giờ hành chính... dù đã có những khuyến cáo trước đó của lãnh đạo TP Hà Nội về siết chặt kỷ luật làm việc.
Gây ồn ào nhất trong công tác quản lý cán bộ năm 2017 là vụ việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của hai cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa) trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục cấp giấy khai tử cho người dân xảy ra vào tháng 2-2017 và đã trở thành “hạt sạn” điển hình trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Hay vào tháng 7-2017, việc một lãnh đạo ở quận Thanh Xuân đỗ xe không đúng nơi quy định và có những lời nói, ứng xử không đúng mực bị nhân dân phản ứng quyết liệt cũng là bài học lớn để người lãnh đạo, cán bộ phải nhìn nhận lại mình…
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, công chức, viên chức trong nhiều cơ quan của Hà Nội thời nay chịu nhiều áp lực hơn trước, khi phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Áp lực công việc phải làm hằng ngày khiến cho không ít cán bộ, công chức dần mất đi sự nhẫn nại, sự khiêm tốn cần có và nguy hại hơn là họ dần hình thành tư tưởng, cơ chế xin - cho mà quên đi nhiệm vụ chính: là “công bộc” của dân. Những cử chỉ, lời nói, thái độ mang tính “cửa quyền” lúc đầu chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, lâu dần thành thói xấu, thành “bệnh” trầm kha bén rễ sâu vào nhận thức.
Nói về những thách thức của Hà Nội trong việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đặc biệt là văn hóa trong công sở, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được giảng dạy trong các trường học của Hà Nội từ gần 10 năm nay, cũng cho rằng, việc tụ tán dân cư do chiến tranh, do việc điều chỉnh địa giới hành chính sau này mang đến nhiều cơ hội cho Hà Nội trong việc phát triển nền văn hoá đa dạng, phong phú nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, khó khăn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh. Đó là lý do mà văn hóa công sở Hà Nội thời điểm này tuy đã có thay đổi nhưng vẫn có những hiện tượng ứng xử chưa đúng mực, tác phong làm việc thiếu nghiêm túc của một số cán bộ, công chức đã trở thành những câu chuyện buồn của Hà Nội.
Thế nhưng, khách quan mà nhìn nhận, những hiện tượng không đẹp ấy chỉ là những “hạt sạn”, mà theo nhận định của TS Nguyễn Viết Chức: “Đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” bởi ứng xử của công chức, viên chức Hà Nội đã tốt hơn trước rất nhiều”. Khi đâu đó trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện những hành vi ứng xử không đúng mực, những lời nói thiếu trách nhiệm, đặc biệt là trong môi trường công sở, thì lập tức bị lên án, nhận diện, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các cấp chính quyền, văn hóa ứng xử nơi công sở của Hà Nội ở nhiều nơi đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt, bước đầu tạo được sự hài lòng, tin tưởng của người dân.
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016- 2020”, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 165/KH-UBND ngày 31-8-2016 triển khai tới các sở, ngành, đồng thời đầu năm 2017 ban hành hai Quy tắc ứng xử (QTƯX), là QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và QTƯX nơi công cộng. Điều này cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sau gần hai năm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, hai QTƯX bước đầu đi vào cuộc sống. Trong đó, việc triển khai QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức có bước tiến đáng kể khi 100% cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã đều tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức hội nghị, ký cam kết, phổ biến trong các buổi sinh hoạt chi bộ; 100% cơ quan, đơn vị niêm yết quy tắc tại trụ sở làm việc để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện.
Các sở, ngành, đơn vị lồng ghép thực hiện quy tắc gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05 (khóa XII) về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 26-2-2018 của UBND Thành phố triển khai thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 16-4-2018 của UBND Thành phố về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội năm 2018.
Một số đơn vị đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ví như: Thị xã Sơn Tây tổ chức nói chuyện về QTƯX cho học sinh; quận Cầu Giấy ra bản tin nội bộ, phát 1.636 giờ phát thanh trên hệ thống truyền thanh; Báo Hànộimới phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức cuộc thi ảnh “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, mở chuyên mục “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên Báo Điện tử Hànộimới, tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu nội dung 2 QTƯX cho các công đoàn viên; Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Tổng Cty Điện lực Hà Nội thiết kế hệ thống decal poster trang trí tại 350 tủ điện tại các quận nội thành với nội dung tuyên truyền 2 QTƯX….
Theo báo cáo của Sở VH-TT Hà Nội, sau hai năm thực hiện triển khai QTƯX tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội đã đạt kết quả đáng khích lệ. Cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố ý thức hơn việc chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở lịch sự, gọn gàng, không sử dụng đồ uống có cồn; không sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được Thành phố giao…
Nói về hiệu ứng của việc đẩy mạnh triển khai QTƯX nơi công sở, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhận định, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có gương mẫu, ứng xử văn minh, đúng mực ở nơi làm việc thì mới có thể làm gương, tạo hiệu ứng tốt ở nơi công cộng. Vì thế, việc triển khai QTƯX tại các cơ quan, đơn vị được thực hiện triệt để, nghiêm túc, tạo nên không khí thực hiện sôi nổi trong các đơn vị, đó là nền tảng để tiếp tục nhân rộng các điển hình, những ứng xử đẹp ngoài xã hội.
Với tinh thần người cán bộ, đảng viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải làm gương, TP Hà Nội ngày càng quyết liệt hơn trong việc nhận diện những thói quen xấu, những hành vi ứng xử, tác phong làm việc không đúng chuẩn mực, những vi phạm kỷ cương hành chính.
Tháng 3-2018, trong một phiên họp do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cán bộ, công chức từng vi phạm phải giải trình về những thiếu sót của mình để từ đó làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng cấp, ngành, các cá nhân, tổ chức, đơn vị quản lý.
Người dân được nghe Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (Quốc Oai) tự thừa nhận thiếu sót và cam đoan sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự việc không có lãnh đạo trực vào thời gian người dân đến làm thủ tục hành chính; hay chủ tịch UBND xã Di Trạch (Hoài Đức) nhận trách nhiệm về việc một số cán bộ công chức có thái độ không đúng với dân. Một số hạn chế ở các sở khác như tình trạng “cò mồi” ở Sở Tư pháp, hay cấp giấy khám sức khoẻ khống ở một số bệnh viện cũng đã được lãnh đạo Sở Tư pháp và Sở Y tế cam đoan sẽ sát sao hơn trong việc quản lý.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP vào tháng 3-2018 về việc thực hiện hai QTƯX cũng nhận định, vẫn còn những thiếu sót trong công tác quản lý cán bộ. Một số nơi vẫn còn hiện tượng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, tắc trách trong công việc hoặc thái độ “cửa quyền”, “thích thì mới làm”. Với yêu cầu của thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tự kiểm tra công vụ và xử lý những trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đơn cử, UBND quận Nam Từ Liêm kỷ luật hình thức giáng chức đối với Hiệu trưởng trường THCS Phú Đô do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý; UBND quận Tây Hồ xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 công chức; phê bình đối với 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng, 3 Chủ tịch UBND phường; UBND quận Long Biên kiểm điểm trách nhiệm đối với 8 cán bộ, công chức; UBND quận Hai Bà Trưng xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với 1 viên chức…
Những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đã cho thấy sự quyết liệt của TP Hà Nội trong việc thiết lập nền nếp kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố - một phần việc quan trọng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh – cũng như là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những công chức còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong việc giữ gìn hình ảnh của chính mình.
ơn một tuần sau đó, ông T.K.L ra đi trong thanh thản khi nguyện vọng cuối cùng được hợp hôn với người vợ cũ đã thành. Với hai cán bộ phường Dịch Vọng Hậu, đó là một kỷ niệm khó quên. Với mong muốn làm những điều tốt nhất cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, đau yếu…, anh Cương cũng thường đến tận nhà riêng của họ để chứng thực chữ ký, ủy quyền lĩnh lương hưu và trợ cấp hàng tháng...
Không chỉ anh Cương, đội ngũ cán bộ, công chức phường Dịch Vọng Hậu luôn quán triệt tinh thần hết lòng phục vụ người dân và rút kinh nghiệm từ thực tiễn để ngày càng hoàn thiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Thế nên, sau sự việc xảy ra ngày 10-1-2018 - một nữ cán bộ của phường có thái độ ứng xử cứng nhắc khi công dân yêu cầu giải quyết hồ sơ hành chính - lãnh đạo phường càng “thấm” hơn trách nhiệm của mình. Tập thể cán bộ, công chức phường đã lấy đó là bài học sâu sắc để không lơ là, buông lỏng trách nhiệm cá nhân trong tuân thủ những quy tắc ứng xử nơi công sở, trong giao tiếp với người dân...
Bà Trần Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, tất cả cán bộ, công chức, người lao động của phường đều được quán triệt và thực hiện tốt việc chấp hành nghiêm nội quy, quy chế cơ quan, công tác nội vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm giờ giấc làm việc cũng như thực hiện nghiêm việc đeo thẻ công chức, trang phục gọn gàng, lịch sự, không sử dụng thời gian để làm việc riêng.
Đặc biệt, trong tháng 8 này, toàn bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, nhất là bộ phận liên quan đến tiếp dân, sẽ tham gia khóa học kỹ năng giao tiếp công vụ và sử dụng các công cụ giao tiếp công vụ dành cho công chức cấp phường tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Bên cạnh việc trang bị những "kỹ năng mềm" trong giao tiếp, ứng xử, phường cũng chú trọng lắp đặt các thiết bị để nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính như máy lấy số tự động, hệ thống phát thanh mời người dân theo trình tự vào làm việc... Riêng hệ thống camera, ngoài cung cấp hình ảnh, được tích hợp thêm âm thanh để việc giám sát được kỹ càng, toàn diện hơn.
Hơn một năm về trước, bức ảnh chụp cánh cửa bên ngoài khu vực "Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả" của phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện với tần suất dày đặc trên các mặt báo đã khiến bộ phận "một cửa" của phường trở nên "nổi tiếng" bất đắc dĩ. Sau quá trình thanh tra, xử lý công tâm, quyết liệt của thành phố, sự việc một cán bộ bị tố làm khó cho người dân đến làm thủ tục khai tử đã lắng lại, nhường chỗ cho những đổi thay mới…
Sự chuyển biến được thể hiện ở tinh thần phục vụ người dân tận tình, bất kể giờ giấc của người cán bộ, ở thái độ niềm nở và giao tiếp hòa nhã, đúng mực, đặc biệt với các thủ tục "nhạy cảm" như xác nhận khai tử và cấp trích lục khai tử. Bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết, từ đầu năm đến nay, 80% thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian và quy trình giải quyết. Hầu hết thủ tục khai tử được xác nhận ngay trong ngày, thậm chí trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi có yêu cầu.
Công việc ở bộ phận "một cửa" luôn tạo sức ép nhất định cho những người cán bộ tự ví mình như "làm dâu trăm họ". Anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ tư pháp tại UBND phường Văn Miếu đã tạo được nhiều thiện cảm bởi lối ứng xử thân thiện, vui vẻ, cởi mở và phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp của mình. "Nụ cười, thái độ niềm nở, tận tình phải được xem là nhiệm vụ của mỗi người cán bộ, công chức khi phục vụ nhân dân. Qua tấm kính ngăn, mỗi lời nói cảm ơn, mỗi nụ cười hài lòng của người dân sẽ là niềm vui, là động lực giúp chúng tôi tự hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt hơn công việc mỗi ngày" - anh Tuấn chia sẻ.
Từ suy nghĩ của người cán bộ công chức về lấy niềm vui, sự hài lòng của người dân là thước đo công việc, là niềm vui cho mình, đến quyết tâm của tập thể lãnh đạo thành phố trong xây dựng bộ máy chính quyền thân thiện, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ, chắc chắn, theo thời gian, QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố sẽ ngấm vào từng nếp nghĩ, lối làm việc của mỗi người, Thủ đô sẽ ngày càng văn minh, tốt đẹp.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích lịch sử quốc gia, có giá trị tinh thần to lớn về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, là biểu tượng của tinh thần nhân văn, nhân ái của nhân dân ta. Với vai trò là đơn vị quản lý di tích, vừa phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ khách du lịch, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, gần 2 năm thực hiện đồng bộ hai QTƯX, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây có ý thức tốt hơn. Điều này thể hiện không chỉ ở khâu tiếp đón du khách tận tụy, nhiệt tình hơn, mà ngay cả mối quan hệ giữa các bộ phận cũng đoàn kết, thân tình, xây dựng.
“Trước kia, mỗi bộ phận chỉ biết việc của mình. Bảo vệ thấy rác ở sân có khi cứ để đó, chờ lao công đến dọn. Nhưng giờ đây, thấy rác bẩn, họ chủ động nhặt bỏ vào thùng. Chúng tôi cũng mở đường dây nóng, để du khách có thể góp ý. Những hiện tượng xấu, chưa đẹp trong ứng xử sẽ được xử lý”, ông Kiêu cho biết.
Theo ông Kiêu, muốn khách tham quan ứng xử đẹp, văn minh với di tích thì bản thân “chủ” di tích cần phải “làm gương”, phải có những hướng dẫn cụ thể cho du khách, đồng thời phải trang bị đủ hạ tầng vật chất để phục vụ khách. “Khi chúng tôi giữ gìn khu di tích sạch sẽ, khách đến tham quan cũng không nỡ bỏ một gói giấy bánh xuống nền đất. Hiện tượng sờ đầu rùa gần như không còn bởi chúng tôi đã có ghi chú cụ thể cho khách”, ông Kiêu chia sẻ.
Không chỉ có Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều di tích khác của TP Hà Nội cũng làm tốt việc xây dựng nét ứng xử văn hóa cho cán bộ, nhân viên và du khách, điển hình là di tích đền Ngọc Sơn và Nhà hát Múa rối Thăng Long…
NSƯT Võ Thùy Dương – diễn viên của Nhà hát Múa rối Thăng Long thừa nhận, từ khi cơ quan triển khai quyết liệt việc thực hiện hai QTƯX, cán bộ, nhân viên, diễn viên của Nhà hát ý thức hơn trong công việc của mình cũng như trong việc tiếp đón khách đến xem. Nghệ sĩ vốn tính ngẫu hứng, nhưng giờ đây, với yêu cầu mới của đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả phục vụ, các nghệ sĩ, diễn viên đều chấp hành nghiêm giờ giấc, kỷ luật của cơ quan, không khí làm việc của Nhà hát vì thế sôi nổi hơn trước.
Việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang từng bước được Hà Nội thực hiện một cách bài bản và đồng bộ. Đây là việc làm không thể nóng vội, một sớm một chiều. Bước đi xây dựng nếp sống văn hóa căn bản phải được thực hiện từ công sở đến nơi công cộng; từ gia đình, nhà trường cho đến ngoài xã hội. Văn hóa công sở có tốt, người công chức, đảng viên có gương mẫu, ý thức trong lề lối hành xử, thanh lịch, nhã nhặn trong từng lời nói, cử chỉ đối với đồng nghiệp, với cơ quan, với khách thì cũng sẽ có hành xử tốt, ý thức tốt ở nơi công cộng, từ đó tạo nên sự lan tỏa đẹp tới nhân dân. Đây là bước đi đúng và phù hợp!
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là cả hành trình dài mà có thể sẽ phải trông chờ vào sự tiếp nối của nhiều thế hệ. Những việc Hà Nội cần thực hiện ngay từ bây giờ là nêu cao tinh thần “làm gương”: cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên làm gương cho nhân dân; người lớn làm gương cho trẻ nhỏ, thầy giáo làm gương cho học trò… Khi mỗi người giữ đúng vai trò của mình, luôn đặt sự gương mẫu lên trên để người khác nhìn vào thì ắt sẽ có những ứng xử tốt đẹp, tôn ti và nền nếp.
Ông Nguyễn Tiến Đoàn cũng nêu ra 4 việc cốt lõi mà các cấp lãnh đạo, đơn vị, địa phương cần thực hiện, đó là: cần phải gieo vào nhận thức mỗi người rằng, thanh lịch, văn minh là đẹp cho mình, cho người, cho xã hội; tăng cường giáo dục cho trẻ nhỏ ở các cấp học với chỉ dẫn cụ thể về thanh lịch, văn minh, từ cách ăn uống, lời nói, cử chỉ, ăn mặc trong từng hoàn cảnh; tạo dư luận xã hội, lên án cái sai trái, biểu dương cái tốt; cuối cùng là cần phải có chế tài, phương pháp xử lý kiên quyết đối với những người không chấp hành.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc ứng xử ở môi trường công sở hay ngoài xã hội cũng cần có trật tự, chuẩn mực. Để đạt được điều này, mỗi người cần phải biết hài hòa giữa văn hóa ứng xử truyền thống với nét hiện đại của thời cuộc. TS Nguyễn Viết Chức cũng đề nghị Hà Nội có chế tài cụ thể hơn để xử lý những trường hợp vi phạm.
Rõ ràng xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh là công cuộc trường kỳ nhưng là việc phải làm bởi đó chính là “sức mạnh mềm” để xây dựng Thủ đô vững mạnh, như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói trong cuộc làm việc với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội mới đây: “Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, kết tinh văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đông, xứ Đoài. Chúng ta có trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vinh dự, đó là vai trò Thủ đô của cả nước. Văn hóa Hà Nội phải phát triển xứng đáng với vị trí Thủ đô, phải thật đặc sắc, để người dân cả nước đặt lòng tin vào Thủ đô như người anh cả trong gia đình".