Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết đã đề cập những nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Đi đôi với đó là nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, thực hiện chính sách pháp luật; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, không để hình thành “điểm nóng”, không để kẻ địch lợi dụng chống phá.
Trên thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra những vụ việc có tính chất phức tạp, nguy cơ gây mất trật tự xã hội, tiềm ẩn trở thành các “điểm nóng”, ít nhiều ảnh hưởng đến ổn định an ninh chính trị. Ngay với Hà Nội, đã có thời điểm (tháng 6-2017) thành phố xác định có khoảng 200 vụ việc phức tạp trên địa bàn 164 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng xác định có 364 vụ việc cần tập trung xử lý.
Nguyên do chủ yếu vẫn là nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Điều này không chỉ gây nên bức xúc cho người dân mà còn là cái cớ để một số đối tượng xấu lợi dụng bóp méo, thổi phồng tính chất vụ việc, nhất là trong các vụ việc liên quan đến chính sách xã hội, quyền và lợi ích của người dân; đặc biệt là lợi dụng hiệu ứng “tâm lý đám đông” để tập hợp, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, gây rối như đã từng xảy ra ở nhiều vụ việc.
Làm gì để hạn chế phát sinh và xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, ngăn ngừa trở thành “điểm nóng” là câu hỏi luôn được các cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở, trăn trở, tìm lời giải. Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” được xem như “xương sống”, định hướng quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề. Kể từ khi chỉ ra 200 vụ việc phức tạp cần xử lý, đến nay qua hơn 2 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, nhiều kết quả đã đạt được, cũng có nhiều bài học được đúc rút, mang tính thời sự và lâu dài.
Một trong những bài học căn cốt để giải quyết và ngăn ngừa “điểm nóng” là phát huy dân chủ, khẳng định vai trò quan trọng “dân là gốc”; quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hơn hai năm sau vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cuộc sống của người dân được trả về sự bình yên vốn có. Tưởng như nỗi buồn, sự mặc cảm bởi những gì xảy ra đã nguôi ngoai, nhưng chẳng phải, ngược lại nó vẫn làm ông trăn trở, nhức nhối mỗi khi nghĩ đến.
Nỗi buồn của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Tài sau gần 20 năm chiến đấu trở về quê hương để hưởng trọn vẹn sự bình yên của đất nước không còn chiến tranh, song không thể ngờ lại có lúc chẳng được bình yên vì hành động mang những toan tính riêng của một số người đã khiến vùng quê yên bình của ông xáo động, tình hình an ninh trật tự ở địa phương trở nên phức tạp.
Còn với ông Nguyễn Quyết Thắng, ở thôn Hoành, thì mỗi lần nhận được điện thoại hay lời hỏi han từ bạn bè về chuyện cũ cũng là thêm lần ông muốn “chui xuống đất”. Nó như vết cứa vào tâm can của người đảng viên lớn tuổi. Người Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm ngày nào giờ đau lòng khi phải chứng kiến tình làng nghĩa xóm, vì một điều viển vông đã chẳng còn như “bát nước đầy”. Những hao hụt, chia rẽ về tình cảm thậm chí xảy ra ngay trong họ hàng nội tộc. Với ông, đó là những mất mát “không tiền của nào có thể sánh được”.
Ngoài sự mất mát về tinh thần mà những người lớn tuổi sống trọng tình như ông Tài, ông Thắng vẫn canh cánh trong lòng, người dân Đồng Tâm đều thấy được hệ lụy “vật chất” hiện hữu ngay trước mắt. Sự thiếu ổn định, mất đoàn kết, khiếu kiện phức tạp, tụ tập đông người... xảy ra tại Đồng Tâm trong thời gian dài như thứ vật cản kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giờ nhìn sang các địa phương lân cận, từ Phúc Lâm, Mỹ Thành sang đến Thượng Lâm, xã nào cũng khang trang đường làng ngõ xóm, bê tông hóa giao thông nội đồng thì người dân Đồng Tâm có phần thua thiệt. Hiện xã mới hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Vào những ngày mưa, bà con đi làm đồng quá vất vả! Xe chở lúa chịu chết không lên được dốc vì sa lầy trên đường đất nhão nhoét”, ông Tài nói.
Xem ra, chặng về đích để nâng cao đời sống, cả vật chất, lẫn tinh thần của người dân Đồng Tâm vẫn còn nhiều gian nan.
Sự việc xảy ra ở Đồng Tâm cách đây đã hơn hai năm nhưng không là câu chuyện cũ. Ngoài những hệ lụy để lại thì còn là bài học lớn đối với cả người dân và các cấp chính quyền, cơ quan quản lý.
Trên thực tế, với các mâu thuẫn có nguy cơ “tăng nhiệt”, dù chưa trở thành “điểm nóng” cũng đã tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, gây mất ổn định, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Đơn cử như việc một số người dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), do chưa bằng lòng với mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tiến độ di dời ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đã 5 lần chốt chặn các xe vận chuyển rác từ nội thành vào khu xử lý (gần đây nhất diễn ra đầu tháng 7-2019), khiến cho rác thải ùn ứ nhiều ngày trong nội đô, ven đường giao thông các huyện..., ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như hình ảnh và sự phát triển bền vững của thành phố.
Tại quận Hà Đông, tháng 4-2019, xảy ra vụ việc, một số người dân có khiếu nại, kiến nghị đối với dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 đã chưa thực hiện đúng quy trình, quy định mà tụ tập đông người, có nhiều hành vi kích động gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương…
Tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) tình hình vi phạm quản lý, sử dụng đất đai từng diễn biến phức tạp. Từ năm 2015 đến đầu 2017, địa bàn xảy ra 68 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Nhân dân bức xúc bởi việc xử lý vi phạm diễn ra chậm, thiếu triệt để, có sự nể nang, bao che, thậm chí “thỏa hiệp” cho vi phạm tồn tại. Nhiều công trình nhà cao tầng kiên cố mọc lên vẫn được “làm ngơ”. Sau này, cùng với việc xử lý công trình vi phạm, nhiều cán bộ chủ chốt thời điểm đó đã bị điều chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc.
Ở nhiều quận, huyện khác cũng để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, cũng có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, nhiều người đứng đầu bị xử lý kỷ luật như tại Đảng bộ các xã Đông Quang, Ba Trại ( Đảng bộ huyện Ba Vì), hay như tại huyện Chương Mỹ, bảy chủ tịch UBND xã nhận quyết định tạm dừng điều hành…
Ngay trong tháng 7 và đầu tháng 8-2019, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm thuộc Đảng bộ huyện Sóc Sơn liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ năm 2006 đến năm 2018. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn 03 nhiệm kỳ (2005-2010, 2010-2015, 2015-2020): Thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; để UBND huyện, UBND các xã có rừng buông lỏng quản lý, phát sinh nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn, gây dư luận bức xúc trong xã hội… Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật: Đồng chí Vương Văn Bút, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và đồng chí Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 10-2012 đến tháng 12-2015) bằng hình thức cảnh cáo; đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 1-2016 đến nay) bằng hình thức khiển trách…
Hệ lụy từ các vụ việc này làm cho người dân mất niềm tin vào cấp ủy, chính quyền bởi cách điều hành, quản lý lỏng lẻo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu sâu sát thực tiễn. Do đó, khi xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp hay những phát sinh, vướng mắc trong cuộc sống, thay vì trao trọn niềm tin giải quyết vào lãnh đạo các cấp, họ dễ bị kích động, có các hành vi bộc phát vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Có thể thấy, vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, cũng như ở một số địa phương khác xảy ra thời gian qua "là bài học lớn để các cấp, các ngành rút kinh nghiệm”.
Giữa tháng 5-2019, các tòa nhà cao tầng xung quanh Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bỗng xuất hiện kiểu “trang trí” lạ. Hàng loạt tấm băng rôn phản đối việc lấy đất công viên xây dựng bãi xe ngầm được giăng lên. Ông Lê Thái Hiếu (tòa nhà N07 B1, tổ 35, phường Dịch Vọng) cùng hàng trăm cư dân khác trên địa bàn bức xúc bởi họ chưa “được biết, được bàn” trong quá trình triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy.
Tại buổi đối thoại kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ giữa hàng trăm cư dân khu đô thị Dịch Vọng với lãnh đạo phường và quận Cầu Giấy diễn ra sáng 12-5-2019, ông Hiếu cho rằng, đơn vị được giao nghiên cứu lập dự án chưa làm được việc “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Thông tin về dự án được công bố thiếu công khai, minh bạch. Việc lấy ý kiến cư dân về dự án không rõ ràng, đầy đủ. Thậm chí, đơn vị lập dự án đã báo cáo không đúng sự thật, gây mất niềm tin trong cộng đồng…
Quá trình đánh giá, rà soát đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân cho thấy, có đến 80-90% liên quan đến công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Như vậy, nếu không thực hiện tốt dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, hậu quả thật khó lường trước.
Ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tình hình vi phạm quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2015-2017 diễn biến phức tạp, một phần do cấp ủy, chính quyền cơ sở không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng quản lý.
Ngay trong tháng 8-2019, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất, trong việc chấp hành quy chế làm việc và lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tổ chức cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Đầu tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Lý do, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện.
Trước đó (tháng 6-2019), Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do có sai phạm trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, từ năm 2015 đến tháng 9-2016. Vi phạm của ông Hoàng Mạnh Phú được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nếu như ở các trường hợp trên, nguyên nhân dẫn tới tình hình phức tạp là do cấp ủy, chính quyền vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc… (vụ việc ở Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ); chưa làm thấu đáo mọi việc để “dân biết, dân bàn…” (vụ việc ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy)… thì vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) lại cho thấy rõ hiện tượng lợi dụng dân chủ.
Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc một số công dân khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi" đất quốc phòng tại khu vực Đồng Sênh. Dù cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất tại khu vực này là đất quốc phòng, nhưng số người dân khiếu kiện vẫn không đồng tình và tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tại địa phương…
Hơn hai năm, các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội đã nỗ lực giải quyết vụ việc. Tất cả những phản ánh, kiến nghị của một số người dân xã Đồng Tâm nêu ra đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố Hà Nội giải đáp cụ thể, chính xác, khách quan. Thế nhưng, một số người vẫn cố tình không chịu thừa nhận sự thật về nguồn gốc đất đai. Chiêu bài “phát huy quyền làm chủ của dân” tiếp tục được sử dụng, trở thành lá chắn, bình phong cho nhóm người này dựa vào để lôi kéo, kích động nhân dân làm những điều trái pháp luật. Những kẻ lợi dụng dân chủ thường xuyên đã đăng lên mạng xã hội những thông tin bịa đặt, vu khống về tình hình tại Đồng Tâm cũng như nguồn gốc đất đai, đưa ra nhiều thứ “bánh vẽ” khiến người dân dễ tin theo, mơ hồ về “khoản tiền lớn” sắp được hưởng, trong khi đó, đây là thứ hoàn toàn không có thật.
Ngay trong vụ việc liên quan đến dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 tại quận Hà Đông, một số đối tượng dùng chiêu bài lợi dụng người cao tuổi để đứng ra kêu gọi ủng hộ tiền làm đường, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để thu tiền không đúng quy định.
Lợi dụng dân chủ để gây mất dân chủ và làm suy giảm niềm tin của người dân vào công lý, lẽ phải, vào chính quyền các cấp…, đó là những chiêu bài không mới nhưng đang được một số cá nhân “khôn khéo” sử dụng để tạo phức tạp về an ninh trật tự và sẵn sàng thổi bùng lên thành “điểm nóng”.
Từ bài học Đồng Tâm, đặc biệt là yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy và tổ chức Đảng ở địa phương phải kiểm soát tốt tình hình cơ sở, không để các vụ việc diễn biến thành “điểm nóng”, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15- NQ/TU "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội".
Bảy giải pháp được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng phát huy dân chủ…, được coi là cẩm nang cho cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp thành phố trong việc phát hiện, giải quyết, hạ nhiệt, biến “điểm nóng” trở thành điểm sáng.
Đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, cấp ủy nhiều địa phương đã có giải pháp hiệu quả, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm gắn với luân chuyển, điều động cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ tính riêng 16 quận, huyện, thị ủy có báo cáo đã luân chuyển 25 đồng chí về giữ chức bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có khó khăn; điều động, thay thế, cho nghỉ 33 cán bộ bị kỷ luật, yếu kém về năng lực, phẩm chất.
Ngày 29-5-2019, chia sẻ tại lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Nội bộ tổ chức cơ sở Đảng đoàn kết là nền tảng, là nguồn sinh lực tại chỗ để giải quyết mọi vấn đề mất ổn định trong nhân dân. Củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh mới bảo đảm vững chắc cho ổn định chính trị - xã hội. Đây là bài học sâu sắc nhất ở tất cả các điểm nóng, địa bàn phức tạp… nay đã trở lại ổn định.
Ông Nguyễn Tiến Việt không được tham dự lớp bồi dưỡng này. Song, ông rất tâm đắc với đúc kết của Chủ tịch UBND thành phố. Bài học từ chính sự thiếu tập trung dân chủ của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tả Thanh Oai những năm trước đã giúp ông rút ra nhiều kinh nghiệm “xương máu” trong quá trình điều hành Chi bộ thôn Nhân Hòa với 52 đảng viên. Ông tâm niệm: “Mọi việc từ lớn đến nhỏ đều phải công khai dân chủ, bàn bạc thấu đáo trong dân rồi mới thực hiện. Dân có nhất trí thì làm gì cũng thành công. Người cán bộ phải gương mẫu đi đầu, dám nói, dám làm, không né tránh”.
Vậy là chẳng khi nào người đàn ông tuổi lục tuần ấy cho phép mình ngơi tay. Ngay trong cuộc sống, ông cũng luôn xăm xắn cùng bà con chặt cây, dọn cỏ dại hay thu gom rác trên tuyến đường dọc sông Nhuệ... Ông cũng tranh thủ mọi lúc, mọi nơi vận động để người dân dồn điền đổi thửa, đóng góp công sức xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang, to đẹp.
“Mình làm từ việc nhỏ, nhưng người dân thấy được tâm huyết của người cán bộ, đảng viên trong đó thì đến khi triển khai các nghị quyết, phong trào lớn hơn đều có thể dựa vào dân mà thành”, ông Việt đúc kết.
Tương tự, với người nữ Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai Lê Thùy Linh, tự đặt cho mình mục tiêu phải đưa địa phương vượt qua những khó khăn. Sau hai năm được điều động về xã, bà Lê Thùy Linh đã vượt qua những ánh nhìn đầy e ngại ban đầu của không ít đảng viên và người dân để dần khẳng định bản lĩnh, năng lực và đặc biệt là giành được sự tin yêu của nhân dân. Bà chỉ nghĩ đơn giản: “Mình nói được, làm được thì sẽ được nhìn nhận ở vai trò gương mẫu nhiều hơn. Nói mà không làm thì không có được niềm tin của dân”.
Nhiều công việc ở Tả Thanh Oai đang diễn ra thuận lợi, trôi chảy, như vận động người dân hiến đất ở mở đường, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn khi đối tượng chính trị cơ hội có hoạt động chống phá, hay giải quyết vướng mắc giữa Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh với cư dân… Từ một địa bàn phức tạp trở nên ổn định, thành điểm sáng. Từ tổ chức cơ sở Đảng cần quan tâm củng cố, năm 2018, Đảng bộ xã được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cuối năm 2017, ông Phan Văn Sự, khi đó là Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức, đã được Huyện ủy tin tưởng điều động, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm. Với bản lĩnh và kinh nghiệm qua nhiều vị trí công tác, ông Sự quan niệm muốn giải quyết vấn đề tồn tại cũ thì không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn; với những thách thức mới thì không gì khác là phải đối diện để “xuyên qua”.
“Đảng bộ xã Đồng Tâm trước đây đã không thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Tại nhiều kỳ họp trước, đảng viên không được nói ra chính kiến, quan điểm của mình. Cũng có người không muốn nói và thậm chí không dám nói… Không khí sinh hoạt giờ đã khác. Với sự khích lệ, động viên, khơi gợi và thái độ hết sức cầu thị, muốn lắng nghe của Ban Chấp hành Đảng bộ, các đảng viên thôn Hoành đã tham gia đóng góp ý kiến. Trong đó, cũng có ý kiến phát biểu khá gay gắt, nhưng chúng tôi xem đó là cơ sở cho Đảng ủy xã tháo gỡ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”, ông Sự nêu.
Tập trung cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người yếu thế, năm 2018, xã Đồng Tâm đã xóa được 42 nhà tạm, nhà dột nát. Các ban, ngành đoàn thể xã thực hiện nhiều cuộc vận động, tặng quà cho người khuyết tật; tổ chức 3 đợt khám chữa bệnh cho người có công, gia đình chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với 2017. Đồng Tâm là đơn vị đứng đầu huyện khi cả 3 trường học của xã đều được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc.
Bí thư Đảng bộ xã Đồng Tâm cho rằng, luôn phải rút kinh nghiệm qua công việc hằng ngày và đặt tinh thần phục vụ nhân dân lên hàng đầu. “Mình cứ làm, sai ở đâu, sửa ở đó thì nhân dân sẽ tin, sẽ hiểu. Nhờ vậy, những vấn đề tồn tại cũ đang dần được tháo gỡ, giải quyết...”, ông Phan Văn Sự vui mừng khi người dân Đồng Tâm giờ đây đã hiểu rõ bản chất vụ việc hơn... Tình trạng tụ tập đông người hay gây rối trật tự công cộng đã giảm. Trẻ em chuyên tâm vào học hành. Người lớn tập trung vào việc đồng áng hay kinh doanh buôn bán để phát triển kinh tế.
Từ Đảng bộ bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”, năm 2018, Đảng bộ xã Đồng Tâm đã vươn lên, được công nhận “Hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là sự ghi nhận khách quan và công tâm của Huyện ủy Mỹ Đức cho những chuyển biến thực chất ở Đảng bộ.
Có thể thấy, những thay đổi ở Tả Thanh Oai hay Đồng Tâm thể hiện kết quả rõ nhất từ khi Nghị quyết 15-NQ/TU được ban hành, cấp ủy các cấp đã rà soát, đánh giá rõ thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở những địa bàn còn “điểm nóng” hoặc tiềm ẩn nguy cơ. Từ đó, nhiều giải pháp bám sát thực tiễn được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.
Nghị quyết 15-NQ/TU được thực hiện gắn với Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Quyết định 2200-QĐ/TU được ban hành ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”, thực sự đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để ngăn ngừa, hạn chế phát sinh điểm nóng được Hà Nội lựa chọn là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc.
Trở lại với cuộc đối thoại của lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy về chủ trương nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy, những thông tin được lãnh đạo quận đưa ra lập tức làm dịu đi những căng thẳng trong dân. Băng-rôn tại các tòa nhà được gỡ bỏ. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà thuyết phục hàng trăm cư dân của mình: “Chúng ta không thể tự cho phép mình trở thành một điểm nóng”. Ông thừa nhận có những thiếu sót trong việc tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân trước đó đã khiến sự việc trở nên phức tạp. Cùng với động thái tích cực khác của quận Cầu Giấy, những nút thắt dần dần được tháo gỡ.
“Trong lúc người dân bức xúc không biết chia sẻ ở đâu, với ai thì quận tổ chức đối thoại. Lãnh đạo quận đã lắng nghe ý kiến hết sức cầu thị và những thông tin đưa ra lập tức giải tỏa bức xúc của người dân”, ông Tiến Dũng, một cư dân trên địa bàn phường Dịch Vọng bày tỏ.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cùng lãnh đạo các ngành chức năng của thành phố và huyện Sóc Sơn cũng chọn cách đến với dân ngay trong đêm 5-7-2019 để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về mức giá đền bù mới, thuyết phục một số người dân dừng việc làm “cực chẳng đã” là chặn các xe vận chuyển rác từ nội thành vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Trước sự việc có tính chất phức tạp, tái phát nhiều lần, người đứng đầu chính quyền huyện Sóc Sơn tin vào hiệu quả của việc trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ những khúc mắc, bức xúc của người dân. Đây cũng là cách mà lãnh đạo thành phố đã thực hiện trong quá trình triển khai chủ trương di dời người dân ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn từ năm 2016 đến nay.
Thực tế, ngay sau khi thành phố Hà Nội vào cuộc quyết liệt, xử lý kịp thời các vướng mắc trong việc thực hiện chính sách di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, toàn bộ lều bạt được người dân tháo dỡ, để xe chở rác vào khu xử lý. Những hộ gia đình như ông Hoàng Văn Đức (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn), gia đình bà Đào Thị Thường, ông Ngô Văn Quý, ông Nguyễn Văn Truy (thôn 2, xã Hồng Kỳ)... sau đó đã vui vẻ đến nhà văn hóa xã nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cuộc sống tại nơi ở mới của họ tới đây chắc chắn sẽ ổn định, thoải mái hơn khi không còn nỗi ám ảnh sống chung với bãi rác ngay bên cạnh.
Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy Hà Nội xác định công tác đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ngày 16-12-2016 Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tiếp đó, ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh hoạt động này. Việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm.
Quy chế quy định rõ trách nhiệm cơ quan chức năng phải thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân. Chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc. Quy định này giúp cho công tác đối thoại không còn mang tính hình thức và “làm cho có”.
Thực tế tại không ít cơ sở, người đứng đầu e dè trước việc đối thoại trực tiếp với người dân. Phần vì ngại va chạm, phần vì trình độ hạn chế. Tuy nhiên, khi có Chỉ thị số 15-CT/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU, việc tiếp công dân thực hiện nền nếp hơn; việc đối thoại với dân đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc và dần đi vào nền nếp, đặc biệt tại những nơi đã từng là “điểm nóng”.
Ông Phan Văn Sự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm nhớ thời gian đầu nhận nhiệm vụ, có ngày ông tiếp 3 đoàn công dân xã, mỗi đoàn cả chục người. Có những công dân đến bất kể giờ giấc và yêu cầu đã đến là phải có người tiếp... Để đưa việc tiếp công dân trở thành hoạt động quy củ, tuân theo đúng quy định, Đảng ủy xã đã ban hành và thực hiện đúng theo quy chế, “nắn” công việc quan trọng này vào nền nếp với định kỳ 2 buổi/tuần. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã và các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã cùng tham dự để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân.
“Những ý kiến ấy đặt ra nhiều vấn đề cho cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tâm cần phải thực hiện. Người dân đóng góp ý kiến là tốt cho mình. Khi nghe dân nặng lời thì cũng đừng khó chịu. Phải nghe dân bức xúc, băn khoăn gì và soi mình vào đó để sửa”, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm chia sẻ.
Trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại định kỳ với hàng nghìn công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, đối thoại với công dân tại các điểm nóng, khiếu kiện đông người... mọi vấn đề người dân kiến nghị, các đồng chí lãnh đạo thành phố đều trực tiếp giải đáp, trao đổi và chỉ đạo các đơn vị liên quan giải đáp, tiếp thu và xử lý.
Đối thoại đã giúp cho khoảng cách giữa trách nhiệm lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền với người dân được thu hẹp và gần nhau hơn, những băn khoăn, vướng mắc và nguyện vọng của người dân được tiếp nhận, xử lý kịp thời hơn. Nhờ đó, nhiều vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tạo thành “điểm nóng” đã được “tháo ngòi”.
Với việc ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, Quyết định số 2200/QĐ-TU, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TU cùng hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng khác cũng như bằng những hành động trong thực tiễn, Hà Nội đã đặt mình vào thế chủ động để giải quyết những vụ việc phức tạp luôn phát sinh, duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 15.005 lượt công dân; lãnh đạo các cơ quan hành chính đã tiếp định kỳ 7.944 lượt công dân. Các cơ quan hành chính của thành phố tiếp nhận và xử lý 18.771 đơn các loại. Hà Nội đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại cấp thành phố giữa đồng chí Bí thư Thành ủy với đoàn viên, thanh thiếu niên Thủ đô và giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động; 59 hội nghị cấp quận, huyện, thị xã và 243 hội nghị cấp xã, phường, thị trấn.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy Hà Nội cho rằng, những vụ việc liên tục phát sinh, thêm mới như vậy là điều không thể tránh khỏi trong quá trình vận động, phát triển, nhất là với vị trí của Thủ đô đang đà phát triển hiện nay. Từ vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đến vấn đề công nghiệp hóa, đô thị hóa; vấn đề ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục, quản lý đất đai… bất cứ vấn đề nào cũng có thể động chạm đến đời sống của người dân.
Đầu tháng 6-2017, Ban Tổ chức Thành ủy có bản thống kê 200 vụ việc phức tạp liên quan đến địa bàn 164 xã, phường, thị trấn. Tính chất, mức độ khó khăn của từng vụ việc cũng được định lượng rõ: 83 vụ việc liên quan đến quản lý đất đai (41,5%), 55 vụ việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng (27,5%) và 26 vụ việc liên quan quản lý trật tự xây dựng (13%)... 17 vụ việc trên địa bàn 23 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã có tính chất nghiêm trọng cũng được xác định. Ở cấp quận, huyện, thị xã cũng đã rà soát và thống kê 326 vụ việc phức tạp ở cấp độ quận, huyện để tập trung xử lý.
Nhờ tích cực giải quyết, đến cuối năm 2018, những con số trên đã giảm mạnh khi chỉ còn 97 vụ việc thuộc danh sách Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi chưa giải quyết xong. Đến hết quý I-2019, có 25 vụ việc đã được đưa ra khỏi danh sách nhưng lại có thêm 3 vụ việc phát sinh. Sang quý II-2019, con số hiện đang tồn đọng là 72 vụ do có 4 vụ việc được đưa ra nhưng cũng thêm 1 vụ việc phát sinh.
Ở cấp quận, huyện ủy hiện có 170 vụ việc được Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Đáng lưu ý là số vụ việc mới liên tục phát sinh.
Cùng với đó, tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng. 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 161 lượt đoàn đông người tới khiếu nại tố cáo. Con số này dù giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng lại tăng 37,6% so với 6 tháng cuối năm 2018.
Các vụ việc khiếu kiện đông người đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy và Ban Chỉ đạo của quận, huyện, thị ủy theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, cũng có một số vụ việc khiếu kiện đông người mới phát sinh tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự nổi lên trong thời gian gần đây đã và đang được tập trung giải quyết triệt để như vụ việc liên quan đến đất rừng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn; vụ việc 56 hộ dân tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm kiến nghị giá bồi thường đất tại dự án khu TQ5…
Cần thẳng thắn nhìn nhận, tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết hết thẩm quyền, có lý, có tình nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, một số người đứng đầu các cấp còn chưa chủ động, thường xuyên đối thoại với dân, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh tiếp dân... Đây là những thách thức đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của thành phố phải tập trung giải quyết, khắc phục.
Thực tế, công tác lãnh đạo của một số cấp ủy trong xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm chưa kiên quyết, dứt điểm; việc nắm bắt, dự báo tình hình dân sinh bức xúc; lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của cơ sở chưa kịp thời, chưa hiệu quả; một số cán bộ, công chức hạn chế về năng lực, kỹ năng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ… làm phát sinh những bức xúc, mâu thuẫn trong nhân dân.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh việc giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Cùng với cấp ủy, chính quyền, mỗi tổ chức đoàn thể phải có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh, các “điểm nóng” trên địa bàn quản lý để vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của nhân dân.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sơn chia sẻ: “Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập nhiều tổ công tác thường xuyên đi dự sinh hoạt với cấp ủy chi bộ và các đoàn thể để nắm tình hình. Có vấn đề gì phát sinh, chúng tôi xem xét ngay và định hướng xử lý”. Còn tại huyện Thanh Trì, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ rõ từng nội dung hạn chế cần khắc phục ở các tổ chức cơ sở Đảng, định ra thời hạn khắc phục, xác định rõ trách nhiệm cá nhân gắn với công tác đánh giá cán bộ.
Đánh giá sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp ủy ở cơ sở đã có chuyển biến rõ nét, nhất là trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị gắn liền với công tác xây dựng Đảng; thể hiện rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu và cấp ủy trong việc coi trọng sự lãnh đạo gắn với giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, gắn với giải quyết quyền lợi của người dân từ cơ sở.
“Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU thực sự không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành việc làm thường xuyên, rõ hiệu quả trên thực tế, tạo ra sự vận hành đồng bộ từ thành phố đến cơ sở; giúp mỗi người dân cảm nhận và biết rõ hơn về sự chủ động của thành phố trong nỗ lực giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, hạn chế thấp nhất khả năng để những ’điểm nóng’ phát sinh”, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU.
Trước nhiệm vụ của năm 2019, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, bên cạnh việc tập trung giải quyết vụ việc còn tồn đọng, phải hết sức cầu thị, lắng nghe nhân dân, đồng thời lường trước khó khăn xảy ra để hạn chế phát sinh khiếu kiện phức tạp, không để hình thành “điểm nóng”. Phát huy dân chủ, chung sức đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội quyết tâm phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, xứng đáng là một Thủ đô Anh hùng của đất nước Anh hùng và trọn vẹn niềm tin yêu của cả nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Phan Văn Sự có cách riêng của mình. Mỗi ngày ông vẫn không quản quãng đường xa hơn 20km từ nhà đến trụ sở Đảng ủy xã để luôn đến sớm hơn giờ làm việc và ra về cũng muộn hơn những người khác. Ông muốn tranh thủ thêm thời gian để cùng bà con thôn Hoành, thôn Đồng Mít gây dựng lại sự ổn định, phát triển kinh tế. Ông tâm niệm, khi Đảng giao nhiệm vụ, dù có khó khăn, thách thức, phải dám đương đầu, tìm cách vượt qua; củng cố niềm tin của nhân dân bằng chính nhiệt huyết và cái tâm dành trọn cho dân.