hà máy bây giờ là của Chính phủ, của các cô các chú, các cô các chú là chủ, phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa... - lời căn dặn ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu dành cho cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ (nay là Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) khi Bác đến thăm nhà máy ngày 21-12-1954 đã thành “kim chỉ nam” nằm lòng của mọi cán bộ, công nhân ngành điện suốt gần 65 năm qua.
Vinh dự được đón Bác đến thăm chỉ chưa đầy 2 tháng sau ngày Thủ đô giải phóng, đó là một mốc son lịch sử của ngành điện lực Thủ đô và điện lực Việt Nam. Khắc ghi lời dặn của Người, những cán bộ, công nhân ngành điện Thủ đô, bằng trái tim, khối óc, đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ và phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu của đất nước.
Còn nhớ, khi mới được xây dựng năm 1892, Nhà máy đèn Bờ Hồ chỉ có một máy Farcot, công suất 250kW và một tổ Boulte Laborière phát điện một chiều, điện áp 240V, công suất 250kW, chỉ đủ thắp 523 bóng đèn cho các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đến năm 1922, nhà máy có sản lượng điện hằng năm khoảng 1 triệu kWh. Đồng thời, đường dây tải điện 3,3kV cũng được lắp đặt từ Bờ Hồ đi chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông.
Năm 1925, người Pháp khởi công xây dựng Nhà máy Điện Yên Phụ. Đến năm 1933, Nhà máy điện Yên Phụ đã có tổng công suất 22.500 kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ đồng bằng Bắc bộ lúc bấy giờ. Nhà máy đèn Bờ Hồ không còn phát điện nữa, mà trở thành bộ phận kinh doanh, quản lý điện.
Hiệp định Geneve được ký kết, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Tuy lực lượng mỏng, nhưng những người thợ điện đã kiên trì bám ca, bám máy, để tàu điện vẫn leng keng xuôi ngược, để ánh đèn vẫn ấm áp thắp sáng mỗi gia đình đêm đêm...
Và chỉ sau 2 tháng về tiếp quản Thủ đô, tuy bận trăm công, nghìn việc, ngày 21-12-1954, Bác Hồ vẫn dành thời gian đến Nhà máy đèn Bờ Hồ, thăm hỏi, động viên những người thợ điện Thủ đô. Có hai việc Bác căn dặn trong lần đến thăm này, mà đến tận hôm nay, lớp lớp cán bộ, công nhân của ngành vẫn ghi nhớ và nỗ lực phấn đấu. Đó là tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện.
Trải qua hơn 6 thập kỷ, tại địa điểm Nhà máy đèn Bờ Hồ trước đây, nay đã là trụ sở của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội). Từ Nhà máy đèn Bờ Hồ non trẻ trước kia, nay EVN Hà Nội đã là một khối lớn mạnh với 7.654 cán bộ, nhân viên công tác tại 17 Ban chức năng, 39 đơn vị thành viên. Đảng ủy Tổng công ty là Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội với 42 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (trong đó có 33 Đảng bộ, 9 chi bộ cơ sở, với 2.590 đảng viên hoạt động trên khắp địa bàn Thủ đô).
Hiện nay, Tổng công ty đang bán điện cho gần 2,5 triệu khách hàng sử dụng điện và quản lý vận hành hệ thống lưới điện có quy mô hiện đại, bảo đảm điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ người dân, phục vụ các hoạt động chính trị - đối ngoại quan trọng của Trung ương và thành phố cũng như đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Đã gần 65 năm trôi qua kể từ ngày Bác đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Đã gần 50 năm kể từ ngày Bác đi xa.... Nhưng lời dạy của Người mùa đông năm 1954 luôn luôn được cán bộ, công nhân ngành điện Thủ đô khắc ghi, trở thành niềm tự hào, động lực để EVN Hà Nội vươn lên, là doanh nghiệp phân phối điện hàng đầu Việt Nam, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp văn minh, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình của cả nước.
Ngôi nhà 3 tầng được thiết kế thân thiện, với hai màu trắng và đỏ khá đẹp mắt, nằm yên bình trong khuôn viên của Công viên Thống Nhất, phía mặt đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhìn từ ngoài vào, người đi đường cứ ngỡ đó là một trụ sở văn phòng, ít ai nghĩ đó lại là trạm biến áp được đầu tư công nghệ cao, hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Kỹ sư Dương Anh Tùng, Phó phòng kỹ thuật vận hành của Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (thuộc EVN Hà Nội) vẫn nhớ như in câu chuyện của cách đây gần 1 năm, khi trạm biến áp 110kV chính thức đóng điện, đi vào hoạt động.
“Đó là giữa mùa hè, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực quyết định đưa trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất vào hoạt động để kịp phục vụ bà con đúng đợt nắng nóng cao điểm. Sự kiện này không chỉ là niềm vui của những người trong ngành điện, mà còn được nhiều người dân quan tâm, trông đợi. Với hoạt động của trạm biến áp, điện sẽ được cung cấp đủ cho mùa hè, giảm tình trạng quá tải”, kỹ sư Dương Anh Tùng nhớ lại.
Trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất được đầu tư, áp dụng công nghệ GIS, bao gồm các thiết bị cách điện bằng khí SF6. Điều này có nghĩa là toàn bộ thiết bị được cách điện bằng khí và đặt trong đường ống cách điện khí SF6, không tiếp xúc với môi trường, nên thiết bị vô cùng an toàn khi vận hành. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi, và Thủ đô Hà Nội cũng nhanh chóng sử dụng công nghệ này từ nhiều năm nay.
“Một trong những tiêu chí đánh giá đây là trạm biến áp hiện đại nhất cả nước, có thể sánh ngang khu vực là bởi độ an toàn tuyệt đối của thiết bị, cho phép các kỹ sư chạm tay trực tiếp vào thiết bị, thay vì phải giữ một khoảng cách an toàn như trước kia. Với sự đồng bộ và hiện đại của các trang thiết bị, đây là trạm biến áp cho phép vận hành không người trực. Điều này mang lại hiệu quả lớn khi chúng tôi đã giảm được nhân lực vận hành xuống gần một nửa quân số so với trước kia”, kỹ sư Dương Anh Tùng phân tích.
Trạm biến áp 110kV công viên Thống Nhất được xây dựng trên diện tích 2.000m2, chỉ bằng 1/3 diện tích nếu xây dựng một trạm biến áp ngoài trời có cùng quy mô và công suất. Mô hình này rất phù hợp với Thủ đô Hà Nội, nơi có công suất tiêu thụ lớn nhưng không có nhiều diện tích. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng chính là ưu điểm nổi bật của trạm biến áp công nghệ mới khi được đưa vào vận hành tại Hà Nội.
Trong cuộc cách mạng số, việc ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện sống còn với những doanh nghiệp thiên về kỹ thuật như EVN Hà Nội. Làm thế nào để đưa Tổng công ty phát triển như lời Bác dặn năm xưa: “Giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa” luôn là trăn trở của mọi cán bộ, công nhân trong ngành. Và đó cũng là lý do thúc đẩy EVN Hà Nội nhanh chóng mở rộng việc áp dụng công nghệ GIS.
Nói về quyết định đưa vào vận hành trạm biến áp 110KV Công viên Thống Nhất cách đây 1 năm, ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội phấn chấn nói: “Việc có thêm 1 trạm biến áp 110kV đã góp phần nâng cao độ ổn định về năng lực cung cấp điện cho Hà Nội. Đây là một dự án trọng điểm, đáp ứng các nhu cầu bảo đảm kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực và sự phát triển lưới điện trong tương lai”.
Những năm gần đây, EVN Hà Nội đã đưa nhiều trạm biến áp sử dụng công nghệ GIS tối tân vận hành ngay trong các khu đô thị. Trước trạm biến áp không người trực 110kV Công viên Thống Nhất, năm 2015, EVN Hà Nội đã đưa vào hoạt động trạm biến áp ở Bờ Hồ và trạm 220kV Tây Hồ, đều được vận hành từ xa bởi công nghệ GIS.
Hà Nội hiện có 33/46 trạm biến áp không người trực và 13 trạm điều khiến từ xa. Trong số này, 2 trạm biến áp được đầu tư đồng bộ bằng công nghệ GIS tối tân là trạm 220kV Tây Hồ và 110kV Công viên Thống Nhất. Hiện nay, EVN Hà Nội đang tiếp tục xây dựng thêm trạm biến áp theo công nghệ GIS tại các phố Yên Phụ và Phương Liệt. Các trạm này cũng được đặt trong lòng thành phố như một xu thế tất yếu của việc phát triển điện lưới Thủ đô.
“Trước kia, khi mới vận hành trạm biến áp công nghệ mới, các kỹ sư còn chút bỡ ngỡ, phải học các khoá đào tạo, thay đổi thói quen làm việc. Giờ đây, chúng tôi đều đã tự tin tiếp cận công nghệ mới của thế giới. Việc áp dụng khoa học công nghệ để phát triển điện lưới là điều mà EVN đang hướng tới. Đó cũng là xu thế để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực”, kỹ sư Dương Anh Tùng chia sẻ về những đổi mới của ngành điện Thủ đô.
Cùng với sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội trong những năm gần đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhiều đô thị mới mọc lên, nhu cầu về điện là vô cùng cấp thiết.
Vậy mà từ hơn chục năm nay, Hà Nội không còn xảy ra hiện tượng cắt điện luân phiên do không đủ điện cung cấp. Việc cung ứng điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng ổn định hơn. Chìa khóa chính là ở sự đổi mới công nghệ cung cấp điện, giảm thiểu mức độ tiêu hao điện năng. Song song với đó, ngành điện Thủ đô cũng đang áp dụng nhiều công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ cho người dân để tạo ra sự chuyển biến mang tính đồng bộ, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.
Những cảnh dở khóc dở cười khi phải đi năm lần bảy lượt, trải qua nhiều “thử thách” mới gặp được gia chủ hay tiền thu của khách chưa đủ, phải bỏ tiền túi ra tạm ứng… giờ chỉ còn là kỷ niệm khó quên với những người từng làm nghề đặc biệt như chị Giang.
Chị Nguyễn Hương Giang, 40 tuổi, công tác tại Công ty Điện lực Đống Đa, không còn làm nhân viên thu tiền điện đã lâu nhưng vẫn nhớ như in những ngày làm công việc này.
Được giao thu tiền điện của 2.000 hộ dân tại khu vực đường Láng (quận Đống Đa), do đặc thù công việc, thời điểm chị Giang bắt đầu đi thu tiền thường là lúc chiều muộn, bởi khi đó, người dân mới có mặt ở nhà. Để bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc, chị mải miết đi thu không quản thời tiết nắng mưa. Với chị, làm nghề này chẳng khác gì ở vào cảnh “làm dâu trăm họ”, phải lựa từng cảm xúc, trạng thái vui buồn của khách hàng để có thái độ, lời nói và cách thu cho phù hợp. Nhiều khi đáp lại nụ cười, sự nhẹ nhàng của chị là những khuôn mặt kém vui cùng những lời nói có phần khó nghe: “Lại thu à?”, “Suốt ngày thu thế?”, “Sao tháng này nhiều tiền thế?”...
“Có lần, khi tôi vừa đến cửa một gia đình nọ thì họ nói tiền có ở trong túi nhưng chưa nộp vì đang bận ăn cơm và nói tôi đi nhà khác rồi lát quay lại. Tuy nhiên, khi tôi quay lại thì gia chủ đã “cửa đóng then cài”, gọi năm lần bảy lượt không thấy trả lời. Vậy là tôi đành ra về và hôm sau lại đến, tiếp tục chờ đợi...”, chị Hương Giang bùi ngùi kể.
Với chị Giang, việc đi 2-3 lượt mới thu được tiền điện là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Thậm chí, có những hộ, chị phải đi lại đến cả gần chục lượt mới hoàn thành được công việc tưởng chừng rất đơn giản. Vì vậy, cứ đến kỳ thu tiền điện, chị lại chạy ngược chạy xuôi cả tuần lễ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thu đủ tiền điện mỗi tháng với chị là may mắn, nhưng không phải tháng nào chị cũng... gặp may. Gặp những hộ chây ì hoặc đi công tác, không ít lần chị phải bỏ tiền túi ra để tạm ứng cho họ.
Chưa kể, do thường phải lựa thời điểm người dân có nhà để đến thu, chủ yếu là vào lúc chiều muộn, buổi tối, điều kiện làm việc thiếu ánh sáng cũng khiến chị bị ảnh hưởng thị lực. Có lần, chị còn bị thu phải tiền giả mà chẳng biết kêu ai...
Chuyển mình với nhịp sống văn minh, ngành điện Thủ đô đã áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thuận tiện hóa việc thu tiền điện, giảm thời gian, công sức và chi phí của khách hàng. Ngành điện đã ngừng việc thu tiền điện tại nhà, chị Giang được chuyển làm công việc khác sau 5 năm gắn bó. Cách quản lý mới của ngành không chỉ thay đổi công việc của những nhân viên như chị Giang, mà ngay cả người dân, giờ cũng không còn đóng tiền điện theo nếp cũ.
Sau khi vợ sinh con đầu lòng, do hay phải đi công tác xa, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) đã tạm “chuyển khẩu” về với gia đình bên ngoại. Ba tháng sau, khi con trai đã cứng cáp hơn, anh lại đón hai mẹ con trở về. Chào đón họ là căn nhà tối om, mọi thiết bị điện đều không thể sáng. Hoang mang vì nhà hàng xóm vẫn sáng đèn, anh Hoàng nhanh chóng nhìn xuống sàn nhà và phát hiện ra nguyên nhân từ hai tờ giấy báo nộp tiền điện và thông báo cắt điện của đơn vị điện lực. Anh tức tốc đi nộp tiền để nhà sáng đèn trở lại...
Những chuyện như của nhà anh Hoàng giờ ít xảy ra. Bắt đầu từ năm 2013-2015, thực hiện chủ trương điện tử hóa và cải cách hành chính của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN Hà Nội đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển sang quản lý dữ liệu các hóa đơn bằng hình thức điện tử. Việc thanh toán tiền điện đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức mới, nhờ ngành ký kết hợp đồng hợp tác với 17 ngân hàng và 5 tổ chức trung gian thanh toán.
Giờ đây, khách hàng có thể lựa chọn thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, qua internet banking hoặc mobile banking, hoặc thanh toán tại phòng giao dịch của các ngân hàng, tổ chức thanh toán có ký hợp tác với EVN hay đến các quầy thu được mở tại các chi nhánh điện. Hằng tháng, EVN sẽ có thông báo với khách hàng qua tin nhắn về mức điện năng tiêu thụ và khách hàng có thể chủ động lựa chọn hình thức thanh toán điện tử hay thanh toán truyền thống, tùy theo nhu cầu.
Sự đa dang hóa hình thức thanh toán của EVN Hà Nội đã được nhiều khách hàng đón nhận, hoan nghênh, vì nó tiện lợi, đơn giản với người dùng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, sau sự cố đáng nhớ trên, anh đã chọn hình thức thanh toán trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng. Việc bị cắt điện do chậm thanh toán với gia đình anh giờ không còn xảy ra nữa và anh cũng không phải lo đến ngày, đến tháng mất công đi lại để thanh toán hay chờ nhân viên ngành điện đến thu...
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh (quận Hà Đông) khá hài lòng khi gần một năm nay, chị chuyển sang thanh toán tiền điện bằng chuyển khoản online. Hình thức thanh toán này giúp chị có thể trả tiền điện mọi lúc, mọi nơi, đúng hạn và không mất nhiều thời gian.
Ngoài việc giúp khách hàng chủ động, giảm thời gian và chi phí, việc đa dạng hình thức thanh toán tiền điện còn đem lại lợi ích về mặt xã hội, bởi giúp giảm lượng phát khí thải khi khách hàng phải tham gia giao thông, đi lại để thanh toán tiền điện; cũng như giảm chất thải trong quá trình in ấn và lưu trữ giấy tờ liên quan đến hóa đơn tiền điện khi thanh toán bằng tiền mặt...
Và hơn thế nữa, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, EVN Hà Nội đang góp phần vào tiến trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.
Đêm 29-4, trời đổ mưa lớn. Dầm mình trong mưa nhiều giờ liền, cơ thể đã ngấm lạnh, mắt nhòe đi vì nước mưa tới tấp tạt vào mặt, anh Nam, anh Chung, anh Tuấn Anh… vẫn chưa thể ngơi tay. Hơn 40 người trong đội đã làm việc liên tục suốt hơn 10 giờ đồng hồ. Trọng trách bảo đảm nguồn điện, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đặt lên vai họ.
18h chiều 28-4, ngay khi Tổ giám sát báo gấp về sự cố người điều khiển xe cẩu trọng tải 20 tấn khi thi công công trình chung cư tại Tây Mỗ đã không chú ý biển cảnh báo, đưa ngọn cẩu va vào đường dây cao thế, toàn Đội đường dây thuộc Công ty lưới điện cao thế thành phố Hà Nội lập tức lên đường.
Đoạn dây bị tướp nếu không nhanh chóng được thay bằng dây mới sẽ dẫn đến mất điện. Đây là điều không được phép xảy ra, đặc biệt là để phục vụ người dân sinh hoạt, vui chơi, giải trí dịp nghỉ lễ.
Mặc mưa lớn, họ làm miệt mài xuyên đêm. Khi ánh sáng ngày mới le lói, mưa vẫn còn nặng hạt, việc sửa chữa mới hoàn thành. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm nhưng tâm thế lại đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.
“Nhiều đêm, mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây hay các tấm bạt của nhà dân bay lên đường dây là anh em phải kịp thời xử lý. Mọi người luôn sẵn sàng lên đường 24/24h, bất kể đêm hôm hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến đâu”, anh Nguyễn Thế Nam, Tổ vận hành 3 chia sẻ.
Nếu như việc xử lý các sự cố đột xuất đòi hỏi áp lực về tiến độ khẩn trương thì công việc định kỳ gồm vận hành quản lý đường dây, kiểm tra kỹ thuật trên lưới lại cần ở họ tính bền bỉ, dẻo dai và kiên trì. Đi bộ bám dọc theo đường dây cao thế 110kV hiện đã phủ rộng khắp thành phố, từ đồng bằng đến vùng bán sơn địa và ra cả vùng giáp các tỉnh, thành lân cận, đôi chân người thợ đã quen với việc lội ruộng, leo đồi không biết mệt mỏi.
“Mỗi đường dây cấp điện cho 1/4 thành phố, nếu gặp sự cố nhẹ thì gây mất điện cho cả một quận hoặc một huyện, còn nặng hơn thì liên đới đến cả 2 quận” – anh Nam lý giải về tầm quan trọng của lưới điện cao thế.
“Không chỉ những ngày mưa, vào những ngày nắng nóng, phụ tải đạt đỉnh, toàn bộ các anh em trong đội phải ra tuyến để kịp thời xử lý sự cố hoặc kiểm tra độ võng của dây để Trung tâm Điều độ san tải, cân đối, bảo đảm vận hành an toàn cho cả hệ thống”, anh Nam kể thêm.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội là tên đầy đủ của đơn vị mà anh Nam vừa nhắc tới. Nơi đây, trong những đêm mưa lớn kèm dông lốc hay những đợt nắng nóng đỉnh điểm, những điều độ viên vẫn thường có những ca làm việc kéo dài cả chục giờ đồng hồ mà quên mất mình còn chưa ăn bữa tối.
“Cơn bão với những trận dông lốc thường bắt đầu từ 14-15h chiều và kéo dài cho đến hết đêm. Chúng tôi cũng cứ thế mà làm việc xuyên đêm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan để khắc phục sự cố cho đến tận sáng hôm sau. Anh em chỉ kịp ăn tạm thứ gì đó trước khi bắt đầu ca làm việc mới”, anh Lê Quang Huy, Phó Phòng điều độ vận hành nói về công việc của mình.
Áp lực công việc căng thẳng với những quyết định mang tính “cân não” là thế, nhưng cách nói chuyện nhỏ nhẹ, trầm tĩnh của anh khiến người đối diện khó có thể nhận ra đây là một điều độ viên xuất sắc đã giành giải nhất cá nhân trong Hội thi điều độ viên giỏi cấp Tập đoàn năm 2017.
Anh tâm sự, giải thưởng đem lại chút tự hào cho bản thân, song là phần thưởng lớn, khẳng định sự phấn đấu không mệt mỏi trong suốt chặng đường 13 năm gắn bó của anh với việc điều độ.
Anh Nam, anh Chung, anh Huy, anh Tuấn Anh chỉ là 4 trong số hàng nghìn người thợ, kỹ sư của tập thể EVN Hà Nội. Nhưng tinh thần làm việc, trái tim yêu nghề của các anh lại là mẫu số chung của cả tập thể cán bộ, nhân viên. Khí chất đáng quý ấy bắt nguồn từ sự trân trọng lịch sử vẻ vang của ngành, thấm nhuần lời dạy của Bác: Khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì cũng phải trả lời câu hỏi “Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?”...
Đó là 6 chữ vàng ngọc mà những người phụ nữ trẻ tại Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội luôn tâm niệm. Chiếc gương tròn tại bàn làm việc của mỗi điện thoại viên giúp họ tập nở nụ cười thân thiện mỗi ngày. Nụ cười ấy, dù khách hàng không nhìn thấy, nhưng qua giọng nói, họ có thể cảm nhận được.
Không vất vả dầm mưa giãi nắng như những công nhân đường dây hay trải qua các cuộc thử sức “cân não” của nhân viên điều độ, bản lĩnh của những người phụ nữ tại đây lại được thử thách, rèn giũa qua mỗi cuộc gọi.
Bùi Thị Tố Tâm, nữ nhân viên trẻ mới chuyển từ Điện lực Tây Hồ về làm điện thoại viên tại Trung tâm được hơn một năm không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên bởi lý do “thích được nói”. Bí quyết khiến Tâm liên tục đạt danh hiệu điện thoại viên xuất sắc có lẽ bởi chị điều tiết được cảm xúc cá nhân, mở lòng cùng khách hàng để lắng nghe, thấu hiểu và nhanh chóng giải quyết mọi thắc mắc của họ.
Trong giọng nói ngọt ngào, trong trẻo mà Tâm may mắn sở hữu, người nghe có thể tin tưởng trao gửi mọi băn khoăn, thắc mắc, cũng như đón nhận lại những thông tin chuẩn xác, cách xử lý tình huống hiệu quả, chuyên nghiệp của chị.
Nắm giữ trọng trách của một trưởng ca, chị Trịnh Thị Hằng luôn là “cứu tinh” của các điện thoại viên khác khi xử lý hàng loạt ca khó. Vừa trực tiếp điều hành qua phần mềm, để bất cứ cuộc gọi nào của khách hàng cũng được tiếp nhận sau không quá 30 giây và đôn đốc quá trình xử lý sau đó, chị Hằng phải liên tục quan sát, khi thấy điện thoại viên nào tỏ ra căng thẳng hay cuộc gọi kéo dài, chị sẽ cùng tham gia trực tiếp vào cuộc gọi để “gỡ nóng”.
Theo chị, điều quan trọng nhất là phải thực sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với khách hàng, đặt mình vào vị trí của khách hàng để xử lý tình huống họ đang gặp phải. Sau đó, chị kịp thời kết nối với những người như anh Duy, anh Nam để nhanh chóng cấp điện lại sau những sự cố mất điện gián đoạn.
“Tiếng khóc lóc trong đêm vì nóng nực của trẻ vọng qua điện thoại khiến tôi xót ruột hệt như đó là con mình vậy… Khi đã yêu công việc này, đặt hết cái tâm vào đó, tôi tin rằng khó khăn nào mình cũng có thể vượt qua”, chị Hằng tâm sự.
Công nhân EVN Hà Nội sửa điện giúp người dân.Những ngày giữa tháng 5 này, người dân Thủ đô bắt đầu bước vào những đợt nắng nóng cao điểm. Các điện thoại tại Trung tâm chăm sóc khách hàng liên tục “nóng máy”. Đội xung kích tại Trung tâm điều độ cũng bắt đầu làm thêm giờ không biết mệt mỏi. Và ngoài kia, dưới cái nắng như thiêu như đốt, các công nhân đường dây như anh Nam, anh Chung, anh Tuấn Anh lại tiếp tục căng mình ngoài tuyến…
Với họ, qua nhiều ngày bão dông, qua nhiều mùa nắng nóng, bản lĩnh, niềm tin yêu với nghề đã được tôi luyện để luôn vững vàng vì dòng điện sáng khắp muôn nơi!
Bầu nhiệt huyết, sự chuyên nghiệp từ đội ngũ người lao động chính là thứ của cải vô giá giúp EVN Hà Nội trưởng thành như ngày hôm nay, giữ được lời hứa với Bác, thực hiện được lời căn dặn của Bác năm xưa.
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang xây dựng và phát triển, EVN Hà Nội không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thành ủy, UBND thành phố, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, nhận thức được vị trí, trách nhiệm của một đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp điện năng cho Thủ đô, tập thể cán bộ, công nhân viên luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
EVN Hà Nội đang ngày đêm vận hành cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, đặc biệt là cung cấp điện an toàn tuyệt đối, phục vụ các hoạt động chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, ngoại giao của Đảng và Nhà nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Hiệu quả kinh doanh luôn được đặt song hành với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Hiện EVN Hà Nội quản lý vận hành hệ thống lưới điện có quy mô hiện đại với 1 trạm biến áp 220kV, 45 trạm biến áp 110kV với tổng công suất gần 6.000MVA, 879km đường dây 110kV, 11.707 trạm biến áp phân phối với hơn 4.782km đường dây không và 3.226km cáp ngầm; 31.496 lộ xuất tuyến hạ thế…; đáp ứng nhu cầu phục vụ gần 2,5 triệu khách hàng sử dụng điện.
Tiếp tục thực hiện lời Bác dạy, EVN Hà Nội không ngừng tự làm mới mình, liên tục đặt ra những định hướng phát triển mới cho tương lai. Một trong những mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước.
Với tâm thế mới, với bản lĩnh vững vàng, những cán bộ, công nhân EVN Hà Nội đầy tự tin sẽ viết tiếp truyền thống vẻ vang, tạo dấu mốc mới trong tiến trình đi lên cùng đất nước.